Friday, 15/11/2024 | 15:49 GMT+7

Nhà đầu tư bắt đầu quan tâm đến... năng lượng tái tạo

04/07/2017

Việt Nam cần đầu tư khoảng 74 tỉ đô la Mỹ để xây dựng các nhà máy năng lượng từ nay đến năm 2025 nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện được dự báo sẽ tăng cao trong khoảng 10 năm tới.

Việt Nam cần đầu tư khoảng 74 tỉ đô la Mỹ để xây dựng các nhà máy năng lượng từ nay đến năm 2025 nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện được dự báo sẽ tăng cao trong khoảng 10 năm tới. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư bắt đầu quan tâm đến việc rót vốn vào các dự án năng lượng tái tạo, theo thông tin từ hội nghị khách hàng ngành năng lượng do Tập đoàn Thành Thành Công tổ chức tại TPHCM sáng nay (30-6-2017).

Một dự án điện gió đang hoạt động tại Bình Thuận - Ảnh: Văn Nam

Theo định hướng phát triển ngành năng lượng của Việt Nam, dự kiến công suất điện sẽ tăng 14% mỗi năm trong giai đoạn 2015 – 2030, trong đó sẽ tập trung thúc đẩy đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Điều này phù hợp với xu hướng thế giới khi chỉ trong vài năm gần đây, thế giới đã chứng kiến sự rót vốn đến 200 tỉ đô la Mỹ vào các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời…

Tại hội nghị khách hàng ngành năng lượng sáng nay, nhiều doanh nghiệp thông tin sẽ đầu tư nhiều dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn tại Việt Nam trong thời gian tới.

Cụ thể, Tập đoàn Thành Thành Công cho biết đến năm 2020, doanh nghiệp này dự tính đạt công suất 1.000 MW điện mặt trời, 40 MW điện gió, 222 MW thủy điện, 150 MW nhiệt điện.

Ông Thái Văn Chuyện, Tổng giám đốc Thành Thành Công, cho biết doanh nghiệp này đã lên kế hoạch triển khai 20 dự án điện mặt trời tại Tây Ninh với công suất 324 MW, tại Bình Thuận 300 MW, tại Ninh Thuận 300 MW, tại Huế 30 MW, Gia Lai 49 MW với suất đầu tư tối đa 20 tỉ đồng cho mỗi MW công suất và thời gian hoàn vốn mỗi dự án dưới 12 năm. Dự kiến, những dự án nói trên  khởi công từ quí 4-2017 trở đi.

Thành Thành Công đang vận hành 15 dự án thủy điện trên cả nước với tổng công suất gần 140 MW, nhiều nguồn nhiệt điện từ các nhà máy đường với công suất khoảng 150 MW, lắp đặt nhiều hệ thống năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ông Yasushi Ujioka, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEC) – đơn vị thành viên trực thuộc Thành Thành Công, cho biết hiện tổng công suất năng lượng tái tạo tại khu vực Đông Nam Á đạt khoảng 4 GW, chiếm 0,5% tổng nguồn năng lượng tái tạo thế giới. Các nước trong khu vực này đặt mục tiêu nâng tỷ lệ công suất năng lượng tái tạo tiềm năng từ mức dưới 10% hiện nay lên 23% vào năm 2025.

Cuối tháng 4-2017 vừa qua, hoạt động đầu tư vào nguồn năng lượng sạch tại Bình Thuận bắt đầu tăng nhiệt khi có nhiều nhà đầu tư được chính quyền tỉnh này chấp thuận chủ trương đầu tư vào các dự án điện gió, điện mặt trời tại các vùng ven biển như Tuy Phong, Vĩnh Hảo, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam...

Cụ thể, trong số 36 dự án được các nhà đầu tư đặt bút ký thỏa thuận đầu tư và được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư tại Bình Thuận, có tới 15 dự án nhà máy điện mặt trời. Những dự án quy mô lớn sắp đầu tư gồm: Nhà máy Eco Seido Tuy Phong (giai đoạn 1) công suất 40 MW, vốn 1.650 tỉ đồng; Nhà máy Vĩnh Hảo công suất 30 MW, vốn 1.180 tỉ đồng; Nhà máy VSP Bình Thuận 2 công suất 30 MW, vốn 1.180 tỉ đồng; Nhà máy Hồng Phong 1 công suất 130 MW, vốn đầu tư 4.920 tỉ đồng; Hồng Phong 2 công suất 120 MW, vốn đầu tư 4.560 tỉ đồng.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư khác cũng đã ký thỏa thuận đầu tư điện mặt trời tại đây, như tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, Công ty cổ phần Việt REN, Công ty cổ phần Năng lượng Mặt Trời Đỏ, Công ty cổ phần Năng lượng Everich, Liên doanh Công ty cổ phần Năng lượng Dầu khí Châu Á và Tập đoàn Valeco (Pháp), Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai, Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai, Liên doanh Tập đoàn Solar Ventures và Công ty cổ phần Clean Energy ...

Một số khó khăn mà các nhà đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam vướng phải trong thời gian qua như thủ tục pháp lý, đất đai, giá bán điện, huy động vốn...  đang từng bước được tháo gỡ. 

Theo thesaigontimes