Friday, 08/11/2024 | 04:58 GMT+7

Nhật Bản áp dụng giai đoạn tiết kiệm điện sau 7 năm

06/07/2022

Ngày 1/7, các hộ gia đình và doanh nghiệp tại Nhật Bản bước vào giai đoạn 3 tháng tiết kiệm điện để tránh nguy cơ quá tải giữa lúc nước này trải qua đợt nắng nóng kỷ lục. Đây là lần đầu tiên trong 7 năm qua, Chính phủ Nhật Bản áp dụng giai đoạn tiết kiệm điện.

Đợt nắng nóng bất thường trong tháng 6 đã khiến nhu cầu tiêu thụ điện tại Nhật Bản tăng lên mức rất cao trong khi nguồn cung được dự kiến sẽ hạn hẹp trong suốt mùa Hè này do nắng nóng kéo dài và các vấn đề về cơ sở hạ tầng. Chính phủ Nhật Bản kêu gọi người dân giảm tiêu thụ năng lượng mà không làm gián đoạn cuộc sống và hoạt động kinh tế.
Người dân che ô tránh nắng nóng khi di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 28/6/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Quần đảo Nhật Bản trong những ngày qua liên tục ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục, có khi lên đến hơn 35 độ C ở nhiều khu vực. Nắng nóng được dự báo còn kéo dài. Do lo ngại nguy cơ sốc nhiệt, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản kêu gọi người dân tiếp tục sử dụng điều hòa và tiết kiệm điện thông qua các biện pháp như tắt các thiết bị điện không cần thiết. Các biện pháp tiết kiệm năng lượng đặc biệt được khuyến khích thực hiện trong khung giờ từ 17h-20h khi năng lượng Mặt Trời giảm.
Bộ trên cũng ban hành hướng dẫn cảnh báo sử dụng điện trong 4 ngày liên tiếp từ đầu tuần này tại các khu vực sử dụng điện của công ty điện lực Tokyo trong bối cảnh nhiệt độ thủ đô và các vùng lân cân tăng cao gây áp lực lớn lên hệ thống cấp điện. Cảnh báo mới được dỡ bỏ ngày 1/7 khi nguy cơ quá tải điện giảm nhưng nguy cơ thiếu điện vẫn còn do các vấn đề như các nhà máy hiệt điện lâu năm có thể gặp các vấn đề kỹ thuật. Ngày 30/6, nhà máy nhiệt điện Nakoso tại tỉnh Fukushima, Đông Bắc Nhật Bản, tạm dừng hoạt động do vấn đề kỹ thuật và sau đó nối lại một phần hoạt động trong ngày.
Trong tháng 7, một số nhà cung cấp điện áp dụng hệ thống chấm điểm để áp dụng quy chế thưởng cho những hộ gia đình có các biện pháp tiết kiệm điện hiệu quả. Chính phủ cũng quyết định áp dụng chấm điểm tiêt kiệm năng lượng trong tháng 8, trị giá 2.000 yen (15 USD), cho các hộ gia đình tham gia.
Sau thảm họa động đất sóng thần năm 2011 làm hư hỏng nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi khiến phần lớn các lò phản ứng hạt nhân trên cả nước phải dừng hoạt động, Chính phủ Nhật Bản cũng đã liên tục phải áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng cho đến năm 2015. Các biện pháp trên tạm dừng từ năm 2016 sau khi một số nhà máy điện hạt nhân khôi phục hoạt động.
Theo: TTXVN