Tuesday, 19/11/2024 | 21:26 GMT+7

Xu hướng “thành phố thông minh”

02/03/2009

Ý tưởng về các “thành phố thông minh” - tự cung tự cấp năng lượng - trở nên rất phổ biến tại Liên minh châu Âu (EU), nơi đặt mục tiêu đầy tham vọng là cắt lượng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020 xuống bằng 1/5 của mức năm 1990.

Thử tưởng tượng một thành phố tương lai mà tại đó các tòa nhà cao tầng là những trạm sản xuất năng lượng, rồi truyền xuống cho các tòa nhà dưới đất và những chiếc ôtô trên phố. Ôtô điện trong các gara sẽ trở thành những bộ pin dự trữ năng lượng khi nguồn cung hạn hẹp. Mỗi mẩu nhỏ thức ăn thừa, những mảnh vụn cắt xén từ vườn tược, kể cả rác thải cũng sẽ được sử dụng để chế biến khí đốt sinh học. “Trong 25 năm tới, hàng triệu tòa nhà sẽ được xây dựng với hai mục đích: nhà máy điện và khu cư trú”, nhà kinh tế Jeremy Rifkin, người tư vấn cho rất nhiều chính phủ và tập đoàn tại châu Âu về an ninh năng lượng, dự báo.

Kỷ nguyên đột phá

Trung tâm của hệ thống này là “mạng lưới điện thông minh” cho phép điện đi đến những nơi cần thiết nhất. “Các phương tiện giao thông chạy bằng điện sẽ được kết nối với mạng lưới và chứa năng lượng khi điện được sản xuất nhiều quá” - chuyên gia Markus Ewert, thuộc nhóm công nghệ mới của Tập đoàn năng lượng Đức E.ON, giải thích - Khi tình trạng thiếu năng lượng xảy ra, chúng sẽ truyền điện lại cho mạng lưới”.

Phần lớn công nghệ tạo ra các “thành phố thông minh” vẫn còn đang trong quá trình phát triển sơ khai. Công ty xây dựng Pháp Bouygues hiện có một văn phòng tại Meudon, phía tây thủ đô Paris. Văn phòng này có số lượng pin mặt trời phủ tới 4.000m2, không chỉ tạo đủ điện năng cho nhu cầu sử dụng, mà còn truyền điện thừa cho hệ thống điện của khu vực.

Tại châu Âu còn vô số ví dụ khác tương tự. Ông Eric Mazoyer, một quan chức Bouygues, tuyên bố: “Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên của đột phá và cách mạng công nghệ trong lĩnh vực xây dựng”.

Chuyên gia Ewert cho biết một nguồn năng lượng lý tưởng khác là khí đốt sinh học, được sản xuất từ rác thải nông nghiệp, gia đình… sau đó sẽ được chuyển đến người sử dụng qua hệ thống khí đốt hiện hữu. “Khí đốt sinh học có thể được sản xuất ở quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với khí đốt tự nhiên và không cần đầu tư lớn - ông Ewert nhận định - Trong khi đó, hạ tầng (hệ thống đường ống dẫn khí) đã có sẵn”.

Giới chuyên gia cho biết những ý tưởng xoay quanh “thành phố thông minh” rất phù hợp cho việc áp dụng tại các đô thị nơi có mật độ dân số lớn. “Các thành phố có điều kiện lý tưởng để thực hiện cải tổ và phát triển năng lượng thay thế - chính trị gia Luxembourg Claude Turmes, người năm ngoái tham gia vào hoạt động xây dựng chính sách năng lượng xanh của EU, tự tin - Các thành phố có thể thực hiện vai trò nền tảng cải tổ, tạo ra những nhóm doanh nghiệp phát triển công nghệ xanh, phát triển các hệ thống giao thông điện”.

Rào cản lớn

Trong khi những tập đoàn như E.ON đang tích cực tìm kiếm cơ hội với “thành phố thông minh”, thì nhiều người nghi ngờ rằng một số công ty năng lượng khác lại đang cố kìm hãm tốc độ đổi mới tại châu Âu để bảo vệ lợi ích cục bộ. Mối nghi ngờ này biến thành hiện thực vào tháng trước khi Ủy ban châu Âu (EC) loại bỏ đề xuất đầu tư 645,5 triệu USD vào việc nghiên cứu và phát triển sáng kiến “thành phố thông minh”. Không lý do rõ ràng nào được đưa ra để giải thích việc khoản đầu tư này bị gạt sang một bên.

“Thật choáng váng khi khoản đầu tư đó bị gạt bỏ, và rõ ràng là các công ty năng lượng lớn không hề vô tội - chính trị gia Turmes khẳng định - Ảnh hưởng của họ đối với việc hoạch định chính sách là cực lớn”. Nếu sáng kiến “thành phố thông minh” phát triển mạnh mẽ thì các công ty năng lượng lớn của châu Âu sẽ vấp phải thách thức rất lớn. Các “thành phố thông minh” có thể cắt chi tiêu năng lượng 30-80%, do đó sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu đối với dịch vụ của các công ty năng lượng này.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định sớm muộn các “thành phố thông minh” cũng sẽ phát triển mạnh mẽ, khi đó các tập đoàn năng lượng sẽ buộc phải thích ứng với sự thay đổi. Trong khi đó những nhà tiên phong vẫn đang từng bước đi về phía trước. E.ON hiện đã cung cấp năng lượng thay thế cho một nhóm 1.500 ngôi nhà tại Đức. Tại Abu Dhabi (UAE), chính quyền cũng đang phát triển “thành phố thông minh” Masdar dựa hoàn toàn vào năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng thay thế khác với mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái không CO2, không rác thải.

Tiết kiệm 10 tỉ USD

Giới chuyên gia môi trường còn nhận định các thành phố có một lợi thế nữa là có quyền tự quyết vượt lên trên tầm phủ sóng của chính quyền liên bang, và có khả năng quyết định những vấn đề khó khăn. Ví dụ California (Mỹ) ra quyết định về các mục tiêu về biến đổi khí hậu, còn London (Anh) đưa ra chính sách thu tiền nhằm giảm tắc nghẽn giao thông. Tuần này thị trưởng hơn 300 thành phố chính ở châu Âu sẽ có mặt tại Brussels (Bỉ) để ký một hiệp ước cam kết cắt giảm khí nhà kính cao hơn mục tiêu do EU đề ra. Cao ủy về năng lượng EU Andris Piebalgs ước tính các thành phố tham gia có thể tiết kiệm nhiên liệu 10 tỉ USD mỗi năm từ sáng kiến này.

Hiếu Trung

(Theo Reuters)