Friday, 15/11/2024 | 23:35 GMT+7

Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả: Tiết kiệm điện bằng... tăng công suất

07/07/2009

Theo Văn phòng Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) tổng hợp, một trong những biện pháp tiết kiệm điện đạt hiệu quả cao nhất là quan tâm tới nâng cao hệ số công suất phụ tải.

Nói theo ngôn ngữ kỹ thuật thì hệ số công suất là tỷ số giữa công suất tác dụng và công suất biểu kiến. Công suất tác dụng là công suất thực cần thiết cho các thiết bị sử dụng, còn công suất biểu kiến thường lớn hơn công suất thực, là công suất truyền tải trên đường dây điện đến thiết bị sử dụng. Hệ số công suất càng lớn thì công suất tác dụng càng gần bằng công suất biểu kiến, hiệu quả sử dụng càng cao hơn.

Trên thực tế, khách hàng sử dụng điện với mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ qua trạm riêng có công suất từ 100kVA hoặc công suất sử dụng từ 80kW trở lên có hệ số công suất tại điểm đo đếm cosj< 0,85 phải mua công suất phản kháng với số tiền tương ứng là 4,89 tỷ đồng. Do đó, nếu các đơn vị này thực hiện bù công suất phản kháng để nâng cao cosj sẽ giúp giảm chi phí do không phải mua công suất phản kháng từ lưới điện.

Đơn cử như một cơ sở sản xuất sử dụng điện vào giờ bình thường có công suất sử dụng trung bình là 200kW, điện năng tiêu thụ trung bình 48.000kWh/tháng, hệ số công suất tại điểm đo đếm là cosj= 0,8. Như thế, tiền mua điện năng tác dụng trong 1 tháng: 48.000kWh x 895 đồng/kWh = 42.960.000 đồng. Trong đó, tiền mua công suất phản kháng là (do cosj = 0,8 < 0,85): Tp = Ta x k% = 42.960.000 x 6,25/100 = 2.685.000 đồng. Trong đó k% = 6,25% (ứng với cosj = 0,8 theo hướng dẫn tại Thông tư 07/2006/TT-BCN ngày 27/10/2006 của Bộ Công nghiệp) là hệ số bù chi phí do bên mua điện sử dụng quá lượng công suất phản kháng theo quy định.

Vậy tổng số tiền điện mà khách hàng phải trả hàng tháng là: 45.645.000 đồng.

Nhưng nếu khách hàng đầu tư 3 bộ tụ bù hạ thế công suất 20kVAr/bộ để lắp đặt tại điểm đo đếm thì hệ số công suất lúc này sẽ là 0,91, khi đó khách hàng không phải trả tiền mua công suất phản kháng.

Chi phí đầu tư 3 bộ tụ bù là hơn 3 triệu đồng. Như vậy, nếu khách hàng này đầu tư lắp đặt tụ bù hạ thế thì trong vòng chưa đầy 2 tháng sẽ thu hồi được vốn và từ tháng thứ 3 trở đi, khách hàng sẽ tiết kiệm được khoảng tiền tương ứng khoảng 2,68 triệu đồng/tháng.

Văn phòng Tiết kiệm năng lượng cũng đưa ra lời khuyên đối với các hộ gia đình khó khăn trong việc cải thiện hệ số công suất thì nên sử dụng thiết bị điện hiện đại, hiệu suất cao, thiết bị điện có hệ số công suất lớn hoặc lắp đặt tụ bù để nâng cao hệ số công suất cosj.

Với cách làm này không những giảm chi phí tiền điện mà còn góp phần thực hiện tốt chủ trương sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

(Nguồn: giadinh.net)