Tuesday, 24/12/2024 | 02:10 GMT+7

Giải “nỗi lo” cho doanh nghiệp về dán nhãn năng lượng

03/01/2012

Khi lộ trình dán nhãn năng lượng vẫn trong giai đoạn DN được khuyến khích, DN sẽ được hỗ trợ về chi phí tư vấn và tham gia hội thảo, truyền thông

Từ ngày 1/1/2013, một số sản phẩm sử dụng điện đã phải thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc theo lộ trình của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều DN vẫn khá lúng túng khi triển khai hoạt động này.

aceb8b773_giainoilo.jpg

Dán nhãn năng lượng sẽ giúp sản phẩm của DN có thêm sức cạnh tranh trên thị trường

 
Lúng túng

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai thí điểm bước đầu dán nhãn năng lượng cho một số sản phẩm như đèn compact, balast, quạt điện… Nhãn năng lượng đã phần nào giúp cho sản phẩm của các DN Việt Nam tiếp cận tốt hơn với người tiêu dùng cũng như góp phần làm tăng sức cạnh tranh của DN. Nhiều thương hiệu đã “ghi dấu” với những sản phẩm chất lượng được dán nhãn như đèn của Rạng Đông, Điện Quang, quạt điện mang thương hiệu Senko của Công ty Tân Tiến SK…

Bộ Công Thương cho biết, theo lộ trình dán nhãn năng lượng, đến ngày 1/1/2013 sẽ bắt đầu lộ trình bắt buộc dán nhãn năng lượng đối với các sản phẩm tiêu thụ điện, bắt đầu từ các sản phẩm điện gia dụng. Tuy nhiên, tại hội thảo xúc tiến chương trình dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm tiết kiệm năng lượng (TKNL) năm 2012 diễn ra mới đây tại Hà Nội, theo đánh giá của nhiều DN, còn khá nhiều băn khoăn cho DN trong việc triển khai những quy định này.

Băn khoăn nhiều nhất là các sản phẩm thuộc nhóm các sản phẩm nhập khẩu. Theo bà Đinh Thu Hằng – Công ty Panasonic: Hiện nay có nhiều sản phẩm công ty nhập khẩu từ nước ngoài về. Tuy nhiên trong hồ sơ dán nhãn năng lượng của DN, Bộ Công Thương yêu cầu phải có chứng nhận chất lượng của sản phẩm sắp được dán nhãn. Cho nên điều băn khoăn lớn nhất đối với DN là những sản phẩm đã được chứng nhận chất lượng cũng như khả năng TKNL tại nước ngoài có được “đặc cách” qua bước này không.

Cũng liên quan đến việc tiêu chuẩn chất lượng cho các sản phẩm được dán nhãn năng lượng, ông Nguyễn Văn Hải – Phó Giám đốc Công ty CP Nagakawa Việt Nam: Hiện nay, chi phí cho việc thử nghiệm các sản phẩm điện dán nhãn còn khá đắt. Đồng thời, nhiều DN vẫn còn băn khoăn về chất lượng cũng như uy tín của những trung tâm kiểm định tại Việt Nam.

Hiện nay, với những sản phẩm chiếu sáng như đèn compact, đèn huỳnh quang đã được dán nhãn năng lượng để chứng nhận các sản phẩm đó có khả năng TKNL. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm chiếu sáng TKNL khác lại vẫn chưa được ban hành tiêu chuẩn, ví dụ như đèn led – “Vậy những sản phẩm này sẽ bắt buộc phải dán nhãn hoặc sẽ được vận hành, lưu thông trên thị trường với hình thức nào?” – một DN sản xuất sản phẩm chiếu sáng băn khoăn.

“Khi thời điểm bắt buộc dán nhãn năng lượng đang đến rất gần, bản thân DN tôi cũng muốn tham gia lộ trình dán nhãn, một phần để hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, một phần cũng muốn nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, những băn khoăn trên đã khiến cho DN chúng tôi e ngại và khiến kéo dài hơn thời gian làm hồ sơ dán nhãn” – ông Hải lo lắng nói.

Giải “nỗi lo” cho DN

Với những băn khoăn về các sản phẩm nhập khẩu, tại hội thảo, ông Lương Văn Phan – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam cho biết: Hiện nay, nhiều nước đã có quy định về chấp nhận những chứng nhận chất lượng của nhau. Trong khối ASEAN hiện nay cũng có khoảng 10 phòng thử nghiệm độc lập được Việt Nam thừa nhận đủ tiêu chuẩn chất lượng để thực hiện đánh giá sản phẩm dán nhãn (DN có thể liên hệ trực tiếp với Bộ Công Thương để biết rõ danh sách). Riêng Việt Nam hiện cũng có 4 trung tâm có thể kiểm định chất lượng sản phẩm dán nhãn là Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 và 3 (Quatest 1 và 3) đủ tiêu chuẩn để chứng nhận các sản phẩm như: Thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao như bóng đèn huỳnh quang compact CFL, balast điện tử, balast điện từ dùng cho bóng đèn huỳnh quang, bóng đèn huỳnh quang dạng ống, quạt điện, bình đun nước nóng có dự trữ, bóng đèn sodium cao áp, nồi cơm điện, chóa đèn chiếu sáng đường phố, động cơ điện không đồng bộ ba pha; Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM kiểm định quạt điện; Trung tâm thử nghiệm - Kiểm định công nghiệp thuộc Viện Cơ khí năng lượng và mỏ (Vinacomin) có thể kiểm định tủ lạnh, tủ kết đông lạnh và máy điều hòa không khí.

Riêng các sản phẩm TKNL như đèn led sẽ không phải thực hiện lộ trình dán nhãn mà sẽ được chứng nhận tiêu chuẩn Việt Nam. Hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đang xem xét những tiêu chuẩn này và sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất.

Khi lộ trình dán nhãn năng lượng vẫn trong giai đoạn DN được khuyến khích, DN sẽ được hỗ trợ về chi phí tư vấn và tham gia hội thảo, truyền thông. Các sản phẩm được dán nhãn năng lượng cũng sẽ được quảng bá miễn phí trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như được ưu tiên trong các chương trình mua sắm công của các cơ quan nhà nước. “Với những ưu đãi như vậy, DN nên chủ động tham gia dán nhãn năng lượng, tránh tình trạng “ách tắc” khi thời điểm đầu năm 2013 không còn xa nữa” - ông Phan nhấn mạnh.

Gần 1 triệu USD hỗ trợ cho DN dán nhãn năng lượng

Dự án “Dỡ bỏ rào cản để thực thi có hiệu quả các tiêu chuẩn và nhãn hiệu suất năng lượng” (BRESL) được thực hiện trong 5 năm (2009-2014) với mục tiêu thực thi các tiêu chuẩn và nhãn hiệu suất năng lượng trong thực tế để TKNL và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Chương trình được triển khại tại 6 nước: Banglades, Indonesia, Pakistan, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam cho 7 sản phẩm trọng tâm: điều hòa, tủ lạnh, quạt điện, nồi cơm điện, đèn huỳnh quang compact CFL, balast và moto điện.


Dưới sự hỗ trợ của dự án, DN sẽ được tham gia các hội thảo phổ biến chính sách và quy định, chia sẻ kinh nghiệm và bài học; Hướng dẫn lập hồ sơ đăng ký tham gia dán nhãn; Cung cấp hướng dẫn quảng bá sản phẩm TKNL; Đào tạo DN; Cung cấp chuyên gia miễn phí để hỗ trợ trực tiếp DN khi có yêu cầu phù hợp.


Lan Phương