Monday, 20/01/2025 | 16:01 GMT+7
Thành công của
phong trào “Hộ gia đình sử dụng điện năng tiết kiệm và hiệu quả” năm 2010 là về
cơ bản, nhận thức của đa số người dân đã có chuyển biến lớn. Mỗi người dân đã
có hành động nhỏ để tiết kiệm điện trong sử dụng, nhưng điều đó cũng đã nói lên
ý nghĩa và hiệu quả thiết thực của cuộc vận động.
Hiệu quả và ý nghĩa
Qua báo cáo của
Sở Công Thương Hà Nội, năm 2010, cuộc vận động thí điểm phong trào Hộ gia đình
sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Hà Nội đã góp
phần nâng cao ý thức sử dụng điện của người dân và điều đáng ghi nhận ở đây, dù
chỉ là thí điểm, nhưng đã tiết kiệm được 17 triệu kWh, tương đương tiết kiệm
chi phí 15 tỷ đồng. Với việc đưa chương trình tuyên truyền TKNL đến 10 quận
trên địa bàn Thành phố, phong trào có sức lan toả mạnh mẽ, vượt con số 100.000
hộ gia đình thí điểm. Tại lễ Tổng kết chương trình đã có 30.000 hộ đạt danh
hiệu Hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ), 30
hộ đạt danh hiệu Hộ gia đình SDNLTK&HQ tiêu biểu.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, cuộc vận động hộ gia đình TKNL trên địa bàn Thành phố trong năm 2010 đã thu hút được khoảng 102.600 hộ và 1.200 tuyên truyền viên của 24 quận, huyện đăng ký tham gia. Kết quả là đã tiết kiệm 360 triệu kWh, 100 hộ gia đình đạt danh hiệu “Hộ gia đình SDNLTK&HQ tiêu biểu”. Năm 2011, cuộc vận động Gia đình TKNL sẽ tiếp tục diễn ra với mục tiêu thu hút 360.000 hộ tham gia, phấn đấu tiết kiệm 10% điện năng tiêu thụ trong các tháng 4, 5, 6 so với cùng kỳ năm 2010.
Mặc dù, ban đầu
mới chỉ xuất phát từ hành động nhỏ như tắt quạt, tắt đèn khi không dùng đến, sử
dụng các thiết bị có chức năng tiết kiệm năng lượng... nhưng chắc chắn, ảnh
hưởng của cuộc vận động này sẽ không dừng lại ở những hành động nhỏ, mà dần dần
sẽ có những ý tưởng sáng tạo trong việc tận dụng các nguồn năng lượng thay thế
hiệu quả và tiết kiệm của mỗi gia đình.
Đánh giá về cuộc vận động “Hộ gia đình SDNLTK&HQ năm 2011” mới đây, ông Nguyễn Huy Tưởng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng: “Cuộc vận động Hộ gia đình SDNLTK&HQ của Thành phố năm nay là nhằm tạo sự chuyển biến thực sự từ nhận thức sang hành động cụ thể của cộng đồng xã hội; xây dựng ý thức của mỗi thành viên trong gia đình về SDNLTK&HQ; xây dựng thói quen sử dụng TKNL là hành vi của người Hà Nội thanh lịch, văn minh; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; Thông qua cuộc vận động góp phần giảm mức tiêu thụ điện, nhằm đáp ứng nhu cầu tốt nhất cho đời sống sinh hoạt của nhân dân trong điều kiện nguồn điện đang khó khăn; giành điện nhiều hơn cho sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Tiếp tục nhân rộng
Mặc dù tiêu thụ điện cũng như các nguồn năng lượng khác như xăng, dầu, gas không cao như các hộ gia đình thành thị, nhưng tỷ lệ hộ dân nông thôn chiếm tới 70% cả nước, thì khả năng TKNL trực tiếp cũng như sử dụng các nguồn năng lượng thay thế cũng cho hiệu quả không nhỏ. Sở Công Thương Long An đã xây dựng Chương trình SDNLTK&HQ giai đoạn 2011- 2015, với mục tiêu phấn đấu tiết kiệm từ 5-8% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn tỉnh trong giai đoạn này. Với đề án "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hộ gia đình", Chương trình sẽ vận động 1.000 hộ gia đình thuộc 4 điểm thành thị và nông thôn tham gia xây dựng mô hình TKNL. Khi kết thúc, sẽ có đánh giá kết quả thực hiện đề án dựa trên cơ sở mỗi hộ gia đình tham gia đạt mục tiêu tiết kiệm 10% tổng điện năng tiêu thụ. Đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, chương trình có đề án về nâng cấp, cải tiến hợp lý hóa dây chuyền sản xuất công nghệ nhằm tiết kiệm điện hiệu quả. Cụ thể, sẽ xây dựng cơ chế, kế hoạch, phương thức hỗ trợ các doanh nghiệp, hỗ trợ 20-30 doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng, khảo sát, phát hiện các trường hợp có lợi thế về tiềm năng và có cơ hội thúc đẩy SDNLTK&HQ.
Chiếm hơn 50% số
dân, phụ nữ đóng vai trò to lớn trong việc tham gia các chương trình phát triển
năng lượng. Hội LHPN Việt Nam đã thực hiện thí điểm mô hình "Sử dụng năng
lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mỗi hộ gia đình" nhằm giảm một phần mức
đầu tư phát triển hệ thống cung ứng năng lượng, mang lại lợi ích kinh tế, xã
hội, góp phần bảo vệ môi trường. Mô hình này đang được thí điểm tại các tỉnh,
thành phố gồm: Thái Bình, Hà Nội, Nghệ An, Quảng Ngãi và Ðồng Nai. Hiện đã có
600 hộ gia đình ở các tỉnh, thành phố tự nguyện thực hiện các biện pháp TKNL
bằng việc sử dụng các nguồn năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Như vậy, các
thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng sẽ được thay thế bằng các thiết bị TKNL như
đèn chiếu sáng compact, hầm ủ khí sinh học biogas, giàn đun nước nóng bằng năng
lượng mặt trời...
Trong khi nguồn năng lượng cung chưa đủ cầu thì hơn lúc nào hết, mỗi người dân cần có ý thức sử dụng tiết kiệm điện. Xây dựng thói quen TKNL trong sử dụng các thiết bị chiếu sáng và gia dụng. Đây là con đường ngắn nhất khắc phục tình hình thiếu điện, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Lan Anh