Monday, 23/12/2024 | 17:49 GMT+7
Giữa tháng 5 vừa qua Ủy ban châu Âu đã trình bày Kế hoạch REPowerEU. Kế hoạch được dự thảo nhằm ứng phó với những khó khăn và sự gián đoạn thị trường năng lượng gây ra bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine. Vấn đề chuyển đổi năng lượng với Liên minh đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết do mục tiêu chấm dứt sự phụ thuộc của EU vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, công cụ kinh tế và chính trị đã được sử dụng bấy lâu nay khiến người dân EU phải chi thêm khoảng 100 tỷ euro tiền thuế mỗi năm, và giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.
Theo khảo sát, 85% người dân EU tin rằng Liên minh nên giảm sự phụ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ của Nga càng sớm càng tốt để hỗ trợ Ukraine. Theo đó, các biện pháp được thiết kế trong bản kế hoạch này nhằm đáp ứng hai mục tiêu trên thông qua các công cụ chính: tiết kiệm năng lượng, đa dạng hóa nguồn cung, tăng tốc triển khai năng lượng tái tạo để thay thế nhiên liệu hóa thạch trong gia đình, công nghiệp và sản xuất điện.
Độc lập năng lượng ước tính sẽ giúp EU tiết kiệm được khoảng 100 tỷ euro mỗi năm.
Theo trang thông tin chính thức của EU (ec.europa.eu), Ủy ban đề xuất tăng cường các biện pháp hiệu quả năng lượng dài hạn, từ 9% lên 13%, của mục tiêu Hiệu quả năng lượng ràng buộc theo gói "Fit for 55" của Thỏa thuận Xanh châu Âu.
Theo EC, tiết kiệm năng lượng là cách nhanh nhất và rẻ nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay và tất nhiên là giảm cả hóa đơn tiền điện. Trong bài phát biểu công bố kế hoạch REPowerEU, Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans, đã đề xuất các hành động mà mọi người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện để giảm mức tiêu thụ năng lượng của mình. “Sưởi ấm ít hơn một chút hoặc trì hoãn thời gian bật điều hòa”, ông Timmermans gợi ý.
EC cũng trình bày kế hoạch “Truyền thông tiết kiệm năng lượng EU” đi kèm với các kiến nghị. Những giải pháp thay đổi hành vi ngắn hạn được đánh giá có thể cắt giảm khoảng 5% nhu cầu khí đốt và dầu. Đồng thời EU khuyến khích các quốc gia thành viên sớm khởi động các chiến dịch nhắm tới hộ gia đình và ngành công nghiệp.
Các biện pháp tài khóa khuyến khích tiết kiệm năng lượng, như giảm thuế VAT cho hệ thống sưởi hiệu quả năng lượng, cách nhiệt tòa nhà, thiết bị/sản phẩm hiệu quả năng lượng cao… cũng được khuyến khích áp dụng. EC đề ra các biện pháp dự phòng trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn nghiêm trọng, và đưa hướng dẫn về những tiêu chuẩn ưu tiên cần thiết cho người dân, song song với một kế hoạch cắt giảm nhu cầu có phối hợp giữa các quốc gia EU.
4 cường quốc năng lượng tái tạo công bố ý cung cấp 65 triệu GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030.
Bên cạnh tiết kiệm năng lượng, đa dạng hóa nguồn cung và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh cho ngành năng lượng là các biện pháp chính của REPowerEU.
Theo đó, Kế hoạch quy định việc tạo ra một cơ chế tự nguyện mà qua đó các quốc gia thành viên có thể nhóm các đơn đặt hàng năng lượng của họ, điều phối việc sử dụng các cơ sở hạ tầng nhập khẩu, lưu trữ và vận chuyển, đàm phán với các đối tác quốc tế để mua năng lượng. Nền tảng mới được xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho một số nước như Ukraine, Moldova, Gruzia và các nước Balkan trong việc tiếp cận các nguồn cung trữ lượng lớn như Mỹ. Tuy nhiên, một số nước như Đức vẫn nghiêng về khả năng tự đàm phán.
Mục tiêu của EU là tự lực nhất có thể trong an ninh năng lượng. Do đó các giải pháp thúc đẩy chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo trong Liên minh đang được cân nhắc tối đa. Theo đó, tỷ trọng năng lượng tái tạo năm 2030 được kỳ vọng nâng lên 45%, thay vì 40 như trước. Đồng thời, mức kinh phí mới được đề xuất để tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo là 86 tỷ euro.
EU đặt niềm tin mạnh mẽ vào năng lượng gió và năng lượng tái tạo. Chiến lược mà EC đưa ra nhằm mục đích tăng công suất sản xuất năng lượng bằng các tấm pin quang điện từ 165 Gigawatt (GW) hiện nay lên 320 GW vào năm 2025 và gần 600 GW vào năm 2030. Đối với điện gió trong và ngoài khơi, mục tiêu là nâng công suất từ 190 GW lên 480 GW vào năm 2030. Bốn cường quốc điện gió ngoài khơi là Bỉ, Đức, Đan Mạch và Hà Lan đã công bố ý định phát triển rộng rãi nguồn năng lượng này, với mục tiêu là đạt 65 triệu GW vào năm 2030, tương đương mức năng lượng sử dụng cho 230 triệu hộ gia đình.
Để đạt các kỳ vọng này, EC khuyến khích các quốc gia thành viên ưu tiên xác định các lĩnh vực ưu tiên và đảm bảo thời gian cấp phép cho các thủ tục không quá một năm.
Với những tham vọng trên, ước tính sẽ cần bổ sung khoảng 210 tỷ euro vào năm 2027 để thực hiện thực hiện REPowerEU (so với gói Fit for 55). Do đó EC đề xuất tăng trợ cấp từ việc bán tín chỉ carbon, chuyển một phần kinh phí từ các quỹ chung như nông nghiệp, cơ sở hạ tầng sang cho phát triển năng lượng. Đồng thời, EC cũng đề xuất Liên minh cân nhắc xây dựng một công cụ tài chính mới để hỗ trợ quá trình này.
Nếu thực hiện được mục tiêu độc lập năng lượng khỏi Nga, ước tính các quốc gia thành viên EU sẽ tiết kiệm được khoảng 100 tỷ euro mỗi năm.
Hải Yến biên dịch (Nguồn Europa)