Wednesday, 15/01/2025 | 16:13 GMT+7
Lâu nay nhà nước, ngành điện và người tiều dùng đã đề xuất
và thực thi nhiều biện pháp nhằm tiết kiệm điện, tuyên truyền vận động sử dụng điện
hợp lý và tiết kiệm như khuyến khích sử dụng các đồ dùng điện ít tiêu hao năng lượng,
kiểm tra các xí nghiệp sử dụng điện, cắt điện luân phiên vào giờ cao điểm, lũy
tiến giá điện theo lượng điện sử dụng.
Đi vào thực tế, các biện pháp trên dù riêng lẻ hay tổng hợp,
ít nhiều đều bộc lộ hạn chế. Biện pháp tuyên truyền vận động, tuy đã làm nhưng
việc triển khai không thường xuyên và sâu rộng nên chưa tạo được ý thức tự giác
của mỗi người, nhất là đối với tầng lớp thanh thiếu niên.
Biện pháp lũy tiến giá điện ít hiệu quả đối với những người có điều kiện hoặc những người ít có tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, bởi những người có thu nhập cao chỉ coi việc trả thêm ít tiền điện là “chuyện nhỏ”; các nhà hàng, khách sạn cảm thấy doanh thu sẽ kém đi nếu phải tắt hệ thống đèn biển quảng cáo phô trương; một số công sở chẳng quan tâm đến tiền điện vì họ đã có “tiền chùa”...
Biện pháp cắt điện luân phiên, nếu có được báo trước đi nữa thì chắc chắn vẫn ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, nhất là vùng sâu vùng xa, biện pháp này còn thể hiện sự cửa quyền của ngành điện, khiến các ”thượng đế” luôn thấy thật là “mất dân chủ”...
Như vậy, không chỉ không hiệu quả, các biện pháp trên còn thể hiện sự thiếu công bằng, thiếu tính xã hội. Các biện pháp này còn chưa đưa người tiêu dùng vào cuộc một cách tích cực và hiệu quả.
Thiết nghĩ, ngành điện có thể căn cứ vào lượng điện tiêu dùng trung bình trên hóa đơn trong nhiều tháng (có thể một năm), sau đó thảo luận và ký kết bằng văn bản “Quy ước tiết kiệm điện” với từng loại khách hàng (cơ quan, công ty hay hộ gia đình).
Lượng điện tiết kiệm đề nghị có thể tính bằng tỷ lệ phần trăm lượng điện hàng tháng mà mỗi khách hàng đã dùng. Khi đã ký kết, người tiêu dùng sẽ chủ động tìm biện pháp tiết kiệm phù hợp cho riêng mình. Trong quy ước sẽ có điều khoản quy định giá bán thật cao vào lượng điện đã sử dụng vượt cam kết hoặc thi hành một biện pháp mà cả hai bên đều chấp nhận được.
Nếu thực hiện được biện pháp trên, cả khách hàng và ngành điện cùng hài lòng. Khách hàng thì được sử dụng điện một cách hợp lý, phù hợp cho từng hoàn cảnh cụ thể nên họ có thể chủ động trong việc tiết kiệm điện. Ngành điện thì xóa được ấn tượng “cửa quyền”, đồng thời nắm sát được nhu cầu của khách hàng để phân phối phù hợp. Hơn nữa, biện pháp này còn thể hiện tính công bằng cho mọi đối tượng
Theo báo Thế giới & Việt Nam