Saturday, 23/11/2024 | 07:58 GMT+7

Triển khai diện rộng bếp đun cải tiến tiết kiệm năng lượng sử dụng phụ phẩm nông, lâm nghiệp tại các hộ gia đình nông thôn.

01/11/2007

Trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng và tiết kiệm và hiệu quả, Trung tâm năng lượng tái tạo và cơ chế phát triển sạch, Viện Năng lượng được Ban Chỉ đạo Chương trình giao thực hiện dự án “Triển khai diện rộng bếp đun cải tiến tiết kiệm năng lượng sử dụng phụ phẩm nông, lâm nghiệp tại các hộ gia đình nông thôn”.

Ở nước ta, hiện có khoảng gần 9 triệu hộ gia đình sống ở nông thôn đang sử dụng năng lượng sinh khối (NLSK) cho đun nấu hàng ngày. Việc phụ thuộc vào NLSK mà chủ yếu là gỗ - củi, phụ phẩm nông-lâm nghiệp làm chất đốt cho đun nấu sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ nữa ngay cả khi kinh tế phát triển. Bởi lẽ, các nguồn năng lư­ợng (NL) cao cấp hơn như­ điện, khí hoá lỏng,…là có hạn, hoặc còn đắt đỏ chư­a thể phổ cập rộng rãi ngay đến các vùng nông thôn - miền núi được.

Nhu cầu nhiên liệu làm chất đốt cho đun nấu ở hộ gia đình đang gia tăng (tăng do tăng dân số, và các sử dụng nhiệt khác) đã kéo theo việc khai thác gỗ-củi vượt quá khả năng cung cấp bền vững, làm mất rừng và như­ vậy là môi trư­ờng sinh thái đã, đang và sẽ bị tác động xấu. Hậu quả của việc mất rừng đã đ­ược minh chứng qua các trận hạn hán, lũ lụt ở nhiều vùng quê, nhiều địa phư­ơng trong cả n­ước.

Mặc dù nguồn cung cấp gỗ - củi, sinh khối đang ngày càng bị hạn chế. Thiếu hụt chất đốt đã xảy ra ở nhiều vùng, nhiều địa phư­ơng như­ng việc sử dụng gỗ - củi, sinh khối làm nhiên liệu cho đun nấu trong các hộ dân lại rất lãng phí, kém hiệu quả. Đó là do hầu hết gỗ - sinh khối đang đ­ược đốt trên các bếp đun cổ truyền – bếp kiềng, loại bếp hở có từ lâu đời. Những bếp đun này do hiệu suất thấp, chỉ đạt từ 8-15% đã dẫn tới tiêu thụ nhiều nhiên liệu và khi đun phát ra nhiều khí thải độc hại có thể gây ra các ảnh h­ưởng đến sức khoẻ cộng đồng, đặc biệt là ng­ười già, phụ nữ và trẻ em, họ là những ngư­ời nội trợ chính ở các gia đình nông thôn nước ta.

Việc phổ biến rộng rãi các loại bếp đun cải tiến phù hợp với phong tục tập quán đun nấu của cư­ dân địa phư­ơng đ­ược coi là vấn đề cần thiết, cần làm ngay. Nếu phổ cập rộng rãi các bếp đun cải tiến thì hiệu quả mà nó sẽ mang lại là rất lớn không những về kinh tế - xã hội mà còn giải quyết tốt các vấn đề về môi tr­ường.

Với bối cảnh trên, năm 2007 Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiêu do Bộ Công thương (trước đây là Bộ Công nghiệp) điều hành đã cho thực hiện một dự án “Triển khai diện rộng bếp đun cải tiến tiết kiệm năng lượng sử dụng phụ phẩm nông, lâm nghiệp tại các hộ gia đình nông thôn ở một số tỉnh lựa chọn”. Mục tiêu chính của dự án nhằm tiết kiệm NL trong đun nấu hộ gia đình thông qua phổ biến rộng rãi các bếp đun cải tiến. Một số hoạt động chính là: (i). Khảo sát, điều tra hiện trạng sử dụng chất đốt, phong tục tập quán đun nấu; và (ii). Tiến hành triển khai diện rộng bếp đun cải tiến tại một số tỉnh được lựa chọn.

