Monday, 13/01/2025 | 09:24 GMT+7
Việc sáng tạo slogan là công việc không hề dễ dàng với bất cứ nhà sáng tạo thương hiệu nào. Một slogan thành công là một sản phẩm xuất chúng, gắn liền với thương hiệu qua năm tháng và trở thành một phần trong cuộc sống tiêu dùng (nếu slogan may mắn cất cánh cùng thương hiệu). Tất nhiên, nó cũng khẳng định tài năng và giá trị của nhà sáng tạo.
Có khá nhiều nguyên tắc để tạo ra một slogan "để đời" cho thương hiệu. Dưới đây là một số nguyên tắc vàng mà các chuyên gia sáng tạo slogan hàng đầu khẳng định là luôn đúng.
1. Ngắn gọn và đơn giản
Đây là nguyên tắc đầu tiên và cơ bản nhất mà hầu như nhà sáng tạo slogan nào cũng sử dụng. Hãy cố gắng giữ cho slogan của bạn không dài hơn 10 từ, lý tưởng nhất là trong khoảng 6-8 từ.
Slogan “What Happens Here, Stays Here” của bang Las Vegas đã được rút ngắn từ “Whatever you do while you’re in Las Vegas, Stays in Las Vegas”. Rõ ràng, nó ngắn, dễ nhớ và hiệu quả hơn.
2. Thống nhất
Chẳng có gì chán hơn việc logo và slogan, 2 đại diện thương hiệu, đi cạnh nhau mà như ông nói gà bà nói vịt. Điều này sẽ làm khách hàng lúng túng không biết thương hiệu của bạn muốn nói điều gì. Vì vậy, hãy đặt nguyên tắc THỐNG NHẤT lên hàng đầu!
General Electric, thương hiệu đồ điện nổi tiếng xứ cờ hoa, thu hút sự chú ý của công chúng bằng slogan “Imagination at Work”, đi kèm với logo mạnh mẽ, tôn vinh trí tưởng tượng và sự đổi mới.
3. Tập trung vào điểm khác biệt
Giống như thi hoa hậu, cần hiểu điểm khác biệt độc đáo của thương hiệu mình và tôn nó lên, nếu không công chúng sẽ lãng quên bạn giữa một “rừng hoa”.
Crossoak Family Dentistry, một phòng khám nha khoa tại USA, khiến khách hàng không thể quên mình với slogan “We cater to cowards” (Chúng tôi quan tâm những người nhát gan). Hẳn rồi, ai đến nha sỹ chả thành kẻ nhát gan chứ?
4. Khiến nó trường tồn với thời gian
Khi sáng tạo một khẩu hiệu, bạn cần nghĩ đến sự trường tồn của nó. Đó là lý do tại sao các cụm từ như "duy nhất”, “số một” khá rủi ro, đặc biệt trong những lĩnh vực thay đổi nhanh chóng như công nghệ. Hãy sử dụng những từ ngữ có thể chịu đựng được thử thách của thời gian, như Rolaids và “How Do You Spell Relief?”
5. Cân nhắc công chúng mục tiêu
Cần cân nhắc tới công chúng mục tiêu khi sáng tạo slogan. Slogan dành cho địa phương, quốc gia hay quốc tế? Đó là lý do sử dụng ngôn ngữ điạ phương có thể rất hiệu quả cho thị trường hẹp, nhưng không hữu dụng cho đối tượng công chúng với quy mô quốc gia hay quốc tế. Nếu thương hiệu mở rộng ra quốc tế, hãy cân nhắc việc dịch slogan sang một ngôn ngữ khác có thể làm thay đổi đáng kể ý nghĩa của nó.
Khi KFC ra mắt tại Trung Quốc, slogan của họ “Finger Lickin’ Good” được dịch thành “Eat Your Fingers Off”, nghe bớt ngon miệng hẳn.
6. Vẫn ổn khi đứng một mình
Slogan tốt không nên giống như một “câu đố”. Nó cần cho người xem biết thương hiệu là gì mà không cần thêm bất kỳ thông tin nào. Ví dụ: “The best place for cartoons” của Cartoon Network cho mọi người biết chính xác những gì họ sẽ nhận được khi theo dõi.
7. “Thử” trước khi làm “thật”
Sáng tạo slogan là quá trình của riêng bạn nhưng mục đích của nó là dành cho số đông. Có những slogan có thể rất hay với nhóm này, nhưng lại gây phản cảm với nhóm đối tượng khác. Để tránh sai lầm, hãy thử nghiệm ý tưởng của bạn trong một nhóm nhỏ, trên các diễn đàn, mạng xã hội... để thử phản ứng. Sau khi cải tiến, chắc chắn hơn về hiệu quả của nó rồi đưa đứa con tinh thần của mình ra công chúng vẫn chưa muộn.
Cuối cùng, nếu bạn có ý tưởng và yêu thích việc sáng tạo slogan, hãy tham gia ngay cuộc thi Sáng tạo logo và slogan về tiết kiệm điện do Bộ Công Thương tổ chức. Tổng giá trị giải thưởng lên tới 135 triệu đồng! Thời gian tiếp nhận hồ sơ sẽ kết thúc vào 17h00 ngày 05/12/2020.
Thêm thông tin về cuộc thi Nhằm lan tỏa thông điệp của Chỉ thị 20/CT-TTg (Chỉ thị 20) về tăng cường tiết kiệm điện, đồng thời cũng là gìn giữ tài nguyên, môi trường cho thế hệ tương lai... trong cộng đồng xã hội, Bộ Công Thương chính thức phát động cuộc thi "Sáng tạo logo và slogan về tiết kiệm điện". Cơ cấu giải thưởng của cuộc thi gồm: - 01 Giải Nhất (bao gồm cả logo và slogan): trị giá 50.000.000 VNĐ kèm chứng nhận của Bộ Công Thương. - 10 Giải Khuyến khích: trị giá 7.000.000 VNĐ/giải kèm chứng nhận của Bộ Công Thương. - 01 Giải thưởng dành cho tổ chức có số lượng tham gia nhiều nhất trị giá 10.000.000 VNĐ kèm chứng nhận của Bộ Công Thương. - 01 Giải thưởng khán giả bình chọn nhiều nhất (qua fanpage cuộc thi): trị giá 5.000.000 VNĐ kèm chứng nhận của Bộ Công Thương Bài dự thi gửi về: Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương Địa chỉ: Phòng 305, 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội Mọi thắc mắc liên hệ bà Nguyễn Thị Hà - 02437756883/0389913780; Email: vneec.gov@gmail.com Theo dõi để biết thêm thông tin chi tiết qua Fanpage cuộc thi: https://www.facebook.com/tietkiemnangluong.com.vn |
Thanh Thanh tổng hợp