Friday, 29/11/2024 | 00:33 GMT+7

Những câu chuyện về tiết kiệm điện

18/10/2013

Làm thế nào để sử dụng có hiệu quả các nguồn điện đang là vấn đề được đặt ra, đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn xã hội cùng tích cực vào cuộc.

Thực tế, do tốc độ phát triển kinh tế- xã hội ngày càng cao, vì thế nhu cầu sử dụng điện cũng tăng theo. Làm thế nào để sử dụng có hiệu quả các nguồn điện đang là vấn đề được đặt ra, đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn xã hội cùng tích cực vào cuộc. 

2cfdfae31__tietkiemnangluong.jpg
Trong những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của tỉnh Bắc Giang có chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Năng lượng  được sử dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chủ yếu là điện, xăng dầu, than đá, trong đó điện chiếm tỷ trọng lớn. Theo số liệu của cơ quan chuyên môn, chỉ tính riêng  năm 2012, tổng sản lượng điện năng thương phẩm toàn tỉnh là hơn 995 triệu kWh, trong đó điện phục vụ  công nghiệp, xây dựng  chiếm 40,6%, tiêu dùng dân cư 53,7% còn lại là nông, lâm nghiệp, thủy sản, thương mại và dịch vụ. 
 
Nhận thức được ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc tiết kiệm năng lượng nói chung, tiết kiệm điện nói riêng, những năm qua, các địa phương, cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Sở Công thương phối hợp với Công ty Điện lực Bắc Giang tuyên truyền sâu rộng đến các hộ dân các cơ quan, tổ chức trong việc thực hành tiết kiệm điện dưới nhiều hình thức như in phát tờ rơi, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời gặp gỡ tư vấn trực tiếp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh để sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Tuyên truyền tổ chức, cá nhân, tích cực tham gia hưởng ứng chiến dịch "Giờ trái đất" hàng năm do Bộ Công thương phát động. Cùng đó các ngành chức năng tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện  tiết kiệm điện tại các cơ quan, đơn vị.
 
Nhờ  sự chung tay vào cuộc của các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp nên bước đầu việc thực hành tiết kiệm điện đã thu được kết quả đáng ghi nhận. Trong năm 2011 toàn tỉnh tiết kiệm được gần 32 triệu kWh, năm 2012 là hơn 34 triệu kWh, trong đó phải kể đến những mô hình tiết kiệm điện ở những doanh nghiệp lớn.
 
Nhà máy Giấy Xương Giang, thuộc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang bình quân mỗi tháng phải trả khoảng 2 tỷ đồng tiền điện sản xuất. Đây quả là một số tiền không nhỏ, tác động lớn đến chi phí đầu vào sản phẩm. Với phương châm vừa giữ vững tăng trưởng sản xuất, vừa tiết kiệm điện, năm 2012 doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống máy móc nhằm tiết kiệm ở từng khâu sản xuất.

Theo tính toán của doanh nghiệp,  khi đầu tư dây chuyền mới, bước đầu có tốn kém hơn song đã đem lại  hiệu quả kinh tế lâu dài. Hiện tại, mỗi tháng sản lượng điện Nhà máy tiết kiệm được khoảng 10%, tương ứng 200 triệu đồng.
 
Cùng với Nhà máy Giấy Xương Giang, Công ty Cổ phần may Bắc Giang cũng áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm điện.Trước kia toàn bộ khu sản xuất của Công ty sử dụng hệ thống quạt điện để  làm mát cho công nhân, nhưng vài năm gần đây doanh nghiệp đã chuyển sang sử dụng hệ thống dàn hơi nước làm mát, nhờ đó đã  tiết kiệm được 35 % lượng điện so với trước, đồng thời vẫn đảm bảo không khí thoáng đãng, mát mẻ.
                                                  
Mặt khác Công ty Cổ phần may Bắc Giang  mạnh dạn thay thế toàn bộ dây chuyền máy cơ sang máy điện tử. Ưu điểm của những loại máy này là công suất tiêu thụ điện thấp hơn máy cũ, mặt khác có thể tích điện khi máy chưa vận hành. Công ty cũng đã thay thế 100% bóng đèn tuýp bằng bóng đèn compac ở các khu sản xuất. Nếu như trước kia, sản lượng điện  một tháng của Công ty khoảng 550-600 nghìn kwh, tương đương 700 triệu đồng, đến nay mỗi tháng đã tiết kiệm được 100-120 triệu đồng, qua đó góp phần hạ giá thành sản phẩm, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho công nhân.
 
Không chỉ có các doanh nghiệp, phong trào hộ gia đình tiết kiệm điện cũng được tỉnh Bắc Giang quan tâm phát động, đặc biệt là mô hình "Hộ gia đình  sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả" đã và đang được Sở Công thương và Công ty Điện lực Bắc Giang triển khai tích cực  thu hút hàng nghìn hội viên  ở các huyện, thành phố tham gia. Năm 2012, qua khảo sát ở 200 hộ đăng ký mô hình trên địa bàn phường Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang, sản lượng điện tiết kiệm được sau 6 tháng triển khai khoảng 7.500 kwh, tương đương 10 triệu đồng. Mặc dù số tiền chưa phải là nhiều, song đã cho thấy ý thức tiết kiệm điện của người dân bước đầu đã được nâng lên.
 
Gia đình ông Nguyễn Hữu Luận ở tổ dân phố 4A, phường Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang có khoảng 20 thiết bị tiêu thụ điện, trong đó có nhiều thiết bị  công suất lớn như điều hòa, máy giặt, bàn là... Trước kia vào dịp hè, mỗi tháng số tiền gia đình ông phải trả lên tới 600-700 nghìn đồng, song gần một năm nay đã giảm xuống còn khoảng  200-300 nghìn đồng.
 
Bên cạnh những kết quả bước đầu, hiện nay tình trạng sử dụng điện ở một số nơi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn còn lãng phí, nhất là ở khu vực công cộng, trụ sở cơ quan, hệ thống đèn quảng cáo của các công ty, nhà hàng... Nhiều tuyến đường, phố, điện chiếu sáng bật suốt đêm với độ sáng không cần thiết. Không ít đơn vị, cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước vẫn chưa quán triệt nghiêm túc việc thực hành tiết kiệm điện như không tắt các thiết bị điện trước khi ra khỏi phòng làm việc; lạm dụng việc sử dụng điều hòa; chưa tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên. Một bộ phận người dân vẫn chưa hình thành thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong sinh hoạt , nhất là đối với gia đình có thu nhập khá.
 
Theo tập đoàn Điện lực Việt Nam: Mỗi hộ gia đình chỉ cần tắt một bóng đèn trong giờ cao điểm từ 8h-22h sẽ tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước đầu tư cho việc bổ sung, nguồn điện, lưới điện. Số liệu thống kê của Công ty Điện lực Bắc Giang cho thấy: Mỗi năm số tiền điện các hộ gia đình toàn tỉnh phải trả  khoảng 700 tỷ đồng. Như vậy, nếu như mỗi cơ quan, doanh nghiệp nêu cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm sẽ tiết kiệm khoản tiền khổng lồ cho nhà nước và chính mỗi gia đình mình.
 
Dự báo, nhu cầu sử dụng sử dụng điện năng trong tương lai tiếp tục tăng mạnh. Các chuyên gia cảnh báo: Với tốc độ tăng trưởng GDP từ 7,5-8% mỗi năm và nhu cầu sử dụng các thiết bị gia dụng gia đình ngày càng tăng lên, trong khi nguồn năng lượng là hữu hạn, khoảng 8-15 năm nữa  thay vì xuất khẩu dầu thô, than đá, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu. Điều này sẽ tác động lớn đến nền kinh tế của đất nước, đặc biệt đến một lúc nào đó nếu nguồn tài nguyên và năng lượng cạn kiệt thì sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Vì vậy, ngay từ bây giờ mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, mỗi doanh nghiệp và toàn xã hội cùng chung tay trong việc thực hành tiết kiệm điện. Sự vào cuộc tích cực của mỗi cá nhân, tổ chức sẽ là yếu tố quyết định góp phần bảo vệ nguồn năng lượng quốc gia và môi trường sống.

 Theo Báo Bắc Giang