Thursday, 07/11/2024 | 23:01 GMT+7

Cơ sở bánh kẹo thay đổi công nghệ tiết kiệm điện để nâng cao chất lượng sản phẩm

02/01/2024

Cơ sở sản xuất bánh kẹo Cẩm Phát, khóm 4, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, một trong những thương hiệu nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh, sản xuất 06 sản phẩm chủ yếu như: Bánh trung thu, bánh pía, bánh in, kẹo đậu phộng, kẹo mè, kẹo chuối, … đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên.

Cơ sở có 20 lao động, với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/ người/ tháng và sản phẩm sản xuất bình quân 30 tấn bánh kẹo/ tháng. 
Ông Dư Tấn Lợi- chủ cơ sở bánh kẹo Cẩm Phát, thay đổi công nghệ mới có tính năng tiết kiệm điện.
Theo ông Dư Tấn Lợi, chủ cơ sở chia sẻ: Để cạnh tranh với sản phẩm cùng loại, trước hết phải tạo sự khác biệt cho sản phẩm của mình. Vì vậy, ngoài việc cẩn trọng trong khâu chọn lựa nguyên liệu mua vào, vấn đề quan tâm nhất là tiết kiệm chi phí sản xuất. Cơ sở đầu tư, thay đổi công nghệ mới, cải tiến các dây chuyền sản xuất theo hướng tiến bộ kỹ thuật, mục đích vừa tiết kiệm điện, giảm chí phí sản xuất, nâng cao năng suất và sản phẩm. Trong năm 2023 cơ sở đầu tư dây chuyền sản xuất cắt kẹo tự động số tiền 650 triệu đồng. Trong khâu sản xuất, khi trang bị các máy móc công nghệ mới, thì phải chú trọng đến tiêu chí và tính năng tiết kiệm điện của thiết bị đặt lên hàng đầu. Đối với máy đóng gói bánh kẹo sử dụng bảo quản, bọc các loại bánh kẹo khác nhau, đều sử dụng máy đóng gói bánh kẹo trong dây chuyền sản xuất, giúp tiết kiệm thời gian và nhân công lao đông, không chỉ tăng năng suất lao động mà còn tăng tính thẩm mỹ cho thành phẩm, giảm giá thành sản phẩm và tiết kiệm chi phí sản xuất.
Nhân viên Điện lực Tiểu Cần hướng dẫn ông Dư Tấn Lợi- chủ cơ sở bánh kẹo Cẩm Phát sử dụng điện an toàn trong sản xuất.
Việc sử dụng dây chuyền sản xuất ở các khâu như: Máy lột đậu, tách màu lựa đậu; máy rang sấy đậu tự động xài gia nhiệt..., đến công đoạn cuối cùng là máy đóng gói tự động cắt kẹo, đã mang lại hiệu quả tối ưu trong sản xuất bánh kẹo. Việc trang bị máy móc công nghệ mới và sử dụng máy sấy trong quá trình sản xuất giúp mang lại cho cơ sở nhiều lợi ích. Cụ thể máy sấy có thể điều chỉnh mức nhiệt độ thích hợp, thời gian sấy tương đối ngắn, không cần phải mất nhiều công sức, ít tiêu tốn điện năng, giúp giảm thiểu nhiều chi phí vận hành từ đó hạ giá thành sản phẩm. Ngoài tiết kiệm nhân công, đặc biệt là tiết kiệm điện, nhất là chủ động trong khâu sản xuất hàng hóa, tránh sản xuất trong giờ cao điểm. Kết quả năm 2023 cơ sở, đã tiết kiệm khoảng 10% sản lượng điện so với năm 2022, ước tính số tiền gần 10 triệu đồng/năm.
Định hướng trong thời gian tới, ông Dư Tấn Lợi cho biết cơ sở sẽ tiếp tục đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư thêm hệ thống máy móc, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp tục nghiên cứu giải pháp thực hiện tốt công tác tiết kiệm điện, để giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo: Trang tin Điện tử ngành Điện