Tại buổi phỏng vấn với Biên tập viên Uday Hakim của trang Risingbd (Cộng hòa Séc), ông Leos Tomicek - Phó Giám đốc Điều hành của Rosatom Oversease khẳng định: Không thể đáp ứng yêu cầu về điện trong tương lại nếu không có các nhà máy điện hạt nhân. Vì vậy, lúc này bất kỳ một quốc gia nào tiến hành xây dựng nhà máy điện hạt nhân chính là chuẩn bị giải pháp về năng lượng trong tương lai cho mình.
Ông Leos Tomicek - Phó Giám đốc Điều hành của Rosatom Oversease
Ông có thể cho biết những điều kiện thiết yếu để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân?
Ông Leos Tomicek: Có rất nhiều yêu cầu, nhưng căn bản và ưu tiên quan trọng nhất khi xây dựng một nhà máy điện hạt nhân vẫn là điều kiện cơ sở hạ tầng phù hợp. Ngoài ra, khi phát triển lĩnh vực hạt nhân thì cần các cơ chế chính sách đặc thù và các cơ quan kiểm soát cũng phải được trao nhiều quyền hạn hơn.
Ông có thể nói rõ hơn sự cần thiết của nhà máy điện hạt nhân đối với sự phát triển của một quốc gia hiện nay?
Ông Leos Tomicek: Tại bất kỳ một quốc gia nào, để phát triển kinh tế thì việc cung cấp điện không được gián đoạn. Một quốc gia được coi là có sức mạnh kinh tế thì phải có đủ điện, thậm chí điện còn được xem như là vấn đề danh dự. Vị thế của một quốc gia cũng sẽ được nâng tầm nếu quốc gia đó có các nhà máy điện hạt nhân. Cũng cần phải thay đổi quan điểm lỗi thời hiện nay về phát triển điện hạt nhân, nếu không chỉ một trăm năm nữa thôi, thế hệ sau này sẽ phải chịu trách nhiệm về quan điểm sai lầm này. Vì vậy, hiện nay Bangladesh, Jordan và một số nước châu Phi đang cố gắng đàm phán để mua công nghệ xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Tại sao xây dựng những nhà máy điện nguyên tử lại tốn quá nhiều thời gian vậy thưa ông?
Ông Leos Tomicek: Không có việc gì có thể làm vội vàng được, xây dựng một nhà máy điện hạt nhân phải cần từ 5-10 năm. Chưa kể đến những công việc chuẩn bị cho nhà máy phải được thực hiện sớm hơn trước đó. Tôi cũng lưu ý, nếu quốc gia nào không thể sử dụng phần lớn thời gian này, thì sẽ bị bỏ lại phía sau vì họ tiêu tốn quá nhiều thời gian.
Tuy nhiên, không ít lo ngại về phát triển điện hạt nhân, đặc biệt là sau thảm họa Fukushima, các nhà môi trường học vẫn đang tranh cãi về ảnh hưởng của chất phóng xạ nếu nhà máy điện hạt nhân gặp sự cố?
Ông Leos Tomicek: Công nghệ cần tạo ra lợi ích về mặt thời gian, nếu thực hiện được, sẽ không gây ra mối đe dọa nào. Chúng tôi đã cập nhật công nghệ sau thảm họa sóng thần tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Động lực này đã thúc đẩy chúng tôi tiến về phía trước, do vậy, an toàn năng lượng hạt nhân hiện nay đã được đảm bảo hơn. Mặt khác, những lý luận mà các nhà môi trường đang tranh cãi không hề logic, bởi điện hạt nhân không phải là một mối đe dọa với môi trường.
Xin nói thêm về sự cố Fukushima, sự thật là cả thế giới đều lo lắng sau vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân này. Cùng các nhà khoa học, chúng tôi cũng đang thực hiện các nghiên cứu rộng rãi hơn sự cố kể trên. Hiện nay, chúng tôi không còn lo lắng về các rủi ro an toàn của các nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, việc xây dựng bất kỳ nhà máy điện hạt nhân nào cũng đòi hỏi các yêu cầu an toàn một cách tuyệt đối, một nhà máy điện hạt nhân sẽ phải được xây dựng, với mục tiêu trong vòng từ 60-80 năm sẽ không gây ra mối đe dọa nào đối với con người và môi trường.
Nhà máy điện hạt nhân Kudankulam (Ấn Độ) sử dụng công nghệ mới của Rosatom
Tại sao các nhà máy năng lượng hạt nhân lại thay thế được các nguồn năng lượng khác?
