Friday, 15/11/2024 | 16:54 GMT+7
Với chủ trương thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, sản xuất nông nghiệp tỉnh Ninh Bình đã và đang phát triển theo hướng kinh tế trang trại, chăn nuôi quy mô lớn. Vì vậy chất thải chăn nuôi ngày càng nhiều, gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường. Để xử lý chất thải chăn nuôi, cải thiện môi trường và tái tạo năng lượng cho người dân nông thôn, Hội phụ nữ Ninh Bình đã tổ chức thực hiện đề án "Triển khai mô hình hộ gia đình sử dụng thiết bị khí sinh học tiết kiệm năng lượng”, được sự hỗ trợ tích cực từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả - Bộ Công Thương, Đề án đã gặt hái được những thành công đáng khích lệ.
Bước đầu, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh thành lập ban điều hành ở cấp tỉnh và cấp xã, thành lập các tổ công tác như tổ kỹ thuật, tổ truyền thông... đồng thời nhằm đảm bảo về mặt kỹ thuật, Hội đã phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp Biogas Thành Minh trong quá trình xây dựng công trình.
Hội phụ nữ tỉnh đã thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền để
nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích, cách sử dụng, bảo dưỡng thiết bị
khí sinh học Xây dựng và in ấn hơn 500 bộ tài liệu hướng dẫn cách xây dựng
thiết bị khí sinh học phát cho thợ xây và cán bộ truyền thông; hơn 10.000 tờ
rơi về lợi ích, cách sử dụng thiết bị khí sinh học phát tới hội viên và các hộ
gia đình ở 22 xã thực hiện đề án.
Các chị đã tổ chức 32 hội nghị truyền thông cho 2.380 đại
biểu là lãnh đạo Đảng, chính quyền, các ban, ngành, cán bộ hội phụ nữ, các đoàn
thể từ xã đến thôn xóm và các hộ gia đình chăn nuôi gia súc gia cầm nhiều của
23 xã; BCĐ các cấp phối kết hợp với đài phát thanh và truyền hình Ninh Bình,
Báo Ninh Bình, Đài truyền thanh huyện, xã tuyên truyền về lợi ích của việc sử
dụng công trình khí sinh học trong việc tiết kiệm năng lượng và bảo vệ vệ sinh
môi trường.
,:
Qua truyền thông, nhận thức của người dân về vệ sinh môi
trường và tiết kiệm năng lượng được nâng lên, đã tạo nên nhu cầu bức thiết
trong việc xây dựng công trình khí sinh học, sử dụng biogas của các hộ gia đình
có chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Các hộ gia đình được lựa chọn phải đạt các tiêu chí về quy mô chăn nuôi, đảm bảo nguồn nguyên liệu hằng ngày, đủ điều kiện về địa hình, về kinh phí, có khả năng hoàn thành đúng tiến độ.
Hội phụ nữ tỉnh đã tổ chức 8 lớp tập huấn cho 131 thợ xây và
cán bộ hội. Nội dung tập huấn tập trung hướng dẫn về nguyên lý cấu tạo, các
thông số và kỹ thuật xây dựng công trình khí sinh học theo mẫu KT1, KT2 của Bộ
Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành, quy trình vận hành, sử dụng, bảo
dưỡng, khắc phục sự cố của công trình. Sau tập huấn, hầu hết số thợ xây đều đảm
bảo tay nghề kỹ thuật để xây dựng công trình.
Trong 3 năm, Đề án đã hỗ trợ xây dựng được 830 công trình
khí sinh học với số tiền 664.000.000đ ( 800.000đ/hộ). Ngoài ra, còn có 570 hộ
gia đình khác trong vùng thực hiện đề án cũng đã tự đầu tư xây công trình khí
sinh học đưa tổng số hộ xây dựng công
trình lên 1400 hộ.
Điều đáng mừng là 100% số công trình đều đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, sinh khí tốt (ngọn lửa xanh, đều, ít muội), sử dụng an toàn, phục vụ việc đun nấu hàng ngày, nhiều gia đình sử dụng thắp sáng, sưởi ấm cho gà, lợn, ấp trứng, sấy nấm. Không ít gia đình tận dụng nước, bã thải của công trình làm thức ăn cho cá, làm phân vi sinh hoặc tưới cho rau, mang lại nguồn phân bón an toàn cho canh tác. Từ kết quả, lợi ích thực tế mô hình sử dụng khí sinh học đã được nhân rộng từ 11 xã thuộc 4 huyện (năm 2008), đến nay đã thực hiện ở 22 xã thuộc 6 huyện trong tỉnh.
Thực tế cho thấy với việc triển khai mô hình xây dựng và sử dụng hầm Biogas
đã đem lại hiệu quả nhiều mặt cho các hộ gia đình nông dân Ninh Bình. 100% số
hộ có công trình khí sinh học đã tiết kiệm được hoàn toàn chất đốt sinh hoạt và
chăn nuôi. Tính trung bình 1 hộ mỗi tháng trước đây đun hết 7kg gas, mỗi năm
hết 84 kg. Vậy, 1400 hộ sẽ tiết kiệm được 117.600 kg gas công nghiệp. Đồng thời
tiết kiệm được 30% điện năng thắp sáng ước tính khoảng 50kwh/tháng. 1400 hộ
trong 1 năm sẽ tiết kiệm được 840.000kwh.
Về kinh tế, một hộ gia đình trong 1 năm tiết kiệm được
2.660.000đ tiền gas và 745.000đ tiền điện thắp sáng. Vậy, 1 năm 1400 hộ tiết
kiệm được gần 3.724 triệu đồng tiền gas công nghiệp và hơn 1.043 triệu đồng
tiền điện thắp sáng; Trong khi 1 công trình có thể tích 6-7 m3 chi phí xây dựng
hết khoảng 7.000.000đ. Chỉ cần sau 2 năm, các hộ gia đình sẽ hoàn vốn đầu tư.
Trong khi công trình đầu tư một lần nhưng sử dụng nhiên liệu sạch lâu dài. Đồng
thời, để sử dụng lâu dài đòi hỏi các hộ phải phát triển chăn nuôi, do đó càng
giúp các hộ tăng thu nhập.
Đặc biệt, chất thải chăn nuôi được xử lý, hạn chế cơ bản ô
nhiễm môi trường nông thôn, tạo được bếp đun không khói bụi, sạch sẽ, tiện lợi,
hạn chế nóng bức, tiết kiệm được thời gian đun nấu giúp phụ nữ, có thêm thời
gian để chăm sóc gia đình, nghỉ ngơi, xem truyền hình, học tập nâng cao hiểu
biết, bởi vậy hiệu quả của việc thực hiện mô hình gia đình sử dụng khí biogas
không chỉ dừng lại ở lợi ích kinh tế và môi trường mà còn góp phần thúc đẩy sự
tiến bộ của phụ nữ.
Hiệu quả tiết kiệm năng lượng ở 11 xã thực hiện đề án của Ninh Bình thì còn rất nhỏ so với yêu cầu về tiết kiệm năng lượng của quốc gia, song việc ứng dụng công nghệ khí sinh học đem lại đa lợi ích, về năng lượng- kinh tế- xã hội- môi trường rất rõ nét, nó đã và đang góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân, mang lại một diện mạo mới cho nông thôn, góp phần tích cực để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của chính phủ.
Huyền Anh