Friday, 15/11/2024 | 08:34 GMT+7

Giai đoạn 2011-2015: Thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện

30/05/2011

Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ Dự thảo Đề án Tiết kiệm điện giai đoạn 2011-2015. Mục tiêu giai đoạn này, Việt Nam tiết kiệm được 10% điện năng trong các lĩnh vực sản xuất, sinh hoạt và đời sống so với tổng mức tiêu thụ điện năng của giai đoạn 2011-2015. Phóng viên Bản tin TKNL đã có cuộc trao đổi với TS. Phương Hoàng Kim - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN, Phó Chánh văn phòng TKNL về các yếu tố như công nghệ, cơ chế chính sách cho các hộ tiêu thụ lớn và nhận thức của đối tượng sử dụng điện...

Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ Dự thảo Đề án Tiết kiệm điện giai đoạn 2011-2015, trong đó mục tiêu giai đoạn này, Việt Nam tiết kiệm được 10% điện năng trong các lĩnh vực sản xuất, sinh hoạt và đời sống so với tổng mức tiêu thụ điện năng của giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhận thức của đối tượng sử dụng điện năng, công nghệ, cũng như cơ chế, chính sách cho các hộ tiêu thụ lớn... Phóng viên Bản tin TKNL đã có cuộc trao đổi với TS. Phương Hoàng Kim - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN, Phó Chánh văn phòng TKNL, Bộ Công Thương về Đề án này.


PV: Thưa ông, xin ông cho biết nội dung chính của Dự thảo Đề án Tiết kiệm điện giai đoạn  2011-2015?


akim.jpgTS.Phương Hoàng Kim: Nhằm thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn 2011-2015, các nội dung của Dự thảo Đề án Tiết kiệm điện (TKĐ) gồm 7 tiểu chương trình: Tăng cường quản lý nhà nước về TKĐ; TKĐ đối với cơ quan công sở; Tuyên truyền nâng cao nhận thức; Dán nhãn năng lượng và khuyến khích sử dụng các sản phẩm TKĐ; TKĐ đối với kinh doanh và sinh hoạt; TKĐ trong sản xuất công nghiệp; TKĐ đối với sản xuất và kinh doanh điện.


Trong đó, các nội dung chính bao gồm tập trung đề xuất các biện pháp, các công cụ chính sách nhằm hỗ trợ tích cực cho các giải pháp tiết kiệm điện năng; Xây dựng hoàn thiện hệ thống quản lý năng lượng đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; Xây dựng và hướng dẫn kiểm toán năng lượng đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; Xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, chính sách ưu tiên và các biện pháp nhằm đạt được mức tiết kiệm mục tiêu, góp phần giảm cường độ tiêu thụ năng lượng trong các ngành công nghiệp lựa chọn tiêu thụ nhiều năng lượng; Hỗ trợ kỹ thuật đối với các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu sản phẩm hiệu suất năng lượng cao trong nước; Tuyên truyền, phổ biến và áp dụng dán nhãn năng lượng và mức hiệu suất năng lượng tối thiểu (MEPS) đối với các trang thiết bị tiêu thụ năng lượng; Đào tạo nguồn lực thông qua các khóa đào tạo, tập huấn về tiết kiệm điện cho các cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật công nghệ, tuyên truyền viên... Trong phạm vi cả nước;


Tổ chức các phong trào vận động, tạo điều kiện cho toàn xã hội cùng tham gia vào Chương trình TKĐ, tiếp tục tổ chức các cuộc thi, phong trào thi đua, giới thiệu các gương điển hình, mô hình “Gia đình tiết kiệm năng lượng”, đơn vị, xí nghiệp, toà nhà tiết kiệm năng lượng; Triển khai thực hiện nghiêm các quy định tại Chỉ thị 171/CT-TTg ngày 26/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện tiết kiệm điện, đồng thời kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp không thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, công bố công khai thông tin về tình hình sử dụng điện đối với các cơ quan công sở...


PV: Khi xây dựng Đề án, hẳn Chương trình đã lường trước những rào cản và các biện pháp tháo gỡ?


TS.Phương Hoàng Kim: Tất nhiên, chúng tôi cũng đã lường trước được những rào cản. Đó là, nguồn kinh phí còn hạn chế. Để triển khai thành công Đề án, chúng ta cần nguồn kinh phí lớn. Giai đoạn 2007-2010, kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho các chương trình tiết kiệm điện thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) là 169,1 tỷ đồng; trong đó: 124,1 tỷ đồng thuộc kinh phí sự nghiệp và 45 tỷ đồng dành cho các dự án hỗ trợ đầu tư. 


Vinashin.jpg


Ngoài ra, còn có một số rào cản khác như cơ sở hạ tầng mà cụ thể là nguồn lực con người, chuyên gia kỹ thuật còn hạn chế; sự thiếu hụt thông tin và các thiết bị, công nghệ hiệu quả năng lượng; giá điện tương đối thấp, nhận thức đầy đủ về chi phí năng lượng của các đối tượng sử dụng điện năng còn hạn chế; dịch vụ hỗ trợ các giao dịch về hiệu quả năng lượng còn mới mẻ, chi phí giao dịch lớn, dẫn tới không thúc đẩy các doanh nghiệp cũng như chủ các cơ sở sản xuất công nghiệp đầu tư vào TKĐ...


Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về SDNLTK&HQ trong sản xuất công nghiệp, quản lý các công trình xây dựng, giao thông vận tải, kinh doanh dịch vụ, trong sinh hoạt đời sống, Đề án TKĐ giai đoạn 2011-2015 cần thực hiện một số giải pháp sau: Kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương trong lĩnh vực SDNLTK&HQ; Áp dụng đồng bộ các biện pháp SDNLTK&HQ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội theo tinh thần của Nghị quyết 11 của Chính phủ. Đặc biệt, cần triển khai đồng bộ nội dung của 7 tiểu chương trình. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến là một trong những biện pháp hữu hiệu thúc đẩy việc TKĐ trong toàn xã hội. Thực hiện đồng bộ chính sách tài chính, giá năng lượng và các chính sách ưu đãi cần thiết khác để thúc đẩy SDNLTK&HQ; thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với tiềm năng, điều kiện của Việt Nam. 


PV: Theo Quyết định 24/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giá điện sẽ điều chỉnh theo cơ chế thị trường, liệu đây có phải là biện pháp hữu hiệu trong việc TKĐ không thưa ông?


TS.Phương Hoàng Kim: Giá điện của nước ta theo giá thực tế (tính theo tỷ giá USD) đã giảm trong một vài năm qua mặc dù đã tăng khoảng 8% lên 873 đồng/kWh vào tháng 1/2007 và khoảng 9,1% lên 948 đồng/kWh năm 2009. Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg, ngày 15/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc giá điện tại Việt Nam được điều chỉnh theo cơ chế thị trường là cần thiết, sự điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường là bước đi đúng đắn, từng bước xây dựng thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam. Khi giá điện được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, thời gian điều chỉnh tối thiểu giữa hai lần liên tiếp là 3 tháng/lần, đây sẽ là tín hiệu tác động tới ý thức sử dụng điện của các các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, qua đó doanh nghiệp cũng phải linh hoạt trong việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng điện. Đây cũng là một biện pháp hữu hiệu nhằm đẩy mạnh việc TKĐ ở mỗi cơ quan, doanh nghiệp đến hộ gia đình.


PV: Thực tế, việc sử dụng năng lượng lãng phí diễn ra ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực. Vậy, để đạt được mục tiêu TKĐ 10% trong giai đoạn tới, theo ông chúng ta cần tập trung vào những lĩnh vực cụ thể nào?


TS.Phương Hoàng Kim: Tăng trưởng nhanh nhu cầu năng lượng thương mại cuối cùng của nước ta do ba yếu tố: Tăng trưởng của quá trình công nghiệp hóa; Tăng trưởng của các phương tiện giao thông cơ giới; Và gia tăng sử dụng các thiết bị tiêu thụ năng lượng hiện đại, chủ yếu là thiết bị điện tại các hộ gia đình. Ba lĩnh vực này dự kiến sẽ tiếp tục là những lĩnh vực chính dẫn tới sự tăng trưởng nhanh của nhu cầu năng lượng trong thập kỷ tới.


Det 12.jpg


Để đạt được mục tiêu TKĐ 10%, cần tập trung vào các lĩnh vực đóng góp mức tăng trưởng nhanh của nhu cầu năng lượng. Trong lĩnh công nghiệp và xây dựng, cần tập trung vào các ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng có tiềm năng TKNL lớn và ngành công nghiệp tăng trưởng cao trong tương lai, bao gồm: sản xuất thép, xi măng, sản xuất năng lượng, khai khoáng, giấy, thực phẩm/bia và dệt may... Thực hiện chuyển dịch thị trường, cải thiện hiệu suất của các thiết bị sử dụng điện thông qua các chương trình khuyến khích sử dụng các sản phẩm TKNL, phát triển tiêu chuẩn và dán nhãn năng lượng.


PV: Nghĩa là ngành công nghiệp và xây dựng đóng vai trò rất quan trọng trong việc TKĐ. Vậy chúng ta cần phải có một chế tài như thế nào đối với hộ tiêu dùng này để nâng cao hiệu quả TKNL, thưa ông?


TS.Phương Hoàng Kim: Luật SDNLTK&HQ đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2011. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật SDNLTK&HQ, theo đó các doanh nghiệp trọng điểm là doanh nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng trên 1.000 TOE sẽ là đối tượng chịu sự quản lý  bắt buộc theo các quy định đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ từng bước xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chiến lược TKĐ đối với một số ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều điện năng theo quy định của Luật. Ví dụ đối với ngành thép, xi măng, dự kiến sẽ đưa ra các quy định yêu cầu phải có lộ trình xây dựng phương án tận thu nguồn năng lượng nhiệt thải để sản xuất điện phục vụ lại cho sản xuất. Theo kết quả đánh giá của các dự án thí điểm tận dụng nhiệt thải trong ngành thép và xi măng, đã tiết kiệm từ 20-30% năng lượng. Giai đoạn tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh xây dựng các hướng dẫn và thực hiện quản lý, giám sát tuân thủ Luật SDNLTK&HQ đối với các doanh nghiệp trọng điểm, xây dựng các cơ chế hỗ trợ đầu tư đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp thực hiện các giải pháp TKĐ.


PV: Trân trọng cảm ơn ông!


Sông Thương (thực hiện)