Tuesday, 21/01/2025 | 08:39 GMT+7

Hệ thống trợ giúp tiết kiệm điện chiếu sáng

17/08/2009

Ước tính cả nước ta đang sử dụng khoảng 100 triệu bóng đèn thắp sáng các loại, trong đó hơn 80 triệu bóng ở các hộ gia đình và gần 20 triệu bóng ở các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ… Điện năng dành cho chiếu sáng đô thị chiếm tỷ lệ đáng kể, đặc biệt tại các đô thị, có đến 70% loại đèn chiếu sáng là đèn thủy ngân cao áp (MV).

Loại đèn này không những tiêu thụ điện năng nhiều, mà khi vỡ sẽ thải chất thủy ngân rất độc hại, nguy hiểm ra môi trường. Các chuyên gia khuyến cáo nên thay thế loại bóng thủy ngân cao áp bằng bóng đèn chiếu sáng so-di-um tiết kiệm điện, sáng hơn và có tuổi thọ cao hơn (khoảng 10.000 giờ, trong khi đèn thủy ngân cao áp chỉ đạt 6.000 giờ).

Lợi ích và tính an toàn của đèn tiết kiệm điện năng so-di-um trong sử dụng, bảo trì, bảo dưỡng, thay thế… đã rõ. Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta, chỉ có thành phố Hồ Chí Minh là sử dụng phần lớn bóng đèn chiếu sáng so-di-um; nguyên nhân chính do giá của loại bóng đèn này cao hơn đèn MV.

Tại Hà Nội còn hơn 55% đèn chiếu sáng có hiệu suất phát quang thấp, tiêu thụ điện năng lớn; 85% trạm điều khiển đèn công cộng được điều khiển bằng các tủ điều khiển cục bộ và chưa có các thiết bị điều khiển công suất đèn, do đó không thể vận hành hiệu quả hệ thống chiếu sáng công cộng để tiết kiệm điện năng vào thời điểm mật độ giao thông giảm (đêm khuya và rạng sáng). Thực trạng chiếu sáng trên cũng diễn ra khá phổ biến tại gần 730 đô thị trong toàn quốc.

Dự án chế tạo thiết bị và hệ thống trợ giúp tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng đô thị đã được Công ty cổ phần chế tạo máy biến áp MIBA và Trung tâm nghiên cứu, phát triển tự động hóa phối hợp thực hiện. Cùng với ra lệnh đóng khởi động để cung cấp điện chiếu sáng từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, từ 18 đến 23 giờ, hệ thống cung cấp điện áp đủ 220 vôn phục vụ mỹ quan đô thị và bảo đảm an toàn giao thông trong giờ “cao điểm”. Từ 23 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, bộ điều khiển ra lệnh chuyển chế độ làm việc sang điện áp từ 180 đến 200 vôn nhằm tiết kiệm điện năng, đồng thời duy trì độ chiếu sáng cần thiết cho đô thị.

Các chuyên gia tính toán, nếu hệ thống này được lắp đặt, đưa vào sử dụng rộng rãi, thì mỗi năm, thành phố Hà Nội có thể tiết kiệm gần 10 tỷ đồng tiền điện chiếu sáng đô thị và bảo đảm ánh sáng đạt chuẩn. Phần lớn các thiết bị của hệ thống được sản xuất trong nước, đồng thời tiết kiệm đáng kể chi phí về dây dẫn, bảo dưỡng, vận hành so với hệ thống thiết bị điều khiển cục bộ.

(Nguồn: VEEPL)