Friday, 27/12/2024 | 21:41 GMT+7

Ý nghĩa Chỉ thị 20 và một số giải pháp thực hiện TKĐ hiệu quả cho doanh nghiệp

21/07/2020

Ngày 07/05/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 -2025, trong đó yêu cầu cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ.

Ngày 07/05/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 -2025, trong đó yêu cầu cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ. Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân nghiêm túc thực hiện việc tiết kiệm điện. 

Trước vấn đề nóng hổi được tất cả doanh nghiệp và người dân quan tâm, phóng viên trang Tiết kiệm năng lượng (TKNL) đã có buổi trao đổi với ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) về những vấn đề liên quan. 

PV: Thưa ông Trịnh Quốc Vũ, với chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, ông/bà cho biết ý nghĩa của Chỉ thị này - đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nhu cầu năng lượng đang ngày càng tăng cao; Quy hoạch điện VIII đang được lập; và đặc biệt là việc triển khai Nghị quyết 55 của Đảng về về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045?

Ông Trịnh Quốc Vũ: 

Có thể khẳng định rằng thời điểm này Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 20 về tăng cường tiết kiệm điện là rất kịp thời và cần thiết để bảo đảm an ninh năng lượng và tăng cường sử dụng điện hiệu quả.

Như bạn đã biết, nước ta là quốc gia đang trên đà phát triển nên nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao. Theo các báo cáo và số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, tăng trưởng tiêu thụ điện giai đoạn 2011-2015 trên 10%/năm và giai đoạn 2016-nay tuy đã giảm xuống khoảng 10%/năm nhưng vẫn ở mức cao trong khu vực. Như Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng (Bộ Công Thương) đã nêu rõ, thì nếu tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm thì nhu cầu năng lượng cho năm 2020 phải đạt 235 tỷ kWh điện; đến năm 2025 cần 352 tỷ kWh và đến 2035 là 506 tỷ kWh điện.

Thực tế thời gian qua nước ta đã phải nhập khẩu than cho phát điện. Với kịch bản tăng trưởng như hiện nay, tới năm 2030 chúng ta sẽ phải nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) mới có thể đáp ứng được nhu cầu điện cho sản xuất và tiêu dùng. 

Cộng với nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao, những vấn đề đến từ các yếu tố bất thường và thời tiết cực đoan càng đặt ra nhiều áp lực cho việc đảm bảo cung cấp điện cho cả nước.

Do đó, TKNL không chỉ là vấn đề tránh lãng phí cho cá nhân, các cơ sở tiêu thụ điện mà còn nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo sự ổn định phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Đây là trách nhiệm của mọi cơ quan, công sở, doanh nghiệp và cá nhân. 

 

PV: Xin ông chia sẻ về những kết quả trong việc triển khai Chỉ thị 34 cũng như việc thực hiện Quyết định số 280/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 và Luật sử dụng năng lượng TK&HQ thời gian qua?

Ông Trịnh Quốc Vũ: 

Trong giai đoạn 2006-2015, nhờ chủ trương đúng đắn và hành động quyết liệt của Chính phủ cũng như hưởng ứng tích cực của người dân, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006-2015 đã đạt được những kết quả rất tích cực. Cụ thể, cả nước đã tiết kiệm được trên 9 tỷ kWh, tương đương 15.000 tỷ đồng, với mức tiết kiệm bình quân đạt 1,5% tổng điện năng tiêu thụ hằng năm. Đây là tiền đề quan trọng cho phép bước qua giai đoạn tiếp theo 2019-2030 để tiếp tục đẩy nhanh, mạnh việc cải thiện chất lượng sử dụng điện, coi tiết kiệm điện là một giải pháp then chốt để giảm thiểu nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2020-2025.

Ngoài những con số nói trên, thì có một kết quả rất tích cực mà Chương trình giai đoạn trước đã góp phần tạo ra đó là sự chuyển biến rõ rệt trong ý thức của người dân và cả doanh nghiệp. Những thói quen tiết kiệm điện, như hưởng ứng giờ Trái đất, tham gia các chiến dịch tiết kiệm năng lượng... đã được hình thành trong một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là các bạn trẻ. Ở khối doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bao gồm cả đơn vị tiêu thụ điện trọng điểm và những đơn vị khác, đã đưa các mục tiêu tiết kiệm điện vào kế hoạch hành động trọng tâm và là một chỉ tiêu phát triển bền vững.

Đóng góp không nhỏ vào kết quả này đến từ các hoạt động tuyên truyền tích cực, liên tục theo chủ trương mạnh mẽ, xuyên suốt của Đảng và Chính phủ về công tác tuyên truyền tiết kiệm điện. Các chương trình được phủ sóng mạnh mẽ và tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực có thể kể đến Giờ trái đất hay Dự án Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam do Bộ Công Thương chủ trì. 

Đây có thể coi là một bước nhảy vọt trong ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung; và sẽ là tiền đề tạo ra những kết quả tích cực hơn nữa trong thời gian tới. 

PV: Xin ông vui lòng nhận xét về dư địa và tiềm năng của thị trường TKĐ của Việt Nam?

Ông Trịnh Quốc Vũ:

Có thể khẳng định rằng thị trường năng lượng hiện nay còn nhiều dư địa cho TKNL. 

Hiện nay khoảng 30% điện tiêu thụ hiện nay là dành cho chiếu sáng, bao gồm cả chiếu sáng dân dụng và công cộng. Chỉ cần tiết chế được một nửa số điện dùng cho mục đích này bằng cách lắp đặt các tấm panel điện mặt trời hoặc thay thế đèn thường bằng đèn LED, thì sẽ tương đương với việc không phải xây dựng một nhà máy điện công suất khoảng 4.000MW.

Tiềm năng TKNL trong sản xuất cũng rất khả quan. Ví dụ, theo khảo sát gần đây tại một số vùng ở ĐBSCL, thì hộ nuôi tôm sử dụng các hệ thống phát điện và chiếu sáng tiêu chuẩn, tiết kiệm điện có thể tiết kiệm được 36% lượng điện tiêu thụ hàng tháng so với hộ không sử dụng các biện pháp tương tự. Thử hình dung hành động này được nhân rộng ra hàng trăm nghìn hộ sản xuất khác thì lượng điện tiết kiệm được sẽ lớn thế nào. 

Hay một doanh nghiệp lụa tại Nam Định đã chia sẻ trong một phóng sự của VOV gần đây, rằng mỗi tháng họ đã tiết kiệm được khoảng 10% lượng điện tiêu thụ, tương đương khoảng 200 triệu đồng, nhờ vào việc áp dụng các biện pháp TKNL như thiết kế lại nhà xưởng và sử dụng các vật liệu chống nóng, thay hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED tiết kiệm điện... 

Như vậy có thể thấy rằng nếu áp dụng đúng, đồng bộ và liên tục các biện pháp TKNL, thì mỗi tháng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng có thể tiết kiệm từ 20-40% lượng điện tiêu thụ tùy quy mô và công nghệ sử dụng. 

Đối với các hộ gia đình thì khả năng tiết kiệm cũng không ít. Ngoài việc duy trì các thói quen như tắt hết điện khi ra khỏi phòng, để điều hòa ở mức nhiệt từ 25 độ trở lên... thì việc thay thế các thiết bị sử dụng điện truyền thống bằng thiết bị tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu suất cao như đèn LED, thiết bị dán nhãn năng lượng tiết kiệm điện, thiết bị cảm ứng thông minh tự hẹn giờ bật tắt... đều có thể giúp các hộ gia đình tiết kiệm từ 15-20% điện tiêu thụ. 

Thêm vào đó, có một vấn đề mà nhiều người không lưu tâm nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sử dụng điện, đó là hiện tượng rò rỉ điện. Thực tế, hộ gia đình chủ động tiến hành bảo trì hay kiểm tra rà soát tình trạng vận hành các thiết bị và hệ thống điện trong nhà mình. Với các hệ thống, thiết bị đã vận hành lâu năm rất dễ xảy ra tình trạng rò rỉ điện. Điều này không chỉ gây lãng phí lớn, mà còn ảnh hưởng tới sự an toàn cho người sử dụng. 

PV: Vai trò của Bộ Công Thương trong việc triển khai Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ?

Ông Trịnh Quốc Vũ:

Vừa qua Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao cho vai trò nòng cốt, phối, kết hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan để thực hiện các mục tiêu của Chỉ thị 20. Theo đó, Bộ đã và đang hỗ trợ 63 tỉnh thành xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai các nhiệm vụ được giao. Tiếp theo chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các địa phương triển khai và giám sát thực hiện kế hoạch đó. 

Hiện tại, Bộ Công Thương đang xây dựng hệ thống thanh tra từ cơ sở. Song song, Bộ cũng xây dựng bộ chỉ tiêu và tham mưu kịp thời cho Chính phủ để điều chỉnh các mục tiêu, giải pháp và cơ chế khen thưởng để khuyến khích các đơn vị làm tốt.

PV: Ông có thể khuyến nghị một số giải pháp để người dân, doanh nghiệp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ TKĐ theo yêu cầu Chỉ thị 20?

Ông Trịnh Quốc Vũ: 

Có thể nói rằng hiện nay có khá nhiều điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân thực hiện TKNL một cách hiệu quả. 

Ngoài những thói quen thông thường mà mọi người đã biết như tắt điện, sử dụng các thiết bị dán nhãn năng lượng có hiệu suất sử dụng cao... thì việc áp dụng các công nghệ mới trong tiết kiệm và chuyển hóa năng lượng được coi là một sự đầu tư hiệu quả và lâu dài. 

Một số biện pháp TKNL hiện nay khá phổ biến ở các doanh nghiệp có thể kể đến là: Lắp đặt các hệ thống sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời áp mái; Lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt để tăng hiệu quả làm mát; Sử dụng đồng bộ hệ thống chiếu sáng LED và LED thông minh; Sử dụng mô-tơ tiết kiệm điện, như công nghệ inverter; Áp dụng các biện pháp chống nóng. Đặc biệt, không thể bỏ qua việc tuyên truyền cụ thể, rộng rãi và theo dõi sát sao việc thực hành tiết kiệm điện của công nhân, cán bộ công nhân viên, những người trực tiếp vận hành, sử dụng các thiết bị điện. Vì suy cho cùng, công nghệ chỉ cung cấp cho chúng ta công cụ để tiết kiệm điện còn việc có thực sự tiết kiệm được hiệu quả hay không phần lớn nằm ở kỹ năng và ý thức của người sử dụng. 

Cảm ơn ông những chia sẻ của ông!

PV ghi