Saturday, 23/11/2024 | 01:03 GMT+7

Tiến bộ hiệu quả năng lượng toàn cầu đang phục hồi, nhưng chưa đủ nhanh

16/12/2021

Nhận định từ Báo cáo hiệu quả năng lượng (Energy Efficiency Report) năm 2021 của Cơ quan năng lượng quốc tế IEA.

Theo báo cáo này, việc mở rộng nhanh chóng các công nghệ và giải pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả toàn cầu là cần thiết để đảm bảo các cam kết về khí hậu. Theo đó, IEA thúc giục các chính phủ đi đầu trong việc huy động đầu tư cần thiết.

Theo Báo cáo hiệu quả năng lượng (Energy Efficiency Report) năm 2021 của IEA, tiến bộ toàn cầu về hiệu quả năng lượng đã phục hồi bằng với tốc độ trước đại dịch. Tuy nhiên tốc độ đó vẫn chưa đủ giúp thế giới đi đúng hướng để đạt được mức phát thải ròng bằng không vào giữa thế kỷ này, theo báo cáo. Tổng đầu tư hàng năm cho hiệu quả năng lượng trên toàn thế giới cần phải tăng gấp ba lần vào năm 2030 để phù hợp với Lộ trình đạt tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như IEA đề ra (IEA’s Roadmap to Net Zero by 2050).

Tốc độ cải thiện cường độ năng lượng toàn cầu dự kiến phục hồi vào năm 2021 là 1,9% nhưng thấp hơn rất nhiều so với mức 4% cần thiết theo Báo cáo hiệu quả năng lượng 2021 của IEA. 

Đánh giá toàn cầu mới nhất của IEA về các xu hướng thị trường và chính sách hiệu quả năng lượng nêu bật nhu cầu cấp thiết thúc đẩy mạnh mẽ các chính sách năng lượng sạch với hiệu quả năng lượng là cốt lõi, để đạt được các mục tiêu khí hậu. Đây là bản cập nhật đầu tiên trong báo cáo thị trường hiệu quả năng lượng của IEA kể từ khi các chính phủ công bố một loạt các cam kết chi tiêu mới nhằm hỗ trợ sự phục hồi kinh tế trong suốt năm 2021.

Báo cáo được đưa ra ngay sau khi kết thúc Hội nghị biến đổi khí hậu COP26 ở Glasgow, với tuyên bố cuối cùng đặc biệt kêu gọi nhanh chóng mở rộng các biện pháp hiệu quả năng lượng và vai trò quan trọng của các biện pháp này trong hệ thống năng lượng khử cacbon (decarbonising energy systems).

“Chúng tôi coi hiệu quả năng lượng là "nhiên liệu đầu tiên" vì đây là phương pháp sạch, và tiết kiệm nhất trong hầu hết mọi trường hợp để đáp ứng nhu cầu năng lượng cần thiết. Không có con đường không phát thải nào không cần đến các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả”, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết. “Một bước thay đổi về sử dụng năng lượng hiệu quả sẽ tạo cho chúng ta cơ hội ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu; cũng như tạo ra hàng triệu việc làm ổn định và giảm hóa đơn năng lượng”.

Báo cáo lưu ý rằng các chính phủ đã mở rộng các chương trình sử dụng năng lượng hiệu quả, nhưng cũng nhấn mạnh rằng tiềm năng tạo việc đáng kể vẫn chưa được khai thác đúng mức. Ví dụ, đầu tư vào hiệu quả năng lượng tòa nhà, lĩnh vực tạo việc làm đầy hứa hẹn trong thị trường xây dựng, dự kiến ​​sẽ tăng 20% ​​vào năm 2021 so với mức trước đại dịch. Báo cáo nêu chi tiết cách thức để tăng thêm 4 triệu việc làm vào năm 2030 bằng cách tăng chi tiêu cho các tòa nhà, thiết bị và các biện pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả phù hợp với Kịch bản không phát thải ròng vào năm 2050 của IEA (IEA’s Net Zero Emission by 2050 Scenario).

Sau năm 2020, khi đại dịch COVID-19 dịch chuyển trung tâm hoạt động kinh tế khỏi ngành dịch vụ tới ngành công nghiệp, tốc độ cải thiện cường độ năng lượng toàn cầu, một chỉ số quan trọng về mức độ hiệu quả sử dụng năng lượng của hoạt động kinh tế toàn cầu (global energy intensity), dự kiến ​​sẽ phục hồi vào năm 2021 là 1,9%. Con số này phù hợp với tốc độ cải thiện trung bình hàng năm trong 10 năm qua nhưng thấp hơn rất nhiều so với mức 4% cần thiết từ nay đến năm 2030 trong Lộ trình của IEA.

Hiệu quả năng lượng cho phép các hoạt động nhanh và hiệu quả nhất về chi phí để giảm phát thải CO2. Đây là biện pháp quan trọng giúp thu hẹp khoảng cách giữa các tham vọng khí hậu và xu hướng hiện tại. Báo cáo 2021 xem xét tới hơn 40 cột mốc về hiệu suất năng lượng được vạch ra trong Lộ trình để nâng cao hiệu quả và giảm phát thải đúng hướng.

Ngoài các chính sách hiệu quả năng lượng được phát triển tốt như tiêu chuẩn thiết bị, mà nhờ áp dụng các tiêu chuẩn này một số quốc gia tiết kiệm được lượng điện tương đương với tổng sản lượng điện từ năng lượng gió và mặt trời, báo cáo cũng nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của kỹ thuật số trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hiệu quả. Các thiết bị kỹ thuật số đang giúp mở rộng quy mô và phạm vi lợi ích từ hiệu quả năng lượng; đồng thời cho phép mở ra quá trình chuyển đổi năng lượng sạch rẻ hơn, dễ hơn và hiệu quả hơn.

An Nhiên (theo Moderndiplomacy)