Monday, 23/12/2024 | 21:09 GMT+7

Quản lý năng lượng hiệu quả cho doanh nghiệp theo tiêu chuẩn ISO 50001

04/11/2021

Khai thác và sử dụng năng lượng chưa hợp lý là nguyên nhân dẫn đến chi phí dành cho năng lượng ngày càng tăng tại các doanh nghiệp. Để góp phần giải quyết thách thức này, Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 là một công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp quản lý năng lượng (QLNL) theo hướng bền vững.

Tiêu chuẩn ISO 50001 là tiêu chuẩn quốc tế về Hệ thống quản lý năng lượng do tổ chức ISO xây dựng và ban hành. Mục đích của tiêu chuẩn quốc tế này nhằm giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập các hệ thống và quá trình cần thiết để cải tiến hiệu suất năng lượng, bao gồm việc sử dụng, tiêu thụ và hiệu quả năng lượng. 
Ths. Bùi Thanh Hùng - Bộ môn Hệ thống năng lượng Nhiệt, Viện KH&CN Nhiệt - Lạnh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - chuyên gia xây dựng và triển khai hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 đã chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp khi áp dụng cũng như đưa ra một số giải pháp thúc đẩy triển khai Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 trong thời gian tới.
Ths. Bùi Thanh Hùng - Bộ môn Hệ thống năng lượng Nhiệt, Viện KH&CN Nhiệt - Lạnh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
Xin ông cho biết thực trạng triển khai hệ thống QLNL theo tiêu chuẩn ISO 50001 trong các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam hiện nay? 
Ths. Bùi Thanh Hùng:
Tiêu chuẩn ISO 50001 được Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) công bố ngày 15 tháng 6 năm 2011. ISO 50001 hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp cải thiện hiệu quả quản lý năng lượng đồng thời tối ưu hóa hoạt động năng lượng ở tất cả các quy trình.
Tại Việt Nam, bộ tiêu chuẩn về hệ thống QLNL tương ứng tiêu chuẩn ISO 50001 cũng đã được xây dựng và ban hành bao gồm: Bộ tiêu chuẩn TCVN ISO 50001:2012 (ban hành năm 2012), TCVN ISO 50001:2019 (ban hành năm 2019).
Nhằm giúp doanh nghiệp quản lý năng lượng theo hướng bền vững, Bộ Công Thương đã ban hành các Thông tư qui định định mức tiêu hao năng lượng cho các ngành sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng như: ngành sản xuất giấy, ngành sản xuất thép, ngành sản xuất bia và nước giải khát…Trong các Thông tư đã qui định suất tiêu hao năng lượng cụ thể cho giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2025. Đồng thời Bộ Công Thương hướng dẫn các doanh nghiệp cách thức xác định các suất tiêu hao năng lượng, các giải pháp tiết kiệm năng lượng, áp dụng hệ thống đo lường theo dõi tiêu thụ năng lượng và khuyến nghị áp dụng hệ thống QLNL theo ISO 50001. 
Ở cấp trung ương, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) triển khai dự án “Thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hóa hệ thống và các tiêu chuẩn quản lý năng lượng tại Việt Nam”, trong đó có hợp phần về nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp công nghiệp để áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 được thực hiện trong giai đoạn 2011-2015. Trong khuôn khổ Dự án, 14 doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn ISO 50001.
Ở cấp địa phương, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và Sở Công Thương một số tỉnh thành phố đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật giúp các doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001. Kết quả, nhiều doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và áp dụng hệ thống QLNL theo TCVN ISO 50001, một số doanh nghiệp trong số đó đã đồng thời được cấp chứng chỉ ISO 50001. 
Theo thống kê của tổ chức ISO, đến tháng 9/2021, Việt Nam đã có 74 đơn vị được cấp chứng chỉ ISO 50001. Có thể kể đến như: Công ty Diesel Sông Công, Công ty Vinamilk, Công ty Xi măng Vicem Tam Điệp, Công ty Sản xuất thức ăn chăn nuôi CP, Công ty CP lương thực thực phẩm Colusa-MILIKET, các công ty thuộc Tập đoàn Prime…
Tư vấn, đào tạo áp dụng hệ thống QLNL theo ISO 50001 tại doanh nghiệp sản xuất xi măng
Rõ ràng, áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Vậy, khó khăn và trở ngại đối với doanh nghiệp khi áp dụng là gì? 
Ths. Bùi Thanh Hùng:
Khó khăn lớn nhất là doanh nghiệp còn ngần ngại triển khai do chi phí cần thiết để xây dựng và áp dụng hệ thống QLNL theo ISO 50001 bao gồm như: chi phí tư vấn, chi phí cho các thiết bị đo đếm, chi phí đào tạo nhân lực, chi phí triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng… Chi phí này đối với nhiều doanh nghiệp là đáng kể trong khi nhìn về ngắn hạn thì lợi ích trực tiếp chưa thấy rõ.
Trong các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm đều có các cán bộ, chuyên viên phụ trách kỹ thuật hoặc liên quan đến năng lượng. Tuy nhiên do số lượng nhân sự hạn chế, tại nhiều doanh nghiệp các cán bộ phụ trách kỹ thuật phải kiêm nhiệm nhiều công việc. Do vậy việc bổ nhiệm 1 cán bộ chuyên trách thực sự về năng lượng hoặc lập 1 tổ/nhóm chuyên trách về năng lượng là khó khăn. Bên cạnh đó, kiến thức, kỹ năng về tiết kiệm năng lượng, QLNL của phần lớn các nhân sự quản lý trong doanh nghiệp cũng hạn chế.
