Thursday, 07/11/2024 | 17:16 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng hiệu quả tại các cơ sở sản xuất ở làng nghề

16/07/2024

Nhằm tối ưu hóa chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD), hướng tới sự phát triển bền vững, nhiều giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm đã và đang được áp dụng trong các cơ sở sản xuất ở nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Có mặt tại làng nghề chế biến bông vải sợi truyền thống thôn Gia, xã Yên Đồng (Yên Lạc) những ngày tháng 7 nắng nóng gay gắt, nhưng không khí làm việc tại nhiều cơ sở vẫn khá tất bật khẩn trương để kịp giao hàng cho các đại lý.
Cơ sở sản xuất và phân phối chăn - ga - gối - đệm cao cấp Long Thúy, xã Yên Đồng (Yên Lạc) đầu tư hàng chục tỷ đồng mua sắm trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động và tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Nguyễn Lượng
Với nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nghề sản xuất chăn - ga - gối - đệm tại xã Yên Đồng ngày càng phát triển. Trong bối cảnh trên thị trường xuất hiện nhiều thương hiệu sản xuất chăn - ga - gối - đệm lớn, để tồn tại, không ít cơ sở tại làng nghề đã đổi mới quản lý, đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ mới, tự động để tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tiêu biểu trong số đó là cơ sở sản xuất và phân phối chăn - ga - gối - đệm cao cấp Long Thúy. Năm 2016, gia đình anh Long đã đầu tư hàng chục tỷ đồng trang bị hệ thống máy trần thêu vi tính, máy may công nghiệp tự động... để sản xuất ra các dòng sản phẩm mới như đệm bông ép tinh khiết, đệm nano mang thương hiệu riêng là "Sahalla" và "Evella".
Anh Nguyễn Văn Long, chủ cơ sở sản xuất Long Thúy chia sẻ, với hệ thống máy móc, thiết bị tự động hóa cao đã giúp cơ sở không chỉ đa dạng hóa các mẫu mã, chủng loại sản phẩm mà còn tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất (trong đó bao gồm cả tiền điện tiêu thụ hằng tháng), nâng cao năng suất lao động.
Đơn cử, sau khi đưa hệ thống máy trần thêu được điều khiển bằng phần mềm vi tính vào hoạt động đã giúp tạo ra những mẫu thêu phức tạp, tinh xảo đến từng chi tiết và có độ chính xác cao, góp phần tiết giảm 30% chi phí sản xuất so với việc vận hành các loại máy thêu truyền thống trước đây.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 28 làng nghề; trong đó, có 20 làng nghề truyền thống với gần 10.000 cơ sở SXKD. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các sản phẩm làng nghề, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thay thế dần các hoạt động lao động thủ công, máy móc có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng trở thành yếu tố "sống còn" đối với các làng nghề.
Để thúc đẩy sự phát triển và các hoạt động tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp nói chung và các cơ sở sản xuất nói riêng tại các làng nghề, thực hiện Nghị định số 45 của Chính phủ về khuyến công, từ năm 2012 đến nay, Trung tâm Phát triển công thương tỉnh chú trọng hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho 317 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với tổng kinh phí hỗ trợ gần 31 tỷ đồng; thu hút hơn 258 tỷ đồng vốn đối ứng.
Hiện nay, phần lớn các hộ làm gốm tại làng nghề gốm Hương Canh (Bình Xuyên) sử dụng lò gas thay thế cho lò nung đốt bằng củi để giảm tiêu hao năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: Nguyễn Lượng
Đồng thời, từ nguồn kinh phí khuyến công đã hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các cụm công nghiệp, làng nghề thực hiện các nội dung như áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm nguyên liệu, giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ tác động đối với môi trường...
Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giới thiệu về các mô hình sử dụng năng lượng mặt trời, tiết kiệm điện ở làng nghề... cũng được đẩy mạnh đã giúp các hộ sản xuất trong các làng nghề nâng cao ý thức; chủ động đầu tư mua sắm các lò đốt điện hiện đại, máy cắt khắc CNC...
Phát huy những kết quả đạt được, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh; thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại các làng nghề, trong các khu, cụm công nghiệp cần tiếp tục duy trì, thúc đẩy và phát triển các hoạt động tổng thể về tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng, nguyên liệu; tích cực hưởng ứng các chương trình khuyến công, đầu tư đổi mới máy móc, ứng dụng công nghệ mới; hạn chế, điều chỉnh thời gian sử dụng điện vào thời gian cao điểm...
Theo: Báo Vĩnh Phúc