Monday, 23/12/2024 | 22:21 GMT+7
Sáng 11/11, các đại biểu thảo luận tại tổ, cho ý kiến về dự thảo Luật Đo lường và việc thực hiện công trình quan trọng quốc gia dự án Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất.
Các đại biểu đề nghị cần có những đánh giá cụ thể hơn về hiệu quả kinh tế của công trình để có thể rút kinh nghiệm cho những công trình quan trọng quốc gia tiếp theo
Bàn về việc thực hiện công trình quan trọng quốc gia, dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất các đại biểu đều thống nhất đánh giá, việc hoàn thành công trình và đưa nhà máy vào vận hành an toàn, ổn định với 100% công suất thiết kế, sản xuất ra các sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thị trường trong nước; doanh thu nhà máy từ ngày bàn giao đạt trên 25.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 3.000 tỷ đồng; là động lực phát triển kinh tế Quảng Ngãi nói riêng và miền Trung nói chung... là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan.
Việc hình thành tổ hợp lọc hoá dầu đầu tiên của Việt Nam thể hiện tầm nhìn và quyết tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.
Bên cạnh việc đánh giá cao những nỗ lực, thành công trong việc đưa công trình vào vận hành, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần làm rõ thêm một số vấn đề chưa được thể hiện trong Báo cáo kết thúc xây dựng công trình.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Nguyễn Hồng Sơn (đoàn Hà Nội) đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá về hiệu quả kinh tế của công trình, đặc biệt là khi tiến độ triển khai chậm 9 năm so với Nghị quyết của Quốc hội và kinh phí tăng gấp đôi.
Theo đại biểu Nguyệt Hường, nếu nhìn từ góc độ kinh tế, việc tăng chi phí đầu tư đồng nghĩa với việc giá thành sản phẩm cũng bị đội lên, như vậy tính cạnh tranh của sản phẩm so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ nước ngoài sẽ như thế nào? Đại biểu cũng đề nghị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia cần có giải trình trước Quốc hội và Chính phủ về việc đầu tư như vậy có tương xứng với quyền lợi của người dân được hưởng.
Cũng về hiệu quả kinh tế, nhiều đại biểu đề nghị cần tính toán lại giữa việc chúng ta sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước và đi nhập nguyên liệu dùng cho nhà máy lọc dầu như thế nào? Bởi theo đánh giá, nguyên liệu trong nước cũng không phải là dồi dào.
Cũng trong buổi thảo luận tổ sáng 11/11, các đại biểu đã cho ý kiến về dự thảo Luật Đo lường. Đa số các đại biểu đều đồng tình với đánh giá của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Tờ trình của Chính phủ cho rằng, việc ban hành Luật Đo lường là rất cần thiết, nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; bảo đảm hoạt động đo lường từng bước thống nhất và chính xác, góp phần bảo đảm công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhiều đại biểu cũng nhất trí cho rằng, về cơ bản, nội dung của dự thảo Luật đã cụ thể hóa được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển, quản lý hoạt động đo lường và thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, còn một số nội dung cần được nghiên cứu, bổ sung và chỉnh lý cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành như: pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; về khiếu nại, tố cáo; về hình sự và về xử lý vi phạm hành chính
Mạnh Hùng (VOV)