Friday, 06/12/2024 | 14:22 GMT+7

Vĩnh Phúc đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng tại các cơ sở y tế

23/10/2023

Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo.

Nhận thức rõ việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả góp phần bảo vệ môi trường (BVMT) và giảm bớt chi phí không cần thiết, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã áp dụng, triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong quá trình hoạt động, vận hành. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền tạo chuyển biến từ ý thức đến hành động của cán bộ, nhân viên (CBNV), người bệnh về sử dụng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Trang bị đồng bộ máy móc, thiết bị hiện đại là một trong những giải pháp mà Phòng khám Đa khoa Vĩnh Phúc thực hiện để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 15 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) công lập trực thuộc Sở Y tế; 9 Trung tâm Y tế huyện, thành phố; 136 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; 3 bệnh viện trực thuộc bộ, ngành. Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu KCB ban đầu cho nhân dân.
Thời gian qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng và hoàn thành một số công trình lớn như Bệnh viện Đa khoa tỉnh quy mô 1.000 giường bệnh (giai đoạn I), Bệnh viện Sản ‑ Nhi Vĩnh Phúc quy mô 500 giường bệnh, các bệnh viện và Trung tâm Y tế tuyến huyện (Tam Đảo, Vĩnh Tường, Phúc Yên, Sông Lô…).
Ngoài việc đầu tư tăng quy mô gường bệnh cho các cơ sở y tế thuộc tỉnh quản lý, trang thiết bị y tế cũng được chú trọng đầu tư, góp phần thực hiện và phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao, kỹ thuật theo phân tuyến, nhất là các kỹ thuật chuyên sâu, vượt tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh. Hằng năm, các đơn vị y tế triển khai trung bình từ 130 - 150 dịch vụ kỹ thuật mới đã góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ chuyển tuyến.
Cùng với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn liên quan đến công tác KCB, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo.
Trung tâm Y tế huyện Sông Lô được đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang hiện đại gồm 3 khối nhà làm việc, 20 khoa, phòng với 250 giường bệnh. Để đổi mới, phát triển, Trung tâm đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu như tán sỏi niệu quản ngược dòng bằng laze; phẫu thuật tuyến giáp; phẫu thuật nội soi cắt túi mật… giúp bệnh nhân được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến huyện mà không cần phải di chuyển lên tuyến trên.
Cùng với đó, trung tâm chú trọng áp dụng nhiều giải pháp TKĐ, TKNL trong vận hoạt động quản lý, hành như xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả nội quy về TKĐ, các quy định về sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa các trang thiết bị tiêu thụ điện tại cơ quan, đơn vị.
Phối hợp với Điện lực Lập Thạch xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch TKĐ, đảm bảo hằng năm tối thiểu tiết kiệm 5,0% tổng điện năng tiêu thụ trong năm.
Đối với các thiết bị điện, điện lạnh, điện gia dụng được mua sắm, lắp đặt, sử dụng tại trung tâm như điều hòa, bình nóng lạnh, ấm siêu tốc, bóng đèn… đều được nhãn TKNL.
Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt việc thực hiện TKĐ, TKNL tới toàn thể CBNV và người bệnh thông qua hành động như tắt các thiết bị điện khi không có nhu cầu sử dụng, không để thiết bị điện ở chế độ chờ; khuyến khích tận dụng tối đa nguồn ánh sáng và không khí tự nhiên…Qua đó, góp phần nâng cao ý thức sử dụng TKNL trong cộng đồng.
Đồng chí Vũ Hồng Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sông Lô cho biết: “Trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể về TKĐ, TKNL cho từng khoa, phòng và từng nhân viên y tế; đưa nội dung TKĐ vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hằng năm. Đến nay đã tạo chuyển biến rõ nét về ý thức và hành đồng của CBNV, góp phần quan trọng thực hiện tiết kiệm chi tiêu tối đa để chủ động các nguồn tài chính đầu tư cho công tác KCB”.
Phòng khám Đa khoa Vĩnh Phúc, thành phố Vĩnh Yên do Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Vĩnh Phúc đầu tư được thành lập và đi vào hoạt động năm 2021. Hiện, Phòng khám hoạt động với đầy đủ các chuyên khoa theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế như khoa nội, ngoại, nhi, chẩn đoán hình ảnh… cung cấp đa dạng dịch vụ KCB cho người dân.
Trung tâm Y tế huyện Sông Lô chú trọng áp dụng nhiều giải pháp TKĐ, TKNL trong vận hoạt động quản lý, hành, góp phần quan trọng thực hiện tiết kiệm chi tiêu tối đa để chủ động các nguồn tài chính đầu tư cho công tác KCB.
Bên cạnh việc chú trọng các giải pháp về nâng cao chất lượng dịch vụ KCB, lãnh đạo phòng khám còn chú trọng triển khai áp dụng các giải pháp TKNL trong quá trình hoạt động gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của CBNV cùng người dân khi đến sử dụng các dịch vụ KCB tại nơi đây.
Được biết, để tiết kiệm điện, TKNL phòng khám đã chuyển đổi toàn bộ hệ thống bóng đèn chiếu sáng bằng sợi đốt sang sử dụng bóng đèn LED, chia tách các công tắc đèn chiếu sáng ở từng khu vực riêng biệt, tận dụng tối đa nguồn sáng và thông gió tự nhiên thông qua việc thiết kế các cửa sổ lớn để giảm thời gian sử dụng thiết bị chiếu sáng.
Đầu tư, trang bị hệ thống máy điều hòa không khí thế hệ mới Inverter có dán nhãn TKNL để cắt giảm lượng điện năng tiêu thụ hằng tháng. Nhờ đó, tiết giảm được từ 30 – 50% điện năng so với các loại máy điều hòa thông thường.
Ngoài ra, phòng khám thường xuyên tuyên truyền bằng hình thức trực quan thông qua việc dán pano, gắn biển báo đến từng phòng, khoa, các khu vực công cộng như khu vực ngồi chờ, căng - tin, nhà vệ sinh... để CBNV và người dân đến thăm khám biết và thực hiện nhằm tạo thói quen sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Qua đó, góp phần giảm bớt chi phí không cần thiết cho DN cũng như BVMT, chống biến đổi khí hậu.
TKNL là câu chuyên không mới, nhưng là vấn đề cần phải thực hiện lâu dài trong quá trình tiêu thụ điện. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ điện trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục tăng ở mức cao, bình quân từ 12 - 15%/năm và cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Vì vậy, việc sử dụng điện, NLTK và hiệu quả tại các cơ sở y tế nói riêng và các cơ quan, đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh nói chung được xem là giải pháp quan trọng, cấp bách nhằm tiếp tục duy trì ổn định an ninh năng lượng, phát triển bền vững tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong giai đoạn mới gắn với thay đổi rõ nét nhận thức của các tầng lớp nhân dân về sử dụng điện tiết kiệm, an toàn.
Theo: Báo Vĩnh Phúc