Friday, 22/11/2024 | 19:15 GMT+7

Doanh nghiệp sản xuất tại Lạng Sơn đồng bộ các giải pháp tiết kiệm năng lượng

20/05/2022

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã và đang chủ động các biện pháp nhằm giảm thiểu mức độ sử dụng năng lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất, hướng đến mục tiêu hoạt động hiệu quả, bền vững.

Là một trong những doanh nghiệp khai thác khoáng sản lớn nhất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, hằng năm, Công ty Than Na Dương sử dụng 2 loại năng lượng chính là dầu diesel và điện năng. Những năm gần đây, công ty đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Ông Đỗ Tiến Văn, Phó Giám đốc Công ty Than Na Dương cho biết: Đơn vị đã áp dụng mô hình quản lý năng lượng trong sản xuất để tiết kiệm. Theo đó, chúng tôi đang dần thay thế các loại máy móc, xe vận chuyển cũ bằng các phương tiện mới, sử dụng công nghệ tiết kiệm nhiên liệu. Đồng thời, phân loại máy móc, thiết bị theo thời gian vận hành (3 giai đoạn) để đánh giá mức độ tiêu thụ nhiên liệu, từ đó, có giải pháp thay thế, bảo dưỡng kịp thời.
Ngoài ra, công ty còn thay thế các thiết bị thắp sáng tại khu vực sản xuất bằng các loại thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời. Đồng thời, ban hành nội quy sử dụng điện tập trung vào các giờ thấp điểm để giảm mức giá. Theo kế hoạch năm 2021, chi phí năng lượng đơn vị cần sử dụng khoảng 80 tỷ đồng (trong đó, chi phí dầu diesel trên 70 tỷ đồng; chi phí điện năng trên 8 tỷ đồng), nhờ thực hiện các giải pháp tiết kiệm, công ty đã tiết giảm được hơn 11 tỷ đồng chi phí dầu diesel và trên 500 triệu đồng chi phí tiêu thụ điện. Theo kế hoạch năm 2022, đơn vị phấn đấu tiết kiệm khoảng 13 tỷ đồng chi phí năng lượng.
Sản xuất xe điện tại Công ty TNHH MTV Xe điện DK Việt Nhật
Tương tự, Công ty TNHH MTV Xe điện DK Việt Nhật cũng chủ động thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng ngay từ khi đi vào hoạt động. Bà Bùi Thị Bích Đào, Giám đốc công ty cho biết: Do loại năng lượng chính công ty sử dụng là điện năng, nên ngay từ khâu thiết kế nhà xưởng, chúng tôi đã bố trí hệ thống cấp nhiệt, điều hòa, thông gió một cách khoa học. Đồng thời, sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện năng thấp. Ngoài ra, chúng tôi sử dụng 100% hệ thống đèn LED siêu tiết kiệm để thắp sáng trong khu vực sản xuất. Đối với nhân viên, người lao động, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, quán triệt nội quy sử dụng hiệu quả, an toàn và tiết kiệm điện qua hệ thống loa và các bảng nội quy. Nhờ đó, công ty tiết kiệm được 20% điện năng so với kế hoạch.
Trên đây chỉ là 2 trong số các doanh nghiệp đã và đang thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Theo thống kê của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 170 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. So với các doanh nghiệp khác, đây là các doanh nghiệp trọng điểm về sử dụng năng lượng. Theo đánh giá, những năm qua, hầu hết các doanh nghiệp trên đều thực hiện xây dựng kế hoạch năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cụ thể đối với từng nguồn năng lượng. Dựa trên kế hoạch, các doanh nghiệp đã triển khai một cách nghiêm túc, bài bản. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp đã tiết kiệm từ 2 đến 3% mức tiêu thụ năng lượng mỗi năm. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít doanh nghiệp chưa nhận thức đúng đắn và chưa chủ động các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Do đó, những năm qua, Sở Công Thương Lạng Sơn đã triển khai một số giải pháp nhằm tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả việc tiết kiệm năng lượng. Cụ thể, từ năm 2017 đến năm 2020, Sở Công Thương đã tổ chức 2 hội nghị tập huấn và 3 hội thảo chuyên đề về nội dung sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan thực hiện tuyên truyền về sản xuất sạch hơn. Trong đó, nội dung chính của các hoạt động trên đều tập trung vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu trong doanh nghiệp; phối hợp xây dựng 6 phóng sự truyền hình, phát trên 300 cuốn tài liệu và hơn 3.000 tờ rơi đến các doanh nghiệp. Ngoài ra, từ 2020 đến nay, Sở Công Thương hỗ trợ 2 doanh nghiệp điểm trên địa bàn thực hiện đánh giá sản xuất sạch hơn để nhân rộng. Từ đó, 2 doanh nghiệp trên đã triển khai một số giải pháp như thay thế trang thiết bị, cải tạo dây chuyền sản xuất, xây dựng và triển khai kế hoạch tiết kiệm năng lượng hằng năm.
Từ năm 2021, các nội dung của chương trình sản xuất sạch hơn được thực hiện gắn với Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Theo đó, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Dựa trên kế hoạch đề ra, Sở Công Thương đã và đang triển khai tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn. Trong đó, tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Về nội dung, chiến lược tập trung vào việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nhiên vật liệu và năng lượng chủ yếu trong hoạt động sản xuất.
Ông Lã Đức Đoàn, Phó Trưởng Phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết: Nhìn chung, các doanh nghiệp sản xuất sau khi được tuyên truyền, tập huấn đều đã chủ động nghiên cứu, triển khai một số giải pháp tiết kiệm năng lượng. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai tuyên truyền, vận động doanh nghiệp áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, trong đó, tập trung vào tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu với mục tiêu tiết kiệm từ 7 đến 8 % mức tiêu hao.
Có thể thấy, các giải pháp tiết kiệm năng lượng được áp dụng tại các doanh nghiệp sản xuất trong thời gian vừa qua đã có hiệu quả rõ rệt, góp phần giảm thiểu chi phí và tăng hiệu suất sản xuất. Trong bối cảnh mức giá các nguồn nhiên liệu, năng lượng tăng cao như hiện nay, các doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động về kế hoạch sử dụng năng lượng, không ngừng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng. Từ đó, góp phần giúp các doanh nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững.
Theo: Báo Lạng Sơn