Đội ngũ tư vấn áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 thiếu và yếu; thị trường dịch vụ tiết kiệm năng lượng ESCO chưa phát triển cũng là những yếu tố gây trở ngại cho việc áp dụng hiệu quả hệ thống QLNL tại các doanh nghiệp.
Ông có lời khuyên nào dành cho các doanh nghiệp đang muốn triển khai và áp dụng hệ thống QLNL theo tiêu chuẩn ISO 50001?
Ths. Bùi Thanh Hùng:
Doanh nghiệp đang muốn triển khai áp dụng hệ thống QLNL tức là Ban lãnh đạo doanh nghiệp đã có nhận thức về lợi ích của hệ thống quản lý năng lượng và có quyết tâm thực hiện. Đây là điều kiện tiên quyết để việc triển khai áp dụng QLNL thành công.
Tư vấn, đào tạo áp dụng hệ thống QLNL theo ISO 50001 tại doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát
Việc triển khai cụ thể hệ thống QLNL theo ISO 50001 đòi hỏi doanh nghiệp phải bố trí nguồn lực đáng kể về tài chính, nhân lực, thiết bị… Doanh nghiệp cần thiết lập 1 cơ cấu tổ chức về quản lý năng lượng, xây dựng các tài liệu quản lý năng lượng, trang bị các công cụ theo dõi, đánh giá hiệu quả năng lượng, áp dụng các giải pháp, thiết bị tiết kiệm năng lượng… Khối lượng công việc được triển khai khá lớn, phức tạp, liên quan đến gần như mọi khía cạnh sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Do vậy doanh nghiệp nên lựa chọn các đơn vị tư vấn uy tín, có kinh nghiệm nhằm giúp DN xây dựng và áp dụng thành công hệ thống QLNL. Theo kinh nghiệm, sau 1 năm áp dụng hệ thống QLNL theo ISO 50001 doanh nghiệp sẽ bắt đầu hái được quả ngọt, đó là lợi ích tiết kiệm năng lượng thực sự, ý thức của người lao động được nâng cao, văn hóa tiết kiệm và sử dụng hợp lý tài nguyên được hình thành…
Vậy theo ông, giải pháp để thúc đẩy triển khai hệ thống QLNL theo tiêu chuẩn ISO 50001 trong thời gian tới là gì?
Ths. Bùi Thanh Hùng:
Sau hơn 10 năm triển khai, hệ thống QLNL theo ISO 50001 đang dần trở thành xu thế trong các doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả thực hiện thì Nhà nước cần định hướng triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp sau: 
- Sớm xây dựng và ban hành đủ các tài liệu tiêu chuẩn Việt Nam về QLNL theo các tiêu chuẩn QLNL quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và các tổ chức liên quan trong việc triển khai hệ thống QLNL, đó là các tiêu chuẩn ISO 50002, ISO 50003, ISO 50004…
- Tổ chức xây dựng, biên soạn các tài liệu hướng dẫn chi tiết áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 cho các ngành nghề khác nhau.
- Xây dựng các chính sách ưu đãi: doanh nghiệp đã áp dụng tiêu chuẩn này được ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi về tiết kiệm năng lượng, ưu tiên tham gia các chương trình nâng cao năng lực…
- Tăng cường tổ chức các chương trình, dự án nhằm nâng cao năng lực và phát triển đội ngũ tư vấn xây dựng hệ thống QLNL theo ISO 50001, nâng cao năng lực cho các cán bộ QLNL tại các doanh nghiệp, nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo doanh nghiệp về sự cần thiết và lợi ích của tiêu chuẩn ISO 50001...
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc tuân thủ các nghĩa vụ về tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp, trong đó có nghĩa vụ về áp dụng hệ thống QLNL.
Xin cảm ơn ông !
Kinh nghiệm tham gia thực hiện kiểm toán năng lượng và tư vấn xây dựng ISO 50001:
Tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu “Nghiên cứu ứng dụng hệ thống quản lý năng lượng bền vững theo tiêu chuẩn ISO 50001”, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. 2012.
Kiểm toán năng lượng cho hàng trăm đơn vị bao gồm các tòa nhà, công trình xây dựng, doanh nghiệp trên cả nước: tòa nhà Vincom Bà Triệu (2016); Tổng công ty hàng không Việt Nam (2018); Trụ sở Đài truyền hình Việt Nam (2018); Tòa nhà Trụ sở Kho bạc nhà nước (2018); Công ty Liên doanh khách nghị Almaz (2020); Công ty TNHH Thép Kyoei Việt Nam (2012); Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp (2012, 2018); Công ty TNHH Phụ tùng xe máy ô tô Showa Việt Nam (2014); Công ty TNHH Công nghiệp Giầy Aurora Hải Phòng (2013); Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân (2015); Công ty CP Acecook Việt Nam tại Hưng Yên (2015); Công ty CP xi măng Vissai (2016); Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (2018); Công ty CP Cảng Hải Phòng (2018); Công ty Phân bón Ba con cò (2019); Công ty Framas (2019); Công ty Dệt nhuộm Hưng Yên (2020); Công ty UIL (2021); Công ty Nhiệt điện Phả Lại (2015); Công ty Nhiệt điện Quảng Ninh (2016); Công ty Nhiệt điện Hải Phòng (2014, 2015, 2017); Công ty Nhiệt điện Ninh Bình (2017); Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn (2017); Công ty Nhiệt điện Uông Bí (2016, 2020).
Tư vấn xây dựng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 cho các đơn vị: Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, Công ty CP Prime Tiền Phong, Công ty Thép Nhật Quang, Công ty C.P Hải Dương, Công ty Dược Hà Tây, Công ty Dây cáp điện Ngọc Khánh, Công ty Nhiệt điện Mạo Khê, Công ty Nhiệt điện Hải Phòng.
Mai Anh