Monday, 23/12/2024 | 12:07 GMT+7

Văn phòng tiết kiệm năng lượng tổ chức kiểm tra tiến độ các dự án trong khổ chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

23/07/2007

(BCN) - Sáng ngày 19/7/2007, Văn phòng tiết kiệm năng lượng - Bộ Công nghiệp đã tổ chức kiểm tra tiến độ dự án “Phát triển loại công trình khí sinh học tiết kiệm năng lượng quy mô công nghiệp”. Dự án được triển khai trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình Mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Chủ nhiệm dự án, ông Nguyễn Quang Khải đã báo cáo hoạt động triển khai và đưa đoàn kiểm tra đi thăm quan thực tế hai mô hình áp dụng hầm ủ khí sinh học Biogas: quy mô hộ gia đình và quy mô công nghiệp.

Dự án được triển khai thí điểm tại xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây. Làm việc với Ban lãnh đạo xã, đoàn kiểm tra được biết, tại xã có hơn 600/2000 hộ dân đã lắp đặt và hiện đang sử dụng hầm biogas phục vụ hai mục đích chính là đun bếp và dùng cho phát sáng.

 

Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 10.000 đầu lợn, 1000 bò và gần 30.000 gia cầm. Đồng chí chủ tịch xã cho biết, hầm ủ khí sinh học đã được áp dụng khá phổ biến trong xã với mô hình KT1 và KT2. Đây là hai mô hình được xây dựng và thiết kế theo tiêu chuẩn ngành về khí sinh học do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Tuy nhiên, qua quá trình sử dụng, người dân nhận thấy một số nhược điểm: toàn bộ hầm xây bằng xi măng bê tông, nắp và hầm được gắn với nhau bằng đất sét, nói chung kỹ thuật khá phức tạp mà chất lượng khó được đảm bảo do thiếu thợ, chi phí cao đôi khi do nguyên liệu không đảm bảo, thiếu đất sét và chất phụ gia chống thấm dẫn đến hiện tượng khí thoát, hầm hoạt động không hiệu quả. Hiện nay tác giả Nguyễn Quang Khải đã thiết kế mô hình KT31, khắc phục được những hạn chế của KT1 và KT2 với kết cấu gồm một bể duy nhất xây bằng gạch và một vòm làm bằng nhựa composit chia làm 3 ngăn với chức năng: phân huỷ chất thải, chứa khí và điều áp. Mô hình KT31 cho thấy nhiều ưu điểm: vòm chứa khí bằng vật liệu mới, sản xuất công nghiệp, kín khí tuyệt đối; kết cấu gọn, tiết kiệm mặt bằng; xây lắp dễ dàng, nhanh chóng, vòm dễ lắp đặt và tháo mở nên vận hành bảo dưỡng thuận tiện và an toàn; dễ lấy váng và lắng cặn, dễ nạp thực vật để kết hợp sản xuất phân bón...

 

Đoàn kiểm tra cũng đã trực tiếp đến thăm xưởng sản xuất vòm composit, đồng chí phụ trách xưởng cho biết xưởng có thể sản xuất 20 vòm/ tuần với chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn OTK. Vòm được sản xuất bằng nhựa composit phủ lên hai lớp lưới thuỷ tinh (hai lớp lưới, một lớp nền), cho kết cấu gọn nhẹ và rất thuận lợi cho công tác lắp đặt và vận chuyển đến công trình. Ngoài sản xuất phục vụ cho bà con trong xã, sản phẩm vòm hầm biogas còn được xuất bán tại nhiều tỉnh trong cả nước.

 

Trong thời gian đầu, Dự án chủ trương hỗ trợ cho 20 hộ lắp đặt hầm theo kỹ thuật KT31 nhưng đã có tới hơn 80 hộ đăng ký tham gia. Qua dự án phát triển hầm ủ khí sinh học do chính phủ Hà Lan tài trợ trước đây, bà con đã thấy được công nghệ tiến bộ, đem lại nhiều lợi ích thiết thực nên nhiều hộ phấn khởi, mong muốn dự án hỗ trợ hơn nữa để bà con mở rộng và phát triển mô hình sử dụng hầm ủ khí sinh học này.

 

Theo tính toán, mỗi hộ chỉ cần nuôi 3 con lợn (hoặc bò) là đã có thể đảm bảo lượng khí dùng cho bếp đun và một phần điện thắp sáng. Hiện nay, hầm chuẩn có hai kích thước: đường kính 1,8m và 2,2m với mặt bằng yêu cầu là 6x3,5m (đối với KT1&KT2) và 3,5x3,5m (đối với KT31). Sau khi đăng ký, mỗi hộ gia đình đều được phát một cuốn sách hướng dẫn để bà con có thể lựa chọn kích thước và vị trí xây hầm sao cho phù hợp nhất với điều kiện gia đình. Đến cuối tháng 8/2007, khi việc xây hầm được hoàn tất, cán bộ dự án sẽ mời bà con tham gia buổi tập huấn để cung cấp thêm cho bà con nhiều kinh nghiệm và kiến thức vận hành hầm an toàn và hiệu quả.

 

Đối với mô hình công nghiệp, đoàn kiểm tra đã trực tiếp đến thăm trang trại Đan Hoài - Một trang trại với 40.000m2 đất với hoạt động chính là chăn nuôi lợn và trồng lan. Chị Hường Bích, chủ trang trại cho biết trước đây khi chưa áp dụng hầm biogas, phân thải ra của hơn 2000 đầu lợn được sấy khô, đóng bao, đem bán còn hiện nay dự án đang hỗ trợ trang trại xây dựng hầm, tận dụng lượng phân thải phục vụ chạy máy phát điện. Ngoài chăn nuôi, trang trại Đan Hoài con trồng nhiều giống lan quý nên nhu cầu về điện ở đây khá lớn. Nay với hầm ủ khí quy mô lớn – quy mô công nghiệp, chị Bích cho biết mục đích chủ yếu là để chạy máy phát điện vận hành máy sưởi cho nhà kính trồng lan vào mùa đông và chạy hệ thống làm mát vào mùa hè. Với một bể gồm hai đơn nguyên (x 10 ngăn), dự tính cho 60 khối khí/ngày, đủ sản xuất điện 10kwA, sử dụng chạy máy phát điện trong khoảng từ 6-8 giờ. Chị Bích rất phấn khởi và yên tâm khi áp dụng mô hình hầm ủ khí biogas trong công nghiệp bởi mô hình này đem lại cho trang trại chị nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường, góp phần cải thiện đời sống cho hàng chục nhân công đang làm việc tại trang trại.

 

Qua đây, đoàn kiểm tra đã chứng kiến kết quả rất cụ thể và thiết thực của dự án. Hy vọng trong thời gian tới mô hình trên sẽ được nhân rộng, thực hiện được khẩu hiệu mà chủ nhiệm dự án đã nêu “Một mũi tên trúng nhiều đích”: xử lý chất thải, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; sản xuất phân bón sạch và thức ăn chăn nuôi bổ sung; tiết kiệm tiền bạc và giải phóng phụ nữ. Đặc biệt dự án trên thành công sẽ góp phần vào việc phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái sinh, thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Giải quyết được nhiều khó khăn trong vấn đề năng lượng và môi trường ở nước ta hiện nay.

Huyền Anh

Văn phòng TKNL, Bộ Công nghiệp