Saturday, 23/11/2024 | 06:06 GMT+7

Chính sách năng lượng của Putin hướng về châu Á

16/11/2012

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cân nhắc lại chính sách xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga vào thời điểm nhu cầu dầu khí ở châu Á đang gia tăng và tập đoàn dầu khí khổng lồ Gazprom của nước này vừa khởi động việc khai thác khí đốt tại một mỏ khí lớn ở Bắc Cực để cung cấp khí đốt cho châu Âu nhưng nhu cầu tại “lục địa già” đang giảm sút.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cân nhắc lại chính sách xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga vào thời điểm nhu cầu dầu khí ở châu Á đang gia tăng và tập đoàn dầu khí khổng lồ Gazprom của nước này vừa khởi động việc khai thác khí đốt tại một mỏ khí lớn ở Bắc Cực để cung cấp khí đốt cho châu Âu nhưng nhu cầu tại “lục địa già” đang giảm sút.
564149406_nangluongn26.9_13486499221_1348649922.jpg

Tập đoàn Gazprom - biểu tượng ngành năng lượng Nga, với tham vọng trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất thế giới.

Tổng thống Putin bắt đầu quan tâm hơn tới chính sách xuất khẩu khí đốt sang hướng Đông kể từ khi Ủy ban châu Âu mở cuộc điều tra chính thức nhằm vào cơ chế ấn định độc quyền giá khí đốt xuất khẩu qua đường ống của các chi nhánh và đối tác của Gazprom ở Trung và Đông Âu trong các hợp đồng khí đốt dài hạn (trong đó có tính tới nhân tố giá dầu thô).

Ngay từ năm 2011, ông Putin đã thúc giục Gazprom phải cập nhật chiến lược cũng như tăng công suất sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để có thể xuất khẩu bằng đường biển. Sản xuất khí đốt hiện đóng góp khoảng một nửa thu ngân sách nhà nước. Nằm trong kế hoạch giám sát chính sách năng lượng, ông Putin đã cảnh báo Gazprom phải thích ứng với kế hoạch nêu trên sau một thời gian dài tập đoàn năng lượng này vẫn bác bỏ những khuyến cáo rằng việc bùng nổ sản lượng khí đốt đá phiến ở Mỹ sẽ gây những tác động bất lợi kéo dài.

Tìm đường xuất khẩu sang châu Á

Phát biểu tại một cuộc họp của Ủy ban chính sách năng lượng Nga đầu tuần qua, ông Putin nói, những ưu tiên hàng đầu là nguồn cung cho các thị trường trong nước, nền kinh tế và doanh nghiệp, cũng như đa dạng hóa các thị trường, nhằm chinh phục thị trường tiềm năng ở châu Á, đồng thời phải đa dạng hóa phương thức vận chuyển.

Nga, nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, đã nỗ lực trong nhiều năm nhằm đạt được thỏa thuận bán khí đốt tự nhiên sang Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, nhưng không thành công.

Cho tới nay, cả hai nước đều không khắc phục được những khác biệt liên quan đến hàng loạt vấn đề, như giá cả và tuyến đường vận chuyển. Ngoài Trung Quốc, Nga đang dự định bán LNG cho Hàn Quốc và Ấn Độ.

Khai thác khí đốt ở Bắc Cực - ưu tiên hàng đầu của Kremlin

Ngày 23/10, từ Mátxcơva, qua mạng trực tuyến, Tổng thống Putin đã chủ trì việc khởi động dự án khai thác khí đốt của Gazprom tại mỏ Bovanenkovo nằm trên bán đảo Yamal, một trong những mỏ khí đốt lớn nhất thế giới được phát hiện 40 năm trước ở vùng Bắc Cực.

Với trữ lượng 4.900 tỷ m3 theo ước tính của Gazprom, mỏ Bovanenkovo đứng thứ hai về quy mô ở Nga sau mỏ Urengoi của Gazprom và là một phần trong dự án ở Bắc Cực mà Gazprom đang đặt nhiều niềm tin khi mà các mỏ cũ đang dần cạn kiệt.

Theo các nhà phân tích, mỏ Bovanenkovo có trữ lượng đủ để thỏa mãn nhu cầu khí đốt toàn cầu trong một năm. Với việc khai thác mỏ này, Gazprom đã có bước tiến đầu tiên vào bán đảo Yamal, trong đó Bovanenkovo là mỏ khí đốt lớn nhất tại Yamal.

Tổng thống Putin cho biết, Nga dự định tạo lập một tỉnh dầu mỏ và khí đốt ở Yamal. Tuy nhiên, do bán đảo này nằm cách khu khai thác dầu khí chủ chốt của Gazprom ở Nadym-Pur-Taz hàng trăm km, nên tập đoàn này cần hàng chục tỷ USD để đưa khí đốt từ các mỏ ở vùng xa này hòa vào hệ thống đường ống dẫn của mình.

Có thể nói, việc thăm dò và khai thác dầu mỏ và khí đốt là ưu tiên hàng đầu của điện Kremlin vào thời điểm các mỏ dầu ở Tây Siberia, khu vực sản xuất dầu khí chủ chốt từ thời Xô viết dần cạn kiệt.

Theo ước tính của Gazprom, sản lượng khí đốt tự nhiên ở Nadym-Pur-Taz sẽ giảm từ 400 tỷ m3 hiện nay xuống 300 tỷ m3 trong năm 2015 và 230 tỷ m3 năm 2020.

Mỏ Bovanenkovo dự kiến sẽ cho sản lượng 46 tỷ m3 khí đốt vào năm 2013, 115 tỷ m3 khí vào năm 2017 và sau đó dần tăng lên xấp xỉ 140 tỷ m3, xấp xỉ lượng khí đốt xuất sang châu Âu. Xuất khẩu khí đốt của Gazprom sang châu Âu năm 2011 giảm và nhìn chung chững lại trong những năm gần đây, do nhu cầu giảm sút.

Gazprom đã nhiều lần trì hoãn việc khai thác mỏ Bovanenkovo, được phát hiện từ thập niên 1960, do nhu cầu khí đốt yếu.

Nhà phân tích Valery Nesterov thuộc Sberbank lưu ý rằng, trong thời gian mỏ Bovanenkovo được xây dựng vừa qua, toàn bộ thị trường đã thay đổi, trong đó nhu cầu đối với khí đốt của Nga chững lại.

Sự bấp bênh đối với khí đốt của Nga trên các thị trường nước ngoài đang gia tăng. Theo nhà phân tích này, trên thực tế, nếu xét dựa trên triển vọng thị trường, thị trường có lẽ chưa cần tới khí đốt của mỏ Bovanenkovo, thậm chí kể cả vào cuối thập niên này.

Nga hiện là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và đang cung cấp khoảng 30% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của châu Âu.

Để giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, các nước Liên minh châu Âu đang tìm các nguồn năng lượng thay thế khác.

Trong bối cảnh đó, bên cạnh dành ưu tiên cho thị trường trong nước, Nga cũng đang từng bước đa dạng hóa thị trường, như mở cánh cửa sang thị trường châu Á giàu tiềm năng, nơi nhu cầu dầu khí đang gia tăng.

Theo TTXVN