Thursday, 02/01/2025 | 23:58 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững

15/10/2024

Ông Mạch Đình Khoa, Giám đốc Phát triển Chiến lược Kinh doanh và Hoạt động Thương mại của Schneider Electric cho rằng, việc tiết kiệm năng lượng không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố quyết định để các doanh nghiệp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh. Để đạt được mục tiêu này, cần có những giải pháp thiết thực, sự đồng hành của Chính phủ và sự quyết tâm từ chính các doanh nghiệp.

Ông có thể đánh giá hiệu quả tiết kiệm năng lượng trong sản phẩm và hàng hóa đưa ra thị trường không?
Hiện nay, ở một số ngành, chi phí năng lượng chiếm đến 15-20% tổng chi phí sản xuất. Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, yêu cầu của người tiêu dùng là giá sản phẩm phải giữ nguyên hoặc thậm chí giảm, trong khi mức tiêu thụ năng lượng và giá ngày càng tăng. Do đó, việc tiết kiệm năng lượng trở thành yếu tố quan trọng để doanh nghiệp duy trì lợi nhuận và tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu hiện phải báo cáo lượng carbon phát thải của sản phẩm. Nếu không tham gia cuộc chơi này, doanh nghiệp sẽ mất dần lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ông Mạch Đình Khoa, Giám đốc Phát triển Chiến lược Kinh doanh và Hoạt động Thương mại của Schneider Electric
Theo ông, mức độ cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường xuất khẩu hiện nay như thế nào?
Hàng hóa Việt Nam hiện vẫn giữ được vị thế tốt tại các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi các nước đang thắt chặt chính sách về carbon, chẳng hạn như châu Âu đã áp dụng thuế carbon cho 6 ngành công nghiệp lớn, thì Việt Nam cần phải cải tiến để giữ lợi thế cạnh tranh. Qua khảo sát, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhận thức rõ về sự quyết liệt cần có trong việc tiết kiệm năng lượng. Họ nhìn nhận điều này chủ yếu là để tuân thủ các yêu cầu của Chính phủ, thay vì tự cải tiến để tăng sức cạnh tranh.
Schneider Electric có nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng. Ông có thể chia sẻ thêm về các giải pháp này?
Một trong những giải pháp quan trọng mà chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp bắt đầu là xây dựng hệ thống đo đếm và tiết kiệm năng lượng một cách độc lập. Doanh nghiệp cần có chiến lược toàn diện về tiết kiệm năng lượng trong mọi khía cạnh của nhà máy, từ từng tổ máy đến từng dây chuyền sản xuất. Chỉ khi có hệ thống đo đếm độc lập, doanh nghiệp mới biết được chính xác chỗ nào tiêu thụ nhiều năng lượng, chỗ nào tiêu thụ ít để có giải pháp tổng thể. Khi có dữ liệu chính xác về công suất từng máy, doanh nghiệp sẽ dễ dàng nhận ra đâu là nơi nên bắt đầu tối ưu hóa năng lượng.
Bên cạnh đó yếu tố con người có vai trò quan trọng trong chiến lược tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần truyền thông và nâng cao ý thức cho người lao động trong nhà máy.
Việc tiết kiệm năng lượng không thể hoàn thành trong một sớm một chiều mà phải duy trì liên tục. Thời điểm này, tổ máy này có thể vận hành tối ưu, nhưng sau 5 năm, thiết bị sẽ cũ đi và cần phải bảo trì hoặc thay thế. Đây là một chặng đường dài mà doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn tinh thần.
Thực chất những chương trình khuyến khích doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã mang lại hiệu quả tích cực, càng ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm muốn hướng đến tiết kiệm năng lượng và tham khảo nhiều hơn các giải pháp về tiết kiệm năng lượng. Nhưng rõ ràng cần có nhiều giải pháp cứng rắn hơn, hành động thiết thực hơn.
Ông có nhắc đến việc cần có giải pháp cứng rắn hơn. Cụ thể đó là gì, thưa ông?
Hiện tại, việc tiết kiệm năng lượng chủ yếu dừng lại ở mức khuyến khích và yêu cầu doanh nghiệp báo cáo. Nhưng rõ ràng, về lâu dài, chúng ta cần có các chế tài cụ thể. Thị trường càng phát triển, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những cam kết rõ ràng về việc tiết kiệm năng lượng và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không thực hiện đúng cam kết đó.
Chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tiết kiệm năng lượng theo đúng lộ trình của Chính phủ, thậm chí còn nhanh chóng hơn bằng những công nghệ của ta hiện có. Trên thị trường ngày càng có rất nhiều công nghệ để giúp doanh nghiệp có thể làm được, nhưng vấn đề ở đây là rất nhiều doanh nghiệp hiện giờ đang ở giai đoạn lưng chừng - họ không biết chọn công nghệ nào, hoặc là vấn đề về tài chính, hoặc là vấn đề về liên quan đến yếu tố con người. Doanh nghiệp đang cần một đơn vị tư vấn một cách độc lập và đường dài chứ không phải ngắn hạn. Hiện tại thì nếu doanh nghiệp có một chiến lược rõ ràng và chọn một đơn vị tư vấn độc lập và tin cậy thì hoàn toàn có thể thực hiện được.
Ông có kiến nghị gì để thúc đẩy việc tiết kiệm năng lượng trong doanh nghiệp?
Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần bổ sung các chế tài cụ thể để thực thi hiệu quả hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cần luôn đặt mục tiêu tiết kiệm năng lượng là trọng tâm trong suốt quá trình kinh doanh. Về lâu dài, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan cần sớm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy chuẩn thiết bị để doanh nghiệp thực hiện đồng nhất và đạt hiệu quả cao nhất trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm.
Xin cảm ơn ông!
Theo: Báo Hải quan