Wednesday, 09/10/2024 | 06:37 GMT+7
Ngày 16/10, tại Hà Nội, Hội thảo Việt - Nhật về thoát nước và xử lý nước thải - Phát triển nguồn nhân lực và hướng tiếp cận các công nghệ mới, tiên tiến trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải diễn ra dưới sự chủ trì của Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng).
Hiện nay, mặc dù Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định trong việc xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật, môi trường, tuy nhiên, những thách thức như cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ, chậm đầu tư mới, cải tạo và nâng cấp còn nhiều hạn chế; thiếu nguồn nhân lực cho đầu tư, quản lý vận hành… đang gây khó khăn cho ngành nước.
Bên cạnh đó, công nghệ trong thoát nước và xử lý nước thải hiện đang tập trung nhiều vào xử lý nước thải. Còn việc quan tâm đổi mới và ứng dụng các công nghệ có liên quan đến thi công xây dựng, lắp đặt, sửa chữa, thay thế, duy tu, duy trì sự hoạt động của hệ thống thoát nước còn nhiều hạn chế.
Do vậy, Hội thảo là dịp để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài nước cùng trao đổi, phân tích để tìm ra giải pháp phát triển nguồn nhân lực về ngành nước. Đồng thời, các chuyên gia Nhật Bản báo cáo công nghệ mới đối với một vài công nghệ đang và sẽ áp dụng tại Việt Nam trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh, việc đào tạo nâng cao năng lực quản lý ngành nước và xử lý nước thải được thực hiện tại nhiều cơ sở ở Việt Nam nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Tập trung xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao là chủ trương, giải pháp đột phá của Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn đến 2020 và tầm nhìn xa hơn.
Ngoài ra, hiện nay, nhiều công nghệ xử lý nước thải không chỉ truyền thống và cả hiện đại đã được sử dụng và đã có những kết quả nhất định. Công tác nghiên cứu, thiết kế, chuyển giao và quản lý vận hành đã không ngừng nâng cao đảm bảo tiếp cận với trình độ các nước trong khu vực.
Tuy nhiên theo một số tổ chức về nước trên thế giới cho rằng có 5 vấn đề lớn mà công nghệ xử lý nước thải trong tương lai cần phải giải quyết đó là: Loại bỏ dưỡng chất đặc biệt phốt pho và nitơ; tiết kiệm năng lượng; phát triển bền vững; xử lý những chất ô nhiễm mới; gắn kết cộng đồng. Chính vì vậy, đổi mới trong ngành công nghệ xử lý nước thải đang đòi hỏi bức thiết để giải quyết các vấn đề ở trên.
Hội thảo có nhiều tham luận được đặc biệt quan tâm, đó là: Tăng cường năng lực để phát triển ngành thoát nước và xử lý nước thải bền vững; thực trạng và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực thoát nước tại Việt Nam; phát triển thoát nước và công nghệ áp dụng tại Nhật Bản…
Kết quả của Hội thảo góp phần vào nhiệm vụ phát triển bền vững hệ thống thoát nước và nâng cao năng lực quản lý hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tại Việt Nam.
Theo Báo Xây Dựng