Tuesday, 24/12/2024 | 10:26 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp vượt khó

20/10/2024

Một doanh nghiệp đã từng trải qua thời gian vàng son - suy sụp - hồi phục với nhiều khó khăn... đang nỗ lực khôi phục lại thương hiệu từ những vấn đề cơ bản nhất: tiết giảm chi phí - đào tạo lao động. Ấy là câu chuyện của Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam.

“Thật sự công ty chúng tôi đang trong giai đoạn sản xuất tích cực, cố gắng vượt qua khó khăn chung của ngành dệt cũng như khó khăn riêng của đơn vị. Một trong những ưu tiên của công ty là tiết giảm chi phí, trong đó có tiết giảm nguyên vật liệu cũng như các chi phí điện, nước”, ông Lê Văn Đồng - Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ và Chất lượng sản phẩm, Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam chia sẻ. Theo ông Đồng, sau khi Nhà nước thoái vốn hoàn toàn khỏi doanh nghiệp, công ty và các nhà đầu tư đã xây dựng một chiến lược sản xuất mới nhằm hồi sinh thương hiệu. Hiện tại, Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam đang có bốn nhà máy tại khu vực Bảo Lộc, chuyên thực hiện xe tơ, dệt lụa, hai công việc phổ biến trong nghề dệt.
Ông Lê Văn Đồng chia sẻ, doanh nghiệp hiện tại đang thực hiện gia công hàng hóa cho đối tác Nhật Bản. Mẫu mã, hình thức đều do đối tác quy định, công ty chỉ thực hiện theo hợp đồng. "Yêu cầu của đối tác rất cao. Tơ phải đạt độ dài mảnh, chất lượng lụa mềm mại, mặt lụa mịn, rất nhiều yêu cầu của đối tác Nhật Bản mà chúng tôi đang thực hiện để đảm bảo hợp đồng thông suốt. Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng, tiết giảm chi phí, tiết kiệm nguyên vật liệu cũng như các tiêu hao năng lượng đang là ưu tiên của công ty”, ông Lê Văn Đồng khẳng định.
Rất nhiều máy móc của công ty hiện tại vẫn còn được sử dụng. Các dàn máy được chế tạo từ lâu, hoạt động vẫn ổn định nhưng tiêu hao năng lượng khá lớn. Vì vậy, công ty đã đặt ra quy trình lao động chặt chẽ để công nhân, người lao động thực hiện nhằm tiết giảm chi phí điện năng. Tại mỗi xưởng, đều có bản quy định, nhắc nhở công nhân trong giờ sản xuất thì bật điện, ngoài giờ sản xuất phải tắt điện. Công nhân công ty đã quen với việc tới dây chuyền nào, đưa tay mở điện chiếu sáng; khi công việc hoàn thành, rời khỏi chuyền thì tắt điện. Việc tiết giảm chi phí từ những hành động rất nhỏ ấy đã giúp công ty vượt qua được những giai đoạn khó khăn.
Tiết giảm chi phí giúp Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam vươn lên
“Chúng tôi sử dụng tới hàng triệu kWh điện hàng năm. Bởi vậy, tiết kiệm từng chi phí trong mọi khâu sản xuất, dù nhỏ nhất cũng giúp doanh nghiệp trụ vững trong cơn lốc cạnh tranh. Ngoài tiết giảm chi phí sử dụng điện, chúng tôi còn lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên các mái xưởng. Năng lượng mặt trời tại khu vực Bảo Lộc, nhất là trong những mùa nắng giúp công ty giảm chi phí sử dụng điện khá nhiều. Hiện tại, công ty đang mở rộng thêm hệ thống năng lượng mặt trời nhằm xanh hóa quy trình sản xuất cũng như giảm năng lượng tiêu thụ”, ông Lê Văn Đồng thông tin.
Cũng theo ông Lê Văn Đồng, một trong những điều giúp công ty tiết giảm năng lượng, nhất là chi phí sử dụng điện, nước là việc đào tạo, huấn luyện người lao động thực hiện quy trình làm việc. Với bốn nhà máy, công ty hiện đang có trên 300 công nhân làm việc tại tất cả các khâu. Mỗi người lao động đều được tập huấn đầy đủ về quy trình tiết kiệm tại từng khâu sản xuất. Mỗi sáng giao ban - giao ca, quản lý đều nhắc nhở người lao động thực hiện tốt việc thực hiện tiết kiệm, đảm bảo quy trình đã được đưa ra.
Chị Lê Thị Giang, công nhân xe tơ, chia sẻ: “Chúng tôi được đơn vị đào tạo và nhắc nhở rất thường xuyên về việc đảm bảo quy trình lao động, thực hiện tốt việc tiết kiệm. Như bản thân tôi, khi tới mỗi khu vực máy đều chủ động bật hoặc tắt công tắc điện. Nước cũng chú ý tắt vòi khi sử dụng xong. Tôi cũng biết nhiều nhà máy họ đã tự động hóa hoàn toàn việc bật tắt điện, vòi nước nhưng tại doanh nghiệp, chưa tự động hóa được hoàn toàn nên chúng tôi tự nhắc nhở bản thân phải tuân thủ quy trình làm việc”.
Không chỉ dừng lại ở việc gia công tơ lụa cho các đối tác trong và ngoài nước, Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam đang chủ động vươn lên, xây dựng nhà máy, thu mua tơ, xe tơ, dệt lụa để hướng tới mục tiêu khôi phục lại thương hiệu VISERI một thời lừng danh. Ông Lê Văn Đồng cho biết, doanh nghiệp đang tích cực thực hiện các cải tiến kỹ thuật tại các nhà máy cũ, xây dựng nhà máy mới với quy trình sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng mà vẫn cho ra sản phẩm lụa đẹp. Cùng với đó, công ty đang tiến hành huấn luyện, đào tạo người lao động về thực hiện vệ sinh an toàn lao động, đảm bảo quy trình làm việc, tăng ý thức bảo vệ môi trường cũng như tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp. Với một doanh nghiệp, trong mọi hoàn cảnh, việc tiết giảm chi phí, giảm tiêu hao năng lượng như điện, nước luôn là một phương pháp giúp tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo: Báo Lâm Đồng