Saturday, 11/01/2025 | 13:09 GMT+7

Bộ Công Thương đẩy mạnh hợp tác phát triển năng lượng bền vững

23/06/2020

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch. Doanh nghiệp Việt Nam và Thụy Điển có thể học hỏi kinh nghiệm và tiến tới hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực này. Đây là nội dung đặt ra tại hội thảo “Triển vọng hợp tác Việt Nam – Thụy Điển trong lĩnh vực năng lượng” diễn ra chiều 16/6 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại buổi hội thảo

Sự kiện do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phối hợp với Ban Thương mại (Đại sứ quán Thụy Điển) tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, năng lượng tái tạo có thể giúp giải quyết vấn đề môi trường. Việt Nam với tiềm năng rất lớn về năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò quan trọng, khi giá cả loại năng lượng này đang cạnh tranh hơn so với năng lượng truyền thống. 

“Trong Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng có nêu, trong thời gian tới chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa phát triển thị trường năng lượng tại Việt Nam, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Vì thế chúng ta phải vận động một cách tích cực và triệt để hơn nữa các nguồn lực xã hội, từ khu vực tư nhân, các nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển năng lượng tại Việt Nam, khi mà sự cam kết, hỗ trợ cụ thể của Nhà nước với các dự án năng lượng đang ngày càng ít đi”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói.

Để thực hiện Nghị quyết 55, Bộ Công Thương cho biết, hiện Bộ đang tích cực triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn (Tổng sơ đồ VIII) từ nay đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam. 

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đặt vấn đề, làm thế nào để chúng ta có thể kiểm soát được, đồng điệu được sự phát triển mạnh mẽ của khu vực tư nhân với sự phát triển nhu cầu năng lượng của đất nước trong giai đoạn tới. Thời gian triển khai các dự án trong Tổng sơ đồ điện VII vừa qua cho thấy, chúng ta chưa kiểm soát được tiến độ của nhiều dự án lớn, mà việc chậm trễ này ảnh hưởng lớn tới đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước.

Một thách thức nữa là làm sao vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định tin cậy hơn khi tỷ trọng năng lượng tái tạo – năng lượng có nhiều biến đổi sẽ chiếm tỷ trọng nhiều hơn…

“Thụy Điển là một trong những quốc gia đi đầu trong phát triển năng lượng xanh, ít chất thải. Việt Nam mong muốn học hỏi kinh nghiệm và hợp tác phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo từ phía các doanh nghiệp Thụy Điển, trong bối cảnh chúng tôi đang xây dựng các cơ chế, chính sách mới cho phát triển năng lượng…” - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Ann Mawe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết: Hội thảo này sẽ bắt đầu một chương hợp tác mới giữa Việt Nam và Thụy Điển trong lĩnh vực năng lượng. Đại sứ quán Thụy Điển, Bộ Công Thương và các công ty của Thụy Điển sẽ cùng nhau tham gia trao đổi chia sẻ kinh nghiệm của Thụy Điển và Việt Nam trong lĩnh vực này. Thụy Điển được biết đến với hệ thống xử lý chất thải được quản lý tốt và các giải pháp biến chất thải thành năng lượng tiên tiến. Chúng tôi là một trong những quốc gia tiết kiệm năng lượng nhất trên thế giới. Thụy Điển được xếp hạng số 1 về chuyển đổi năng lượng ba năm liên tiếp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2018-2020. Điều này có nghĩa Thụy Điển là quốc gia tiên phong trong đề ra các giải pháp hướng đến hệ thống năng lượng an toàn, bền vững, với giá cả phải chăng và toàn diện trong tương lai. Tiềm năng hợp tác năng lượng giữa hai nước Thụy Điển - Việt Nam chúng ta là hết sức to lớn.

Bà Ann Mawe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam nhận định, hai nước rất có tiềm năng hợp tác lớn, hướng tới phát triển năng lượng bền vững trong tương lai.

Thụy Điển và Việt Nam có một lịch sử lâu dài hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Trước đây, trọng tâm là thủy điện. Ngày nay, vấn đề xác định là biến đổi khí hậu và Thụy Điển cũng như Việt Nam cần phải chuyển đổi từ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để hướng tới mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hệ thống năng lượng quốc gia, trong đó ưu tiên tập trung vào  năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các giải pháp giúp tiết kiệm năng lượng trong truyền tải điện.

“Chúng tôi đến Việt Nam với các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hoạt động trong các mảng, như: Thiết bị điện, năng lượng tái tạo, năng lượng gió, mặt trời…, cùng các đại diện các tổ chức Chính phủ Thụy Điển để cung cấp các giải pháp tài chính và nghiên cứu tiền khả thi trong lĩnh vực năng lượng. Và được biết, Chính phủ Việt Nam đã có một kế hoạch ấn tượng, tầm nhìn dài hạn trong lĩnh vực năng lượng. Điều này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam mà lâu dài còn đem lại lợi ích về môi trường, về khí hậu, cũng như thiên nhiên và cho sức khỏe con người”, bà Ann Mawe cho hay.

Tại hội thảo, phía Thụy Điển đã chia sẻ các kinh nghiệm phát triển năng lượng. Đơn cử như Công ty ABB chia sẻ về hệ thống pin tích trữ năng lượng, phần mềm quản lý thị trường năng lượng bán buôn, lưới kỹ thuật số - tự động hóa lưới; Công ty Ericsson chia sẻ về kết nối 4G/5G trong chuỗi giá trị năng lượng; Công ty Linxon chia sẻ về tramjbieens áp cho điện xoay chiều dưới hình thức dự án chìa khóa trao tay.

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Công ty Hexicon, đơn vị chuyên hoạt động về phát triển điện gió cho hay, đơn vị có nhiều công nghệ mới, như Platform nổi tự định hướng, bán chìm, đa tuabin. Công nghệ phao tuabin đôi của đơn vị có thể cho phép sản xuất năng lượng tăng 70% mỗi km2 so với bố trí khái niệm tuabin đơn tương đương và giảm 45% chiều dài cáp mảng.

“Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió gần bờ và xa bờ. Ở Việt Nam, chúng tôi thường liên kết với các đối tác trong nước theo hình thức liên doanh hoặc thỏa thuận sử dụng bằng sáng chế, theo đó chúng tôi có thể chuyển giao công nghệ được cấp bằng sáng chế mà chúng tôi có trực tiếp cho Việt Nam. Chúng tôi mong muốn và sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để cùng xây dựng và phát triển năng lượng sạch…”, đại diện Công ty Hexicon cho hay.

Ngoài ra, đại diện Tổ chức tín dụng xuất khẩu Thụy Điển (SEK) và Quỹ tín dụng Xuất khẩu Thụy Điển (EKN) còn đưa ra các giải pháp hỗ trợ tài chính của Thụy Điển với các nhà đầu tư.

Theo Báo Công Thương Điện Tử