Thursday, 07/11/2024 | 17:13 GMT+7
Theo các chuyên gia, thế giới đang hướng đến mức tăng nhiệt độ khắc nghiệt - tăng thêm 2oC do biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính. Nguồn nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt trong khi nhu cầu năng lượng toàn cầu dự kiến sẽ tăng 50% vào năm 2030. Khi dân số thế giới tiếp tục phát triển sẽ dẫn đến lượng chất thải tạo ra ngày càng gia tăng.
Trước những dự đoán đáng lo ngại này, Thụy Điển đã xác định được cơ hội kinh doanh mới và bắt đầu một cuộc cách mạng tái chế, biến rác thải thành năng lượng. Thông qua chiến lược tái chế toàn quốc, Thụy Điển đã biến gánh nặng chi phí xử lý rác thải cao thành một dự án đem lại lợi nhuận.
Thụy Điển không chỉ tiết kiệm tiền bằng cách thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng chất thải để sản xuất năng lượng; mà còn tạo ra 100 triệu đô la Mỹ hàng năm bằng cách nhập khẩu rác và tái chế chất thải do các quốc gia khác tạo ra. Vương quốc Anh, Na Uy, Ireland và Ý sẵn sàng trả 43 đô la cho mỗi tấn chất thải mà Thụy Điển nhập khẩu cho mục đích này.
Bằng cách biến rác thành năng lượng, Thụy Điển cung cấp nhiệt cho hơn 1 triệu hộ gia đình.
Thay vì đưa rác thải đến bãi chôn lấp, các nhà máy rác thải sẽ tạo ra năng lượng sau đó cung cấp dưới dạng điện cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Chỉ có 1% rác thải của Thụy Điển được đưa đến bãi chôn lấp. Bằng cách đốt rác, 52% số lượng rác thải khác được chuyển đổi thành năng lượng và 47% còn lại được tái chế. Chỉ riêng lượng năng lượng được tạo ra từ rác thải đã cung cấp nhiệt cho một triệu ngôi nhà và điện cho 250.000 hộ gia đình. Trong khi đó, Vương quốc Anh chỉ tái chế được 44% rác thải mà quốc gia này tạo ra.
Trước cơ hội kinh doanh mới, Thụy Điển đã nhanh chóng nắm bắt được nhu cầu năng lượng đang tăng lên. Ngay từ đầu, họ đã nhận thấy tình trạng khan hiếm tài nguyên và biến đổi khí hậu đều là những xu hướng không thể đảo ngược với quỹ đạo rõ ràng. Thông qua việc xem xét những xu hướng này từ góc độ đúng đắn – cụ thể là, đưa ra tầm nhìn về cách những xu hướng này sẽ mang lại giá trị cho khách hàng và tác động đến quốc gia theo thời gian – Thụy Điển đã có thể nắm bắt được cơ hội kinh doanh hoàn toàn mới.
Bằng cách chuyển đổi chất thải thành năng lượng, Thụy Điển đã giảm được lượng khí thải carbon.
Những nỗ lực chuyển đổi chất thải thành năng lượng đầu tiên của Thụy Điển đã bắt đầu từ giữa thế kỷ 20 với việc thực hiện chính sách tái chế trên toàn quốc. Điều này đã thúc đẩy tỷ lệ tái chế và đưa Thụy Điển trở thành quốc gia đi đầu toàn cầu về tái chế.
Bằng cách chuyển đổi chất thải thành năng lượng, Thụy Điển đã giảm lượng khí thải carbon xuống 2,2 triệu tấn mỗi năm. Từ năm 1990 đến năm 2006, lượng khí thải carbon đã giảm 34% và lượng khí thải nhà kính giảm 76% vào năm 2020, so với mức năm 1990.
Thứ hai, họ bắt đầu giáo dục nâng cao nhận thức người dân từ rất sớm. Ngay từ khi còn rất nhỏ, trẻ em đã được dạy cách tái chế, biến tái chế thành một lối sống trong cộng đồng người dân. Thậm chí đất nước này còn có một ngày hành động quốc gia để trẻ em trên khắp đất nước tham gia nhặt rác và dọn dẹp môi trường xung quanh. Giáo viên được đào tạo đặc biệt để khuyến khích trẻ em tham gia vào các hoạt động thực tế, như tự làm giấy hoặc thực hiện chính sách về rác thải tại trường học.
Cuối cùng, mọi người dân Thụy Điển đều chung tay vào quá trình tái chế. Thụy Điển đã làm cho việc tái chế trở nên dễ dàng, dễ tiếp cận và thuận tiện. Người dân có thể tìm thấy một trạm tái chế trong phạm vi tối đa 300 mét từ bất kỳ khu dân cư nào. Quốc gia này còn đưa ra các chính sách ưu đãi như công dân Thụy Điển được tặng phiếu giảm giá khi sử dụng máy tái chế gần đó.
Trong các khu đô thị mới như Stockholm, các đường ống rác thải đã được thiết kế để dẫn rác thẳng vào lò đốt chuyển đổi rác thành năng lượng. Điều này có nghĩa là rác thải do cư dân trong tòa nhà thải ra được chuyển trực tiếp thành năng lượng cho chính ngôi nhà của họ.
Biến rác thành năng lượng: Chiến lược tái chế của Thụy Điển.
Nhìn chung, Thụy Điển đã dẫn chứng ba đề xuất thiết yếu cho sự thành công của chiến lược hoàn toàn mới này. Thứ nhất, đề xuất giá trị đem đến cho người dân Thụy Điển môi trường sạch hơn và cung cấp năng lượng giá rẻ cho hơn một triệu hộ gia đình. Thứ hai, đề xuất lợi nhuận đảm bảo rằng Thụy Điển không chỉ giảm chi phí thông qua việc loại bỏ chi phí nhiên liệu hóa thạch cao mà còn tạo ra doanh thu 100 triệu đô la hàng năm cho việc tái chế chất thải nhập khẩu. Cuối cùng, đề xuất con người tạo ra một hệ thống cho tất cả mọi người tham gia, cung cấp cho công dân Thụy Điển những ưu đãi hấp dẫn để tái chế và dạy trẻ em tái chế từ khi còn nhỏ.
Bất chấp áp lực ngày càng tăng, Thụy Điển đã tự mình giải quyết vấn đề rác thải. Thay vì thích ứng với biến đổi khí hậu và tình trạng khan hiếm tài nguyên khi chúng xảy ra, Thụy Điển đã trở thành nước tiên phong trong ngành tái chế, tạo ra cơ hội kinh doanh mới, kết hợp công nghệ, trách nhiệm xã hội và hiệu quả về chi phí.
Hoàng Dương (Theo Blue Ocean)