Ông Leos Tomicek: Theo dự báo trong tương lai, nguồn dự trữ dầu, khí sẽ cạn kiệt, than đá vừa lãng phí tiền vừa không an toàn hơn cho môi trường. Việc sử dụng khí biogas sẽ không thể đáp ứng nhu cầu năng lượng khổng lồ tại thời điểm đó. Bên cạnh đó, nguồn năng lượng được tạo ra từ gió, nước, mặt trời hoặc nhiên liệu xanh là sự so sánh khập khiễng so với nhu cầu ngày càng gia tăng. Vì vậy, điện hạt nhân sẽ là nguồn năng lượng chủ yếu trong tương lai.
Điều này là hoàn toàn hiển nhiên và sẽ không có phương án khác ngoài điện hạt nhân. Ngay từ bây giờ thế giới sẽ phải thực hiện các công việc chuẩn bị để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Quốc gia nào có khả năng thực hiện được trước, sẽ có nhiều điều kiện phát triển kinh tế và vị thế cũng sẽ được nâng lên trong tương lai.
Với nguồn chi phí khổng lồ để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, các nước đang phát triển sẽ phải thu xếp nguồn vốn như thế nào thưa ông?
Ông Leos Tomicek: Vâng, đúng là sẽ cần một số tiền rất lớn để xây dựng những nhà máy điện hạt nhân, nhưng thử tính đến yêu cầu cực lớn về năng lượng của một đất nước, thì khoản đầu tư khổng lồ này cũng là để đáp ứng nhu cầu lớn đó. Hãy xem đó là khoản đầu tư sinh lợi lâu dài, bởi một nhà máy điện hạt nhân sẽ cung cấp nguồn điện liên tục trong nhiều năm, đó chính là vốn ít, lãi nhiều. Tính toán cho thấy, khi xây dựng các nhà máy điện có công xuất 1.200 MW cần từ 8 - 10 tỷ Euro.
Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP19) tại Ba Lan đã nhấn mạnh về các nguồn năng lượng xanh. Trong khi đó, ông lại đang ủng hộ các nhà máy điện hạt nhân, vậy đâu là nguồn năng lượng thích hợp nhất cho môi trường?
Ông Leos Tomicek: Như tôi đã khẳng định, các nhà máy điện hạt nhân không gây ra mối đe dọa cũng như có hại đối với môi trường. Có thể các nước giàu có đang miễn cưỡng cung cấp các nhà máy này cho các quốc gia khác, hoặc các nhà môi trường học đang nói về nó với sự hiểu biết không thấu đáo.
Thử hỏi sẽ có bao nhiêu nhiên liệu xanh trên thế giới? Và các nước có thể sản xuất được bao nhiêu nhiên liệu này? Các nhà máy điện hạt nhân không gây ra bất kỳ vấn đề gì tại bất kỳ nơi nào trên thế giới và cũng sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề nào trong tương lai, vì chúng tôi luôn đề cao tuyệt đối sự an toàn. Sẽ không có vấn đề gì xảy ra nếu chúng ta tuân thủ chính xác luật lệ và các quy định.
Ông có thể cho biết tiến độ của việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Rosatom Oversease tại Rooppur ở Bangladesh hiện nay không?
Ông Leos Tomicek: Dự án vẫn đang ở giai đoạn bắt đầu, một thỏa thuận sơ bộ đã được hai bên ký kết. Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân này đã được bắt đầu từ năm 1961. Nhưng trong nhiều năm, Chính phủ Bangladesh đã không có một bước tiến nào về vấn đề này. Hiện nay, Bangladesh đang thể hiện sự quan tâm đối với lĩnh vực điện hạt nhân. Nhưng thời gian cụ thể vẫn chưa được quyết định. Nếu Bangladesh thực sự mong muốn, thì việc triển khai sẽ được thực hiện sớm, nhưng cũng cần chú trọng đến các vấn đề cơ sở hạ tầng và sự an toàn. Các hướng dẫn của các chuyên gia phải được tuân thủ bằng bất kỳ chi phí nào và việc xây dựng nhà máy yêu cầu một cơ sở hạ tầng đủ quy mô.
Tôi tin tưởng một khi xây dựng được nhà máy điện hạt nhân, Bangladesh sẽ phát triển mạnh hơn. Tôi cũng đang háo hức chờ đợi ngày đó sẽ đến, ngày mà người dân Bangladesh sẽ có thể tận hưởng những lợi ích đầy đủ của nhà máy điện hạt nhân mang lại.
Xin cảm ơn ông!
Theo NangluongVietnam.vn