Để có được các mẫu bếp đun cải tiến vừa tiết kiệm NL vừa phù hợp với phong tục tập quán đun nấu của các địa phương thì việc tiến hành khảo sát, điều tra hiện trạng sử dụng chất đốt, tìm hiểu phong tục tập quán đun nấu của người dân là rất cần thiết. Kết quả điều tra về chất đốt, loại bếp, cách thức sử dụng của các hộ gia đình nông thôn tại một số tỉnh như Phú Thọ, Thanh Hoá, Hà Giang, Hoà Bình... đã chỉ ra một số vấn đề và được tóm tắt như sau:

i). Hộ gia đình sử dụng củi chiếm tỷ lệ áp đảo tới 74%. Củi được lấy từ các nguồn chính: từ rừng tự nhiên, rừng trồng, cây trong vườn và phế thải từ chế biến gỗ. Mức tiêu thụ gỗ củi cho đun nấu có sự khác nhau khá rõ giữa các vùng miền:

+ Nông thôn đồng bằng:        1,3 kg củi/người/ngày

+ Nông thôn trung du:           1,5 kg/người/ngày

+ Nông thôn miền núi:           2,0 kg/người/ngày

+ Cho nấu cám lợn:    7,7 kg củi/hộ ngày (mức trung bình)

ii). Có khoảng 65% hộ gia đình ở khu vực nông thôn đồng bằng sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm chất đốt như rơm rạ, thân cây các loại. Các hộ miền núi không sử dụng loại chất đốt này, chỉ một số ít sử dụng thân, lõi ngô để đun nấu.

iii). Bếp sử dụng phần lớn là loại kiềng dài và tròn làm bằng các thanh sắt hàn lại với nhau. Khi đo đạc cho thấy hiệu suất bếp rất thấp, trung bình chỉ đạt 13,5%.

Dựa trên các thông tin, số liệu thu lượm, một số mẫu bếp đã được thiết kế theo hướng thích nghi, tiết kiệm NL và đã được triển khai. Cách thức triển khai gồm các bước chính sau:

Bước1: Thí điểm mẫu bếp lấy ý kiến và rút kinh nghiệm

Bước 2: Tổ chức thăm quan và tuyên truyền

Bước 3: Tổ chức tập huấn cho đội thợ kỹ thuật

Bước 4: Tổ chức cho các hộ dân đăng ký bếp và phát triển bếp

Để đạt được các mục tiêu của dự án, Viện Năng lượng đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, Sở KHCN một số tỉnh, trong đó Hội Phụ nữ tỉnh đóng vai trò chủ đạo cho các hoạt động như truyền thông nâng cao nhận thức, vận động phụ nữ đăng ký xây bếp cải tiến, đóng góp xây dựng cơ chế hỗ trợ...

Để đạt được mục tiêu triển khai ít nhất 1500 bếp cải tiến tại ba tỉnh lựa chọn là Phú Thọ, Thanh hoá và Hoà Bình, các lớp tập huấn quy mô cấp tỉnh về xây bếp cải tiến đã được Viện Năng lượng kết hợp với Hội Phụ nữ các tỉnh thực hiện. Đến nay có khoảng gần 40 học viên đã được đào tạo, cấp chứng chỉ. Họ là nòng cốt để phát triển bếp cải tiến theo đúng quy trình kỹ thuật cho nhu cầu tại các xã điểm.

Kết quả bước đầu khi thu thập ý kiến từ các hộ gia đình cho thấy bếp cải tiến mà gia đình họ đã sử dụng đã mang lại hiệu quả cao như giảm tiêu thụ chất đốt, giảm khói bụi và thời gian đun nấu, cụ thể như: tiêu thụ chất đốt giảm khