Wednesday, 20/11/2024 | 01:32 GMT+7

Cây dầu gai - nguồn năng lượng tương lai

13/05/2008

Cây dầu gai (Jatropha curcas L.) xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, có gốc từ Nam Mỹ, lan tràn qua châu Phi và châu Á. Mới đây, người ta có thể ép hạt dầu gai lấy dầu để chạy máy nổ diesel.

Thân cây dầu gai được nông dân dùng làm hàng rào chống chuột, rắn…, lá cây có chứa độc tố được dùng làm thuốc trừ dịch hại, dầu của hạt được dùng đốt đèn hay nấu nướng và có thể chế biến thành xà bông. Với kỹ thuật hiện đại, hạt có thể ép lấy dầu chạy máy nổ diesel, và sau khi tách độc tố, bã của nó có thể dùng làm thức ăn cho thú vật. Bã hạt cây dầu gai chứa nhiều đạm với chất lượng cao hơn đạm của cây đậu nành và độc tố chiết ra có thể được dùng làm thuốc trừ sâu.

Nhưng đặc tính quan trọng nhất của cây dầu gai là dễ trồng, chúng phát triển mạnh trên những vùng đất cằn cỗi, ít nước, nơi phần nhiều các cây lương thực đều “chê”. Cây dầu gai còn được gọi là cây dầu mè, cây cọc rào và có tên khoa học Jatropha curcas L.. Chi Jatropha có tất cả 175 loài, xuất hiện trong thiên nhiên phần nhiều ở những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới Nam Mỹ.

Dầu gai thay thế dầu mỏ

Klaus Becker, Giáo sư nông học của Đại học Stuttgart-Hohenheim, CHLB Ðức, với sự hỗ trợ của Daimler AG, công ty chế tạo xe hơi Mercedes, đã xây dựng chương trình nghiên cứu cây dầu gai từ 5 năm nay tại tiểu bang Gujarat, Ấn Độ. Mục đích của ông và Daimler AG là phát triển và nghiên cứu tính năng lượng của cây dầu gai dùng để chạy máy diesel, thay thế một phần dầu mỏ. Với 80.000 lít dầu gai thử nghiệm trên xe diesel của Daimler, Klaus Becker cho rằng, chất lượng dầu Jatropha vượt hẳn dầu sinh học được chế tạo từ cây cải dầu và theo Verena Müller, đại diện của Daimler AG, cuộc thí nghiệm với cây dầu gai cho kết quả rất khả quan.

Song song với Daimler, tập đoàn Xăng dầu British Petroleum (BP) cũng chuẩn bị nhảy vào lĩnh vực này. Tháng 6-2007, BP hợp tác với công ty Dầu sinh học D1 Oils thành lập Công ty liên doanh D1-BP Fuel để nghiên cứu và sản xuất diesel lấy từ cây dầu gai. D1-BP Fuel bỏ ra hơn 100 triệu euro đầu tư xây dựng nhiều đồn điền khổng lồ trồng cây dầu gai tại một số vùng ở Nam Phi, Ðông Nam Á và Ấn Độ, trước tiên với một triệu mẫu trong bốn năm tới và sau đó dự trù sẽ tăng thêm 300.000 mẫu mỗi năm.

Phil New, Giám đốc công ty liên doanh, cho rằng: “Jatropha có thể trồng trên những vùng đất cằn cỗi, không cần phải chăm sóc như các loại cây khác nên nó rất thích hợp làm nguyên liệu chế tạo năng lượng sinh học”. Mục tiêu của phương án này là 2 triệu tấn dầu gai hàng năm để thỏa mãn phần lớn nhu cầu dầu diesel ở địa phương và một phần sẽ được chuyên chở về thị trường châu Âu.

Ðánh giá phương án của D1-BP Fuel, Giáo sư Klaus Becker cho rằng, D1-BP Fuel có tham vọng quá cao vì “Jatropha là cây chưa thuần. Ðể trồng nó trên diện tích khổng lồ, chúng ta còn phải nghiên cứu kỹ hơn về nhiều mặt”.

Tuy nhiên, tập đoàn hóa chất Bayer, Ðức đã có ngay sau đó một chương trình nghiên cứu sản xuất thuốc trừ sâu cho cây dầu gai trồng trên diện tích lớn. Theo Utz Klages của Bayer Crop Science: “Chúng tôi sẽ quan sát sự phát triển các giống dầu gai, xem côn trùng hay bệnh gì xuất hiện và sẽ tìm thuốc trừ”.

Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Sinh học Nhiệt đới (TPHCM) đã trồng thí nghiệm cây dầu gai ở Bình Phước. Kết quả của cuộc thử nghiệm này cho thấy, cây dầu gai chịu hạn tốt và có thể  trồng trên những vùng đất không phì nhiêu. Với mỗi mẫu đất trồng cây dầu gai, có thể thu hoạch 2.500 - 3.000 lít dầu diesel trong một năm.

Yếu tố kinh tế và môi trường

Mặc dù các tính năng quan trọng của cây dầu gai: diệt trùng, cho dầu năng lượng đã được phổ biến từ lâu, nhưng ít ai để ý việc sử dụng chúng như loại cây cung cấp nhiên liệu, vì vào thời đó giá xăng dầu trên thị trường còn rất rẻ. Người nông dân chỉ dùng cây dầu gai làm hàng rào (vì vậy còn có tên cây cọc rào) và ép hạt lấy dầu để đốt đèn.

Hiện nay điều kiện thị trường xăng dầu trên thế giới đã thay đổi hoàn toàn, giá một lít dầu diesel tại các cây xăng ở Ðức là 1,35 euro, cao hơn nhiều lần so với trước đây. Các chuyên gia cho rằng, việc canh tác cây dầu gai để lấy dầu tại các nước đang phát triển có thể mang lợi ích cho nền kinh tế và an sinh, vì một mặt, người dân có năng lượng rẻ để sử dụng, mặt khác tạo được công ăn việc làm cho một số nông dân. Với chương trình “India Vision 2020” (Tầm nhìn Ấn Độ 2020), Chính phủ Ấn dự trù trong vòng 12 năm tới sẽ trồng 10 triệu mẫu (héc ta) dầu gai để sản xuất 7,5 triệu tấn dầu và tạo ra 5 triệu chỗ làm.

Khía cạnh quan trọng khác của việc sử dụng dầu sinh học là giảm mức độ thải khí CO2 vào môi trường, góp phần ngăn chặn tăng nhiệt độ bầu khí quyển. Thông thường, cây dầu gai chỉ thải vào môi trường số lượng khí CO2 mà nó đã hấp thụ trong thời gian phát triển. Nhóm nhà khoa học thuộc Viện Năng lượng và nghiên cứu môi trường (IFEU) ở Heidelberg (Đức) cho rằng, sử dụng dầu gai chạy xe tiết kiệm được dầu mỏ và qua đó giảm lượng khí thải CO2 ít nhất 50%, trong điều kiện thuận lợi 100%, và so với cồn  sinh học (ethanol) chế tạo từ ngũ cốc, mức độ tiết kiệm có thể đến 80%.

Tuy nhiên theo IFEU, cây dầu gai chỉ đóng vai trò thật sự bảo vệ môi trường nếu được tận dụng toàn bộ: thân cây, bã, vỏ, hạt… vào việc chế tạo năng lượng và kỹ thuật chế biến thành dầu diesel phải đạt hiệu quả cao, vì chính quá trình này phải qua nhiều giai đoạn, cần nhiều năng lượng.

Ðành rằng cây dầu gai góp phần bảo vệ môi trường và có thể trồng trên những vùng đất khô cằn, trước mắt không cạnh tranh với cây lương thực, nhưng khi lợi nhuận của việc trồng cây dầu gai cao hơn lợi nhuận trồng cây lương thực, như đã xảy ra trong thời gian qua với cải dầu (giành chỗ cây lúa mì) hay dừa (phá rừng) thì người ta khó có thể ngăn chặn các tập đoàn đầu tư với sức mạnh tài chính của mình, tìm cách biến các vùng đất phì nhiều thành vùng đất trồng cây dầu gai. Từ đó, mức sản xuất lương thực tại địa phương và trên thế giới sẽ bị giảm, giá sẽ tăng, ảnh hưởng xấu cho người dân, nhất là ở những nước đang phát triển. Ngoài ra, việc trồng Jatropha đại trà trên một diện tích khổng lồ có thể mang đến cho con người và môi trường những rủi ro không lường trước được (do độc tố của cây, canh tác độc canh…).

Theo các chuyên gia, chính quyền của những nước trồng cây dầu gai cần có chính sách đầu tư rõ ràng, không để các tập đoàn lớn độc quyền khai thác, mà để nông dân hay các công ty nhỏ thực hiện và nhất là ngăn cấm việc phá rừng. Có như vậy thì cây dầu gai mới thật sự là cây cọc rào, bảo vệ cuộc sống cho người dân tại các nước đang phát triển.

Trang Quang Sen