Friday, 15/11/2024 | 04:41 GMT+7
Với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến duy trì ổn định ở mức 6% cho đến năm 2020 cùng với sự dịch chuyển của các công xưởng sản xuất đến Việt Nam, Việt Nam cần chú trọng nhiều hơn đến việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo (RE) để giảm thiểu tác động đến môi trường, theo chuyên gia ICAEW.
Phát biểu tại buổi công bố báo cáo Tầm nhìn kinh tế Đông Nam Á quý 2-2015 tại TPHCM ngày 4-6, ông Scotte Corfe, cố vấn kinh tế Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), cho biết hiện nay khi thế giới đang hướng đến sự phát triển xanh và sạch thì Việt Nam cũng không thể chậm chân trong quá trình này.
Để phát triển xanh và sạch hơn, theo ông Corfe, cần có sự kết hợp của bốn yếu tố: sự dịch chuyển cơ cấu từ sản xuất sang dịch vụ; trong lĩnh vực sản xuất, chú tâm phát triển các ngành ít tiêu thụ năng lượng; phát triển nguồn năng lượng tái tạo; và có chính sách bảo vệ môi trường hợp lý.
Nếu như hai yếu tố đầu tiên cần quá trình tích lũy và sự phát triển tương ứng của nền kinh tế, thì ở yếu tố thứ ba - phát triển năng lượng tái tạo - Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và cơ hội, nhưng thực tế khai thác nguồn năng lượng này vẫn còn rất khiêm tốn và dường như Việt Nam vẫn ưu tiên phát triển các nhà máy nhiệt điện đốt than.
Đồng quan điểm trên, ông Christoph Schill, đến từ Ủy ban tăng trưởng xanh thuộc Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, nhận xét các chương trình quy hoạch điện Việt Nam vẫn đặt trọng tâm vào nguồn nhiệt điện. Cụ thể, theo quy hoạch điện VII, tổng công suất nhiệt điện đốt than khoảng 36.000 MW, chiếm 46,8% sản lượng điện sản xuất năm 2020. Con số này tiếp tục tăng lên 75.000 MW, chiếm 56,4% sản lượng điện sản xuất vào năm 2030.
Đây sẽ là một gánh nặng thật sự cho môi trường và có phần bất hợp lý khi theo khảo sát của World Bank, Việt Nam có khả năng sản xuất khoảng 513.000 MW điện gió mỗi năm - gấp gần 7 lần tổng công suất điện quốc gia là 75.000 MW vào năm 2020 theo quy hoạch điện VII - trong khi hiện nay mới chỉ khai thác được 48,2 MW; mục tiêu đến năm 2020 cũng chỉ dừng ở mức 1.000 MW.
Để giám gánh nặng này, Việt Nam cần nghiêm túc nghĩ đến việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. “Các bạn có mặt trời, có gió, tất cả đều miễn phí. Chúng tôi có công nghệ và vốn. Chúng ta có thể hợp tác. Tuy nhiên, để chọn quốc gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, chúng tôi chọn Philippines chứ không phải Việt Nam,” ông Christoph Schill nói.
Lý do, theo ông Christ, là giá bán điện gió tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực, cụ thể tại Thái Lan là 19 xu Mỹ/kWh; Philippines là 21,8 xu Mỹ/kWh, trong khi tại Việt Nam chỉ là 7,8 xu Mỹ/kWh.
Ngoài ra, quy định phải bán điện sản xuất lại cho người mua độc quyền là tập đoàn Điện lực (EVN) cũng khiến các nhà đầu tư e ngại bởi họ không biết thời gian để kết thúc việc đàm phán mua bán điện kéo dài trong bao lâu.
Theo nhiều chuyên gia, chừng nào giá mua điện từ năng lượng tái tạo chưa bằng mặt bằng chung của khu vực và quy trình đàm phán mua bán điện với EVN chưa rõ ràng thì mong muốn phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Ủy ban tăng trưởng xanh (EuroCham GGSC) đưa ra khuyến nghị Việt Nam cần ưu tiên đảm bảo nguồn cung năng lượng trong chính sách năng lượng của Việt Nam, cùng với đó là các kế hoạch dài hạn hướng đến sử dụng năng lượng điện tái tạo. Điều này sẽ chỉ xảy ra nếu giá điện được ấn định cao hơn, khuyến khích các hình thức đầu tư tư nhân, và một môi trường pháp lý mới cho đầu tư.
Theo Kinh tế Sài Gòn