Sử dụng công nghệ mới, hiện đại là lời khuyên của các chuyên gia đối với các dự án điện gió. Thế nhưng, khó khăn về vốn đầu tư vẫn đang dẫn đến nguy cơ điện gió phải "ôm" công nghệ cũ.
Điện gió tại Bình Thuận
Tỉnh táo chọn công nghệ
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM, nhận định sự trỗi dậy của công nghệ điện gió hiện nay rất mạnh mẽ, là yếu tố làm hiệu quả đầu tư sẽ ngày càng cao, suất đầu tư cũng giảm hơn. Do vậy, các nhà đầu tư điện gió cần chọn sử dụng công nghệ có hiệu suất cao. Ông Huỳnh Kim Tước cho rằng, nếu chọn công nghệ có hiệu suất cao (ví dụ hiệu suất đến 46%), suất đầu tư có thể cao hơn so với công nghệ có hiệu suất thấp nhưng ngược lại lượng điện tạo ra có thể nhiều gấp đôi mà số tiền đầu tư không cao gấp đôi.
Không
có lý do gì chúng ta lại "ôm" hàng tồn kho với công nghệ cũ cách
đây 20 năm. Chúng ta cần phải tỉnh táo, để biết mình nên tiếp nhận công nghệ
nào và không nên tiếp nhận công nghệ nào
Ông Huỳnh Kim Tước,
Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM
|
Tuy vậy, theo ông Huỳnh
Kim Tước, không phải công nghệ điện gió nào cũng nên khuyến khích. Hiện nay
trên thế giới, công nghệ điện gió mới đã sản xuất ra những trụ điện có công
suất lên đến 6 - 7 MW/trụ, cho nên "không có lý do gì chúng ta lại
"ôm" hàng tồn kho với công nghệ cũ cách đây 20 năm. Chúng ta cần phải
tỉnh táo, để biết mình nên tiếp nhận công nghệ nào và không nên tiếp nhận công
nghệ nào". Chủ đầu tư phải chủ động lựa chọn công nghệ (không lệ thuộc vào
nhà tài trợ vốn) và biết nên tiếp nhận công nghệ có suất đầu tư hợp lý, mang
lại hiệu quả cao cho dự án.
Ủng hộ sử dụng công nghệ hiện đại trong đầu tư điện gió nhưng thạc sĩ Nguyễn Minh Đồng (Việt kiều Đức) cũng lưu ý rằng các thiết bị điện gió nhập từ nước ngoài về VN có thể bị nâng giá lên gấp nhiều lần. "Giá ở nước ngoài là 1 đồng, nhưng khi về VN là 4 - 5 đồng, thậm chí đến 8 đồng", ông Đồng chia sẻ.
Đặt vấn đề này với những nhà đầu tư điện gió, ông Đặng Công Chuẩn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam (đang chờ được cấp giấy phép là triển khai ngay dự án điện gió ở tỉnh Ninh Thuận), cho biết Tập đoàn Trung Nam quan tâm đến công nghệ của các nước G7, đặc biệt là những công nghệ mới để chọn những thiết bị có hiệu suất cao. Còn theo ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng - thương mại - du lịch Công Lý (Cà Mau), chủ đầu tư dự án điện gió Bạc Liêu, điện gió của Bạc Liêu “sử dụng các thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất trên thế giới, nên giá thành nhập khẩu tương đối cao”.
Ông Bùi Văn Thịnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, nhận xét các thông số thiết kế về điện gió của một số công ty nước ngoài thường cao hơn so với các kết quả thực tế ở tất cả các dự án đã và đang triển khai hiện nay ở Bình Thuận. Điều này dẫn đến suất đầu tư thực tế cao hơn dự tính ban đầu.
Nội địa hóa không dễ
Điện
gió Bạc Liêu mua bảo hiểm tài sản gần 1.000 tỉ đồng
Tổng
công ty CP bảo hiểm dầu khí VN (PVI) vừa ký kết hợp đồng với Công ty TNHH xây
dựng - thương mại - du lịch Công Lý tham gia bảo hiểm rủi ro toàn bộ tài sản
của dự án điện gió Bạc Liêu trong giai đoạn 1, với tổng giá trị gói bảo hiểm
gần 1.000 tỉ đồng, bao gồm: bảo hiểm các tua bin, thiết bị điện, cầu dẫn, trụ
máy, thiết bị nhà điều phối điện gió...
|
Khuyến khích chọn công
nghệ hiện đại, nhưng rào cản hiện nay chính là vốn. Điều này đang để ngỏ khả
năng trong thế kẹt về vốn sẽ không có ít nhà đầu tư sẽ "chặc lưỡi" để
"ôm" công nghệ cũ. Ông Nguyễn Minh Đồng cho rằng, trong thiết
bị điện gió, cái gì có thể sản xuất được tại VN thì nên hợp tác sản xuất trong
nước để hạ giá thành. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về thuế để khuyến khích
việc này, nhằm từng bước làm chủ công nghệ điện gió tại VN.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Thịnh, các nhà đầu tư điện gió tại Bình Thuận hiện nay vẫn phải nhập thiết bị từ nước ngoài với giá rất cao. Gần đây, có doanh nghiệp trong nước đã tự sản xuất được trụ điện gió, nhưng tua bin, cánh quạt và các thiết bị quan trọng khác vẫn phải mua từ nước ngoài. Ngay cả loại cần cẩu (500 tấn) để lắp đặt, cả nước chỉ mới có vài ba chiếc. Vì kỹ thuật khá phức tạp nên các nhà đầu tư điện gió hiện nay cơ bản vẫn phải thuê các chuyên gia nước ngoài, từ giám sát, thiết kế đến thi công... “Vẫn còn những khó khăn chung cần được Chính phủ tháo gỡ ngay cho điện gió, đó là hệ thống lưới điện quốc gia còn thiếu và tiếp theo là nguồn vốn. Điện gió có suất đầu tư cao so với các loại điện khác, nhưng nguồn vốn hiện nay vẫn là cái khó của các chủ đầu tư làm điện gió ở Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung”, ông Bùi Văn Thịnh kiến nghị.
Còn theo ông Trần Văn Nhựt, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, là địa phương có nhiều dự án điện gió nhất so với cả nước nhưng tỉnh vẫn chưa có chương trình hay dự án nào nhằm đào tạo đội ngũ nhân lực về ngành này: “Hiện nay tỉnh chúng tôi đã được một vài tổ chức chuyên về các thiết bị điện gió của nước ngoài muốn đầu tư chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Việc này tôi nghĩ cần làm sớm”, ông Nhựt nói.
Theo Thanhnien