Thursday, 09/05/2024 | 00:10 GMT+7

Hà Nội tiết kiệm 6 - 9% tổng mức tiêu thụ năng lượng

13/05/2013

Tiết kiệm từ 6-9% tổng mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu năng lượng theo Quy hoạch phát triển điện lực TP. Hà Nội giai đoạn 2011-2015

Tiết kiệm từ 6-9% tổng mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu năng lượng theo Quy hoạch phát triển điện lực TP. Hà Nội giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, tương đương từ 0,9-1,4 triệu tấn dầu quy đổi (TOE) là mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2013-2015 đề ra.
317ed1be3_hn_1.jpg

Là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả nước, đang trong giai đoạn phát triển nhanh, nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Hà Nội ở mức rất lớn. Để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thời gian qua, TP. Hà Nội đã ban hành nhiều hoạt động, từ nâng cao nhận thức đến hỗ trợ các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cho các hộ sử dụng năng lượng trên toàn địa bàn. Sau một thời gian triển khai chương trình, đến nay, nhận thức của các DN, cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố đã từng bước được nâng cao, tạo chuyển biến từ nhận thức sang hành động cụ thể. Chỉ tính trong giai đoạn 2006-2010, toàn thành phố đã tiết kiệm được 420 nghìn TOE, tương đương gần 820 tỷ đồng, đồng thời giảm phát thải gần 50 nghìn tấn khí CO 2 , giảm 3,6% lượng năng lượng tiêu thụ so với dự báo nhu cầu. Giai đoạn từ 2011-2012, thành phố cũng tiết kiệm được khoảng 1,7% tổng mức tiêu thụ năng lượng.

Tiếp nối những thành quả của giai đoạn trước, bước sang giai đoạn 2013-2015, Hà Nội đặt ra mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tập trung đặc biệt vào các lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, công trình xây dựng sử dụng nhiều năng lượng, giao thông vận tải, hoạt động dịch vụ, hộ gia đình… Theo đó, trong giai đoạn này, toàn thành phố phấn đấu tiết kiệm từ 6-9% tổng mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu năng lượng theo Quy hoạch phát triển điện lực Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, tương đương từ 0,9-1,4 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).

Để đạt được mục tiêu trên, Sở Công Thương sẽ tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ quản lý năng lượng cho hơn 400 người thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp và khoảng 170 người trong lĩnh vực quản lý, sử dụng các công trình xây dựng. Bên cạnh đó thúc đẩy sử dụng các trang thiết bị có hiệu suất cao, thay thế dần các trang thiết bị có hiệu suất thấp, tiến tới loại bỏ các trang thiết bị có công nghệ lạc hậu; Áp dụng các tiêu chuẩn và định mức kỹ thuật tiên tiến nhằm cải thiện hiệu suất năng lượng để đạt mức giảm ít nhất 10% cường độ năng lượng của các ngành sử dụng nhiều năng lượng.

Đối với các công trình, tòa nhà sử dụng nhiều năng lượng, 100% tòa nhà xây dựng mới hoặc cải tạo lại có quy mô thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn xây dựng Việt Nam “các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” sẽ được thực hiện quản lý bắt buộc theo đúng quy chuẩn. Ngoài ra, 100% công trình chiếu sáng công cộng xây dựng mới sẽ bắt buộc triển khai các giải pháp công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng công cộng, áp dụng chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng.

Với một địa phương có tốc độ phát triển giao thông vận tải mạnh như Hà Nội, giao thông là một trong những lĩnh vực trọng tâm cần thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Theo đó, Hà Nội đặt ra mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng ngày càng cao, tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế gây ô nhiễm môi trường; Đẩy mạnh sử dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu truyền thống.

Là một trong những đối tượng trọng tâm của Chiến lược sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thủ đô, các hộ gia đình được hỗ trợ mua bình nước nóng năng lượng mặt trời (1 triệu đồng/bình); Phát động phong trào hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… Tất cả những giải pháp trên đang được đồng loạt triển khai nhằm đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Hà Nội, từ đó giúp thủ đô thực hiện mục tiêu phát triển mạnh song song với phát triển bền vững.

Theo Báo Mới


Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện