Friday, 15/11/2024 | 16:41 GMT+7

Tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo

26/08/2016

Ngày 25/8, tại Hà Nội, Báo Công Thương đã phối hợp với Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương tổ chức "Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2016: Thách thức cho phát triển bền vững".

Ngày 25/8, tại Hà Nội, Báo Công Thương đã phối hợp với Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương tổ chức "Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2016: Thách thức cho phát triển bền vững".

Việt Nam sẽ tập trung tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Nguồn: TTXVN

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu tiêu thụ điện năng của Việt Nam đã tăng trưởng trung bình 13,07%/năm trong giai đoạn 2006-2010 và khoảng 11%/năm trong các năm 2011 đến 2015.

Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đề ra mục tiêu phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, năm 2015, tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc của Việt Nam là khoảng 55 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2020 đạt khoảng 100-110 triệu TOE năng lượng sơ cấp và khoảng 310-320 triệu TOE vào năm 2050.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức trong lĩnh vực năng lượng. Đó là nhu cầu năng lượng tăng trưởng cao gây áp lực lớn đến việc đảm bảo an ninh năng lượng, sức ép cho nền kinh tế về vốn đầu tư cho ngành này.

Ngoài ra, Việt Nam hiện nay đang chuyển đổi từ một nước xuất khẩu năng lượng thành một nước nhập khẩu với dự kiến nhập khẩu khoảng 17 triệu tấn than, chiếm 31% nhu cầu than cho phát triển điện vào năm 2020.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam lưu ý: ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra tình trạng xung đột cung - cầu năng lượng. Giá điện ở Việt Nam thấp, khuyến khích người tiêu dùng nhưng lại không khuyến khích sản xuất năng lượng.

Chính vì vậy, ngành năng lượng cần đặt mục tiêu bao nhiêu năm sẽ thay đổi được cơ chế giá. Cùng với đó, cơ chế thị trường cần thay đổi cơ bản nhưng không gây xung đột xã hội bởi giá điện mang tính chính trị rất cao.

Trước những thách thức này, ông Lê Tuấn Phong nhấn mạnh, Việt Nam cần nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện việc hoạch định chiến lược phát triển ngành năng lượng, quy hoạch năng lượng, tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo và thúc đẩy các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Nói thêm về lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kế hoạch, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đặt ra chiến lược phát triển năng lượng tái tạo bằng việc huy động mọi nguồn lực, có giá cả hợp lý.

Bên cạnh đó, gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo theo lộ trình, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2020 hầu hết các hộ dân Việt Nam có điện, đến năm 2030 được tiếp cận dịch vụ năng lượng hiện đại, bền vững, giá hợp lý. Giảm phát thải khí nhà kính 5% vào năm 2020, và 45% năm 2050. Tăng tỷ lệ số hộ sử dụng thiết bị năng lượng mặt trời từ 4,3% năm 2015 lên 50% vào năm 2050.

Theo bnews.vn