Tuesday, 07/05/2024 | 03:38 GMT+7

Mô hình "gia đình tiết kiệm điện" ở thành phố Hồ Chí Minh

01/02/2012

Từ nhiều năm nay, hưởng ứng phong trào tiết kiệm điện tại TP Hồ Chí Minh, nhiều đơn vị, cơ quan và các hộ gia đình đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm điện năng tiêu thụ. Ngày càng nhiều gương điển hình 'địa chỉ xanh' xuất hiện hành động vì cộng đồng.

Những 'địa chỉ xanh'

Từ nhiều năm nay, hưởng ứng phong trào tiết kiệm điện tại TP Hồ Chí Minh, nhiều đơn vị, cơ quan và các hộ gia đình đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm điện năng tiêu thụ. Ngày càng nhiều gương điển hình 'địa chỉ xanh' xuất hiện hành động vì cộng đồng.

Hai năm qua, Công ty Ðiện thoại Tây thành phố trực thuộc VNPT thành phố Hồ Chí Minh (số 2 Hùng Vương, quận 10) đã triển khai nhiều giải pháp về tiết kiệm điện năng, công ty đã triển khai đến các đơn vị trực thuộc, hướng dẫn cán bộ, công nhân thay thế dần các thiết bị hư, cũ bằng các thiết bị mới tiết kiệm điện, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra quản lý năng lượng.

ccfa1454f_gia_dinh.jpg

Bà Cao Mỹ Ánh Tuyết - Phòng Hành chính Tổng hợp công ty hướng dẫn chúng tôi đi tham quan chung quanh tòa nhà và cho biết: Ðến nay đơn vị đã thay thế gần xong các thiết bị điện như các loại đèn huỳnh quang T10-40W, 20W bằng đèn huỳnh quang T8 - 36W, 18W, đèn cao áp thủy ngân bằng đèn LED, từ chấn lưu sắt sang chấn lưu điện tử, sử dụng đèn com-pắc, đồng thời tăng cường sử dụng ánh sáng tự nhiên và khí trời, thường xuyên nhắc nhở mọi người không để các thiết bị điện hoạt động ở chế độ chờ hoặc không tải. Năm 2009, tòa nhà của công ty đã tiết kiệm hơn 42 nghìn kW giờ điện, tương đương số tiền gần 90 triệu đồng, đồng thời giảm 18.179 kg CO2 thải ra môi trường. Ðáng chú ý đây là tòa nhà cũ cải tạo lại, nhưng nhờ những biện pháp nêu trên đã mang lại hiệu quả rất rõ ràng. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp khác nhằm hướng tới nền sản xuất xanh, thân thiện với môi trường, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Năm 2011, công ty phấn đấu chỉ tiêu tiết kiệm từ 10 đến 15% năng lượng tiêu thụ.

Tại quận 7, tòa nhà tiết kiệm điện năng của Trường đại học RMIT cũng là một 'địa chỉ xanh' được nhiều người biết. Giáo sư Merilyn Liddell, Tổng Giám đốc RMIT Việt Nam cho biết: Ngay từ khi tòa nhà được thiết kế ban đầu, trường đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm tiết kiệm điện. Cụ thể như: trường học được thiết kế theo hướng đông tây để giảm ảnh hưởng bức xạ, sử dụng lam che nắng và tận dụng ánh sáng tự nhiên, thông gió ở hành lang, hệ thống cây xanh trong khuôn viên trường để giảm các hệ thống tiêu thụ điện năng. Các hệ thống như: máy lạnh, chiếu sáng, xử lý chất thải... đều sử dụng các thiết bị mới có tính năng tiết kiệm và hiệu suất sử dụng cao nhất. Khi mua sắm các trang thiết bị, nhà trường luôn chọn tiêu chí, sản phẩm phải thân thiện với môi trường, và luôn tuân thủ quy trình 'Giảm thiểu - tái dùng - tái chế'. Năm 2011, Trường đại học RMIT sẽ tiếp tục thực hiện việc tiết kiệm điện. Trước hết là lắp đặt hệ thống công nghệ tiết kiệm năng lượng mới nhất cho tòa nhà thứ hai đang xây dựng, tổ chức câu lạc bộ môi trường với nhiều hoạt động tích cực và tiếp tục vận động tuyên truyền giáo dục sinh viên hưởng ứng các biện pháp tiết kiệm.

Ở các quận nội, ngoại thành nhiều hộ gia đình cũng đã ý thức được việc tiết kiệm điện. Mỗi hộ, mỗi người đều hiểu rằng tiết kiệm điện là tiết kiệm tiền cho chính mình và hành động vì cộng đồng. Nhiều hộ dân đã điều chỉnh việc sử dụng các thiết bị trong nhà như: máy lạnh, quạt, bóng đèn, sửa lại nhà lắp đặt các tấm lam che nắng lấy ánh sáng tự nhiên thay vì phải lắp đặt bóng đèn. Anh Trần Long, nhà ở đường Phạm Thế Hiển, quận 8 cho biết: 'Nhờ sắp xếp lại hệ thống các đồ dùng điện trong nhà và lắp lam che nắng nên mỗi tháng gia đình tôi đã tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể'. Không chỉ ý thức tiết kiệm cho gia đình, anh Long còn hướng dẫn và vận động các gia đình bên cạnh cùng thực hiện những việc có ích cho gia đình và xã hội. Có thể nói, chính ý thức người dân được nâng lên trong việc tiết kiệm đã mang lại hiệu quả và đóng góp rất lớn trong chương trình tiết kiệm điện của thành phố.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Là đô thị lớn nhất trong cả nước, năm 2010, TP Hồ Chí Minh tiêu thụ 14 tỷ kW giờ điện. Trong chương trình thực hiện tiết kiệm điện, giai đoạn 2006-2010, thành phố cũng đã tiết kiệm được 786 triệu kW giờ điện với các đối tượng sử dụng điện gồm: công nghiệp, hộ gia đình và hệ thống hạ tầng đô thị như chiếu sáng, thoát nước... Thành phố đã phê duyệt Chương trình thực hiện mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố giai đoạn 2009 - 2015 với chỉ tiêu tiết kiệm 3% tổng mức tiêu thụ năng lượng; triển khai chương trình tiết kiệm năng lượng cho 100% doanh nghiệp trọng điểm trên địa bàn...

Ðể thực hiện được mục tiêu đó, thành phố đề ra nhiều giải pháp, biện pháp như: quy định các tòa nhà xây dựng mới từ năm 2010 phải sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thay dần các thiết bị có hiệu suất thấp, loại bỏ công nghệ lạc hậu; hạn chế lượng phát thải của các phương tiện giao thông... Trong đó, quan tâm đến việc tổ chức các khóa học bồi dưỡng cho các đối tượng doanh nghiệp, các giám đốc, nhân viên về tiết kiệm điện.

Cùng với biện pháp tiết kiệm điện, Thành ủy, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan bảo đảm cung cấp nhu cầu về điện cho nhân dân và các đơn vị sản xuất kinh doanh đồng thời thực hiện các giải pháp nhằm tiết kiệm điện năng. Trước mắt, các đơn vị công sở sẽ thực hiện ngay các biện pháp tiết kiệm 10% lượng điện tiêu thụ so với trước. Theo Sở Khoa học - Công nghệ cho biết, đến nay thành phố đã có 102 nghìn hộ gia đình đăng ký tham gia chương trình tiết kiệm năng lượng. Giai đoạn 2009-2015, chương trình sẽ phấn đấu đưa lên 1,8 triệu người. Tính ra, chỉ cần mỗi hộ tiết kiệm một lượng điện nhỏ thì mỗi ngày thành phố đã tiết kiệm được một lượng điện rất lớn, đủ đáp ứng cho nhu cầu thiếu hụt hiện nay.

Nhiều tổ chức đoàn thể cũng tham gia phong trào tiết kiệm điện. Ðiện lực TP Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng đang phối hợp tổ chức chương trình 'Gia đình tiết kiệm điện 2011' và quyết định thưởng cho các hộ gia đình, mỗi hộ 200 nghìn đồng nếu tiết kiệm được hơn 10% điện năng tiêu thụ trong ba tháng 4, 5 và 6 so cùng kỳ năm trước. Những hộ tiêu biểu sẽ nhận mức thưởng là 500 nghìn đồng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu các đơn vị quảng cáo, kinh doanh cắt giảm 50% lượng điện tiêu thụ trên các phương tiện sử dụng điện. Thí dụ như, hộp quảng cáo có đèn bên trong sẽ chỉ được bật từ 18 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút hằng ngày. Một tín hiệu tích cực là nhờ thực hiện tiết kiệm điện nên quý I-2011, thành phố đã tiết kiệm được 69 triệu kW giờ, góp phần cho Ðiện lực TP Hồ Chí Minh điều chỉnh lại cân đối sản lượng, không phải cắt điện luân phiên trong quý II như dự kiến trước đây.
 
Theo Nhân dân
Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện