Friday, 22/11/2024 | 20:06 GMT+7

Đầu tư hiệu quả năng lượng trong ngành Chế biến thực phẩm

29/10/2015

Dự án được triển khai trong giai đoạn 2016 -2020 với tổng ngân sách lên đến 200 triệu USD

Ngày 29/10, Hội thảo khởi động "Dự án Nghiên cứu chiến lược và Xây dựng danh mục dự án đầu tư Hiệu quả năng lượng trong nhành Chế biến thực phẩm với các lợi ích về bảo vệ tầng ozone và khí hậu" diễn ra tại Khách sạn Melia, Hà Nội.Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam (VEEIE) dự kiến được triển khai trong giai đoạn 2016-2020.

Ông Trịnh Quốc Vũ (giữa) đại diện Tổng cục Năng lượng- Bộ Công Thương và đại diện Ngân hàng Thế giới chủ trì hội thảo

Hội thảo khai mạc có sự tham gia của đại diện Ngân hàng Thế giới, Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương, các bộ ban ngành liên quan, các nhà tài trợ và các dự án quốc tế, các hiệp hội, các doanh nghiệp trong ngành chế biến thực phẩm, các viện nghiên cứu, các đơn vị cung cấp dịch vụ tiết kiệm năng lượng.

Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam (VEEIE) cung cấp các khoản vay cho các dự án hiệu quả năng lượng, góp phần đạt mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. Dự án nhằm xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp công nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn tài chính trung và dài hạn thựchiện các dự án tiết kiệm năng lượng, 

Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong khu vực công nghiệp chế biến thực phẩm (CBTP)

Nghiên cứu trong khuôn khổ Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam (VEEIEs) nhằm giảm các chất làm suy giảm tầng ozone chỉ ra rằng: Các công nghiệp cũ, tiêu tốn năng lượng hiện chiếm khoảng 20-30% trong ngành CBTP.  

Theo số liệu của Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng, ngành công nghiệp CBTP chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia, khoảng 3,986 KTOE, chiếm 19,2% tổng mức tiêu thụ năng lượng trong các ngành công nghiệp tại Việt Nam.

Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong ngành thực phẩm là 20%.Dạng năng lượng được sử dụng phổ biến là điện (45%) và nhiên liệu (chủ yếu là than khoảng 21%).

Tuy sở hữu tiềm năng không nhỏ nhưng phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa áp dụng triệt để các phương pháp tiết kiệm năng lượng, hầu hết vẫn sử dụng các thiết bị cũ và kém hiệu quả năng lượng.

Hỗ trợ vốn vay, kỹ thuật cho doanh nghiệp CBTP

Trong khuôn khổ chuẩn bị Dự án, Ngân hàng Thế giới, Tổng cục Năng lượng hiện đang phối hợp triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật "Nghiên cứu chiến lược và xây dựng danh mục dự án đầu tư hiệu quả năng lượng trong ngành Chế biến thực phẩm với các lợi ích bảo vệ tầng ozone và khí hâu".

Mục tiêu của dự án nhằm xác định tiềm năng tiết kiệm và đề xuất lộ trình thực hiện nâng cao hiệu quả năng lượng cho các ngành CBTP tại Việt Nam. Danh mục các dự án đầu tư hiệu quả năng lượng được xác định dựa trên kết quả nghiên cứu và sẽ được WB cho vay ưu đãi từ dự án VEEIEs với tổng ngân sách lên đến 200 triệu USD. Trong phạm vi dự án hỗ trợ kỹ thuật này, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ thực hiện kiểm toán năng lượng, tiếp cận các ngân hàng tham gia để vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn của WB.

Theo kinh nghiệm quốc tế, các nước đang phát triển, tiềm năng cải thiện năng lượng qua đẩy mạnh quản lý năng lượng và cải tổ quy trình sản xuất trong ngành thực phẩm được ước tính ở mức cao, lên tới 40%. Trong đó, tiềm năng tiết kiệm với hệ thống trữ đông, cấp đông, làm lạnh/làm mát  từ 20-40%.

Việc nâng cao hiệu quả năng lượng trong sản xuất cũng góp phần loại bỏ dần các thiết bị cũ; từ đó, giảm phát thải khí nhà kính, ngăn chặn nguy cơ nóng lên toàn cầu.

Yến Lê