Được thành lập từ năm 2001, trải qua gần 25 năm phát triển cùng với hơn 22.000 cán bộ công nhân viên, Công ty TNHH Canon Việt Nam đã khẳng định vị thế là doanh nghiệp FDI Nhật Bản hàng đầu tại Việt Nam với 3 nhà máy đặt tại KCN Thăng Long, Hà Nội, KCN Quế Võ và KCN Tiên Sơn Bắc Ninh. Sản phẩm máy in “Made in Vietnam” được xuất khẩu 100% tới tay khách hàng trên khắp thế giới.
Trung bình mỗi tháng Công ty TNHH Canon Việt Nam tiêu thụ lượng điện năng khoảng 6.3 triệu kWh. Nhận thức rõ việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả chính là giảm mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu, giảm chi phí sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế, ngay từ khi đi vào hoạt động, Canon Việt Nam đã đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, tối đa hóa vận hành, quản lý, kiểm soát năng lượng tại từng bộ phận, phòng ban nhằm tiết kiệm năng lượng.
Cải tiến công nghệ và thiết bị
Ông Yohei Seiki - Phó Giám đốc cấp cao Ban quản lý hành chính Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững được Canon Việt Nam coi là vấn đề quan trọng hàng đầu. Điều này được thể hiện ở mục tiêu đầu tiên trong chính sách môi trường được ban hành bởi Lãnh đạo công ty với nội dung “Tối đa hóa hiệu suất sử dụng năng lượng, phát thải khí nhà kính và tài nguyên bằng cách kiểm soát chủ động và hướng tới nhà máy tinh gọn””.
Ông Yohei Seiki - Phó Giám đốc cấp cao Ban quản lý hành chính
Để tối ưu hóa hiệu suất sử dụng năng lượng, hàng năm công ty tiến hành thay thế các thiết bị điện như điều hòa, chiller, AHU, máy nén khí hiệu suất cao… Đồng thời, thay thế dần máy sản xuất cũ gồm máy đúc nhựa, máy sấy nhựa, máy gắp linh kiện… sang máy mới tiết kiệm điện và khí nén.
Điều hòa là thiết bị tiêu thụ một lượng điện lớn, để giảm tải cho điều hòa và tận dụng tối đa gió từ bên ngoài, năm 2021 Canon Việt Nam đã lắp đặt động cơ van gió tại một số khu vực sản xuất. Giải pháp này giúp tiết kiệm khoảng 479 MWh/năm.
“Trước đây thiết bị OAC luôn chạy để lấy gió tươi vào AHU làm mát sau đó khí mát được đưa vào xưởng và gió hồi từ xưởng về AHU để làm mát lại. Sau khi lắp đặt van cấp gió tự động, nhờ vào cảm biến nhiệt, khi nhiệt độ ngoài trời thấp hơn 25 độ C, OAC sẽ tự động dừng, van cấp gió mở, gió tươi sẽ chạy thẳng đến AHU sau đó khí tươi được đưa vào xưởng, đồng thời van gió hồi trả về AHU cũng sẽ đóng. Với cơ chế vận hành này cả OAC và AHU đề được giảm tải”, ông Yohei Seiki- Phó Giám đốc cấp cao Ban quản lý hành chính cho biết.
Hệ thống làm mát chiller
Ngoài ra, Công ty còn đầu tư thay thế bóng đèn hiệu suất thấp sang bóng đèn Led hiệu suất cao, tiết kiệm điện. Hiện nay tỉ lệ bóng đèn Led chiếm hơn 95% toàn bộ bóng đèn của nhà máy.
Từ năm 2019-2023, Canon Việt Nam đã lắp đặt và đưa vào vận hành các bể tích lạnh (ice tank) giúp giảm thời gian vận hành giờ cao điểm cho hệ thống chiller. Vào mùa đông, hệ thống chiller hầu như không phải hoạt động trong khung giờ cao điểm giúp tiết kiệm một lượng lớn chi phí điện năng. Công ty còn đầu tư thiết bị kết nối với hệ thống điều khiển nhiệt độ của máy đúc nhựa (Kanetsu) để sử dụng phần năng lượng dư thừa vào mùa đông.
Hệ thống làm mát Kanetsu
Canon Việt Nam đã phối hợp với Công ty hạ tầng Khu công nghiệp (công ty TNHH KCN Thăng Long) lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái để sử dụng cho hoạt động sản xuất, nấu ăn hướng tới sử dụng năng lượng xanh. Đến nay, Công ty đã sử dụng khoảng 16% điện năng từ năng lượng mặt trời tại nhà máy Thăng Long (Hà Nội), góp phần tiết kiệm điện.
Công ty cũng tiến hành cải tiến máy đúc nhựa do máy luôn bật ở chế độ vận hành và có thời gian chờ giữa các mẻ. Để tránh lãng phí điện năng, Công ty đã lắp đặt thêm các thiết bị phụ trợ như: cảm biến và cài đặt chế độ tự động chuyển máy từ chế độ vận hành sang chế độ tiết kiệm điện khi dừng chờ, tự động tắt máy khi dừng sản xuất để tránh lãng phí điện năng.
Hệ thống điện mặt trời áp mái
Canon Việt Nam đã bọc bảo ôn thiết bị gia nhiệt của máy đúc nhựa và máy hàn. Hàng năm Công ty cũng cải tiến vật liệu bọc bảo ôn để tối ưu hóa hiệu quả tiết kiệm năng lượng. Giải pháp nhằm giảm thất thoát nhiệt của thiết bị và tránh tỏa nhiệt ra môi trường gây lãng phí năng lượng,
Phát huy vai trò của Ban quản lý năng lượng
Với chính sách “Tối ưu hóa hiệu suất sử dụng năng lượng”, Công ty thiết lập Ban quản lý năng lượng do Tổng giám đốc làm trưởng ban. Ban quản lý năng lượng có trách nhiệm xây dựng quy chế hoạt động, kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tổ chức nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả.
Hàng tháng Ban quản lý năng lượng tiến hành họp đánh giá hiệu quả và đưa ra các hành động cụ thể để điều chỉnh nếu cần. Các hoạt động cũng được chia sẻ giữa các nhà máy, các phòng ban để có thể đánh giá triển khai mở rộng.
Hoạt động đào tạo, tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm
Canon Việt Nam thực hiện hoạt động đào tạo định kỳ hàng năm, đào tạo cho người mới. Tuyên truyền bằng nhiều hình thức như tổ chức họp, treo biểu ngữ, phát video, loa phát thanh kêu gọi công nhân viên tiết kiệm điện, tắt điện khi không sử dụng.
Công ty đã cử kỹ sư tham gia đào tạo khóa đào tạo cán bộ quản lý năng lượng của Bộ Công Thương. Tính đến hiện tại, Công ty TNHH Canon Việt Nam đã có 5 cán bộ được cấp chứng nhận Người quản lý năng lượng.
Đặc biệt đơn vị đã áp dụng giải pháp về tự động hóa, kết nối mạng điều khiển, ứng dụng công nghệ “công nghiệp thế hệ 4.0” trong quản lý năng lượng. Theo đó, hệ thống quản lý, điều hành năng lượng thông minh BMS được kết nối trực tiếp với điện thoại cầm tay, trong trường hợp thiết bị có vấn đề như hỏng hóc, chạy quá tải, điện áp cao/thấp… gây lãng phí điện năng, điện thoại sẽ tự động đổ chuông để nhân viên phụ trách biết và tiến hành kiểm tra, xử lý sự cố giảm thiểu các lãng phí không cần thiết.
Năm 2022, Canon Việt Nam tiếp tục xây dựng hệ thống quản lý năng lượng nhằm giám sát năng lượng sử dụng hàng giờ để phát hiện các điểm lãng phí kịp thời như rò rỉ khí nén, quên tắt thiết bị sau sử dụng, từ đó đưa ra các giải pháp như lắp đặt timer, interlock giữa chiếu sáng và van khí.
Ông Yohei Seiki - Phó Giám đốc cấp cao Ban quản lý hành chính Hiện Canon Việt Nam đang triển khai xây dựng Hệ thống quản lý năng lượng tiến tới đạt chứng nhận ISO 50001 vào tháng 1/2026. Thời gian tới, Công ty tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc thay thế máy móc, thiết bị có hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng. Đồng thời duy trì các giải pháp tiết kiệm năng lượng có hiệu quả cao và thực hiện các hoạt động tiết kiệm năng lượng từ từng phòng ban. |
Nhờ áp dụng đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp tiết kiệm năng lượng, Công ty TNHH Canon Việt Nam là một trong những cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có mức tiết kiệm năng lượng cao. Cụ thể, lượng điện năng tiêu thụ giảm khoảng 11%, từ 85.845 MWh năm 2019 xuống còn 76.054 MWh năm 2023, tương đương giảm khoảng 600 tấn CO2 mỗi năm.
Đồng thời, Công ty cũng vinh dự được trao tặng giải Nhì Giải thưởng “Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2024” - Đây là giải thưởng do Bộ Công Thương và Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) tổ chức nhằm ghi nhận, tôn vinh các mô hình, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tiêu biểu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.