Friday, 08/11/2024 | 08:50 GMT+7
Với những kết quả đạt được trong hoàn thiện chính sách về tiết kiệm năng lượng thời gian qua, Việt Nam cần triển khai nhiều giải pháp đa dạng hơn để thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào hoạt động này, góp phần đạt các mục tiêu đã đề ra về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Thể chế hóa mục tiêu tiết kiệm năng lượng
Theo Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG), nhằm mục tiêu hướng đến người dùng cuối, hiệu quả năng lượng sẽ giúp tiết kiệm điện và các nhiên liệu khác, giúp giảm thiểu các tác động môi trường của ngành, đạt được các mục tiêu phát triển và phát thải xanh và đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài - những lợi ích tương tự như những lợi ích có được từ năng lượng tái tạo ở phía cung.
Tại Cuộc họp lần thứ 6 Nhóm Công tác kỹ thuật về Hiệu quả năng lượng trong khuôn khổ các hoạt động của VEPG ngày 13/4/2021 mới đây, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Chính phủ Việt Nam coi trọng, đã được thể chế hóa tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các văn bản dưới Luật.
Cuộc họp lần thứ 6 Nhóm Công tác kỹ thuật về Hiệu quả năng lượng trong khuôn khổ các hoạt động của Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG)
Việt Nam đã đạt được một số động lực bền vững trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả kể từ khi có Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2010) và việc hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn 2012-2015.
Sau đó 4 năm, ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP3) tại Quyết định số 280/QĐ-TTg, đưa ra một kế hoạch tổng thể của Việt Nam trong dài hạn về sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, cũng như bảo tồn tài nguyên năng lượng.
Mục tiêu đầu tiên của VNEEP3 là tiết kiệm từ 8-10% lượng năng lượng cần thiết để phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường. Mục tiêu này được phân kỳ thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 2019 - 2025 với yêu cầu cả nước phải tiết kiệm từ 5-7% tổng năng lượng yêu cầu cho phát triển đất nước trong giai đoạn; Giai đoạn 2026 - 2030 với yêu cầu tiết kiệm từ 8-10% tổng năng lượng cần thiết để phục vụ việc phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường.
Bộ Công Thương, với vai trò đầu mối thực hiện VNEEP3, trong những năm qua đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu đề ra về tiết kiệm năng lượng với sự hợp tác và hỗ trợ của các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế, trong đó có các giải pháp về chính sách, tài chính, truyền thông nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực và giải pháp ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến, hiệu suất năng lượng cao, dần loại bỏ các công nghệ tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường.
Triển khai Quyết định 280/QĐ-TTg, hơn 40 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện VNEEP3 trên địa bàn. Ngoài ra, một số tỉnh thành cũng đang xây dựng kế hoạch hành động hiệu quả năng lượng cho địa phương mình với sự hỗ trợ của các tổ chức như Đan Mạch, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Các địa phương trên cả nước đang tích cực triển khai kế hoạch hành động thực hiện Chương trình VNEEP3
Gần đây nhất, vấn đề tiết kiệm năng lượng tiếp tục được nêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Chỉ thị số 20/CT-TTg về Tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025, đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII).
Các chuyên gia quốc tế nhận định, nếu tiếp triển khai đồng bộ các hoạt động này và đưa ra lộ trình cụ thể, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được những mục tiêu tham vọng hơn về giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân
Một trong những giải pháp quan trọng mà các chuyên gia Nhóm VEPG đề xuất là Việt Nam cần đẩy mạnh sự tham gia của khu vực tư nhân vào hoạt động tiết kiệm năng lượng, đây là đối tượng chủ chốt thực hiện và có khả năng triển khai thành công các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Theo đó, trong thời gian tới cần đẩy mạnh các giải pháp về truyền thông, hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt là cần có cơ chế tài chính cụ thể để các doanh nghiệp tư nhân có thể vận dụng, chủ động thực hiện các giải pháp về tiết kiệm năng lượng.
Bộ Công Thương cho biết đã và đang thực hiện nhiều chương trình nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu suất tiêu thụ năng lượng, thay thế các công nghệ cũ lạc hậu bằng những công nghệ mới tiên tiến, tiết kiệm năng lượng. Dự án tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam đang được thực hiện nhằm giúp doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp tiếp cận các khoản vay đầu tư cho mục đích chuyển đổi công nghệ tiết kiệm năng lượng với tổng số kinh phí tới 100 triệu USD.
Đặc biệt, với nỗ lực của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành cùng các tổ chức quốc tế, tháng 3/2021 vừa qua, một khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 11,3 triệu USD và khoản bảo lãnh 75 triệu USD đã được triển khai từ Quỹ Khí hậu xanh (GCF) thông qua Ngân hàng thế giới (WB), nhằm hỗ trợ phát triển thị trường tài chính thương mại cho đầu tư vào tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp.
Trong đó, 8,3 triệu USD được dành để xây dựng năng lực cho khu vực tư nhân trong nhận diện, thẩm định và thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng.
Hợp phần này cũng sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan để cải tiến chính sách, quy định và tạo lập một môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển thị trường tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.
Phần viện trợ còn lại và khoản bảo lãnh sẽ được dùng để thiết lập quỹ chia sẻ rủi ro để cung cấp bảo lãnh tín dụng một phần, hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại trong nước quản lý rủi ro khi cho vay các dự án tiết kiệm năng lượng.
“Cùng với các hỗ trợ về mặt kỹ thuật, Bộ Công Thương tin tưởng các dự án sẽ giúp thúc đẩy hiệu quả các doanh nghiệp công nghiệp chuyển đổi công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng”, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) bày tỏ.
Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính và kỹ thuật trong hoạt động tiết kiệm năng lượng
Mặt khác, đẩy mạnh hoạt động của mô hình ESCO (Mô hình cung cấp dịch vụ năng lượng) tại Việt Nam cũng được cho là nội dung quan trọng để tăng cường tiết kiệm năng lượng bền vững.
Mô hình ESCO là công ty cung cấp các giải pháp năng lượng toàn diện cho khách hàng như: thiết kế và thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng, bảo đảm mức tiết kiệm năng lượng, cho thuê cơ sở hạ tầng năng lượng, phát điện và cung cấp năng lượng, quản lý rủi ro... nhằm giúp đỡ khách hàng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Đầu tư ESCO cung cấp dịch vụ cho khách hàng thông qua hợp đồng hiệu quả năng lượng (EPC).
Bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông, xây dựng các mô hình điển hình ESCO, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần thiết phải có cơ chế tài chính cho doanh nghiệp ESCO và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của các công ty ESCO để nhân rộng hơn nữa mô hình này.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới, các hoạt động của chương trình quốc gia sẽ được triển khai rộng rãi trên cả nước kể cả các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Các hỗ trợ và hợp tác của các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế sẽ được tận dụng tối đa để hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng các cơ chế để các đối tượng dễ vận dụng, xây dựng các mô hình thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp sản xuất xi măng, thép, sành sứ, đông lạnh, hàng tiêu dùng... của Việt Nam có thể đạt trên 20%; lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông vận tải có thể lên tới trên 30%; khu vực sinh hoạt và hoạt động dịch vụ tiềm năng tiết kiệm cũng không nhỏ.
Theo Tạp chí Công Thương