Tuesday, 19/11/2024 | 01:24 GMT+7

Các nước hướng tới mục tiêu phát triển năng lượng tái chế

05/10/2010

Cũng trong năm nay, Liên minh Châu Âu đã đặt mục tiêu chung toàn khối sẽ sử dụng 20% là năng lượng tái chế trong năm 2020.

Bắc Ireland

 

Trong cuộc họp tuần qua, chính phủ Bắc Ireland đã đưa ra mục tiêu đến năm 2020: 40% năng lượng cả nước sử dụng là từ nguồn tái tạo. Hiện tại tỉ lệ đó đang là 10% và chính phủ nước này đang có ý định đầu tư 1 tỉ bảng để cải thiện lưới điện và phát triển năng lượng gió để tăng hiệu quả gấp 4 lần cho tới năm 2020.

 

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arlene Foster cho biết: “ Tôi hoàn toàn chấp nhận những thách thức mà chúng ta phải đối mặt trong việc cân bằng vấn đề bảo vệ môi trường và cái giá phải bỏ ra cho mục tiêu ấy. Nhờ điều đó chúng ta có thể có cơ sở hạ tầng bền vững để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế cũng như tạo nên một thị trường năng lượng đáng tin cậy, có sức cạnh tranh cao cho Bắc Ireland.”

 

wind-energy-scotland.jpg


Scotland

 

Scotland đã tuyên bố một mục tiêu táo bạo: đến năm 2025, 100% năng lượng sử dụng ở nước này là nguồn năng lượng tái chế. Thủ tướng Scotland Alex Salmond cho biết: “ Scotland là quốc gia đứng đầu thế giới về các nguồn năng lượng xanh. Mục tiêu quốc gia trước đây: cho đến năm 2020, 80% nhu cầu điện năng của cả nước đến từ nguồn năng lượng tái tạo là hoàn toàn khả thi và chúng tôi tham vọng đạt đến mục tiêu 100% nhờ các nguồn năng lượng đang được tập trung khai thác là năng lượng gió, sóng và thủy triều.” Scotland là nước đứng đầu thế giới về sản xuất năng lượng từ sóng và thủy triều.

 

Scotland có kế hoạch bán một phần năng lượng sạch nước này sản xuất được cho nước láng giềng Anh – đặc biệt là sau khi trang trại năng lượng gió lớn nhất thế giới được lắp đặt và đi vào hoạt động. Tuyên bố của Scotland về con số 100% năng lượng tái tạo vào năm 2025 chỉ đến 1 tuần sau tuyên bố nỗ lực để có 80% năng lượng tái tạo vào năm 2020.

 

Đức

 

Đức là quốc gia dẫn đầu thế giới về tổng số tế bào quang điện phục vụ năng lượng mặt trời được lắp đặt. Tuy nhiên, mục tiêu về sử dụng năng lượng tái tạo của nước này lại khiêm tốn hơn rất nhiều so với mục tiêu mà Bắc Ireland và Scotland đề ra.

 

Tuyên bố của Đức đạt 60% năng lượng tái chế vào năm 2050 không phải con số lớn như các nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan Môi trường Liên bang đã hi vọng. Tuy nhiên con số này cũng sẽ làm cho Đức trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G20 cắt giảm thành công nguồn nhiên liệu hóa thạch.

 

Hiện tại Đức đã đạt được mục tiêu 16% năng lượng trong cả nước là nguồn năng lượng tái tạo, nhiều hơn cả mục tiêu cho đến năm 2021 của Mỹ (15%). Bên cạnh đó, nước này đang nỗ lực phát triển thêm nhiều nguồn năng lượng sạch khác như năng lượng gió và năng lượng hyđro trong những năm tới.

 

Hương Phạm (theo cleantechnica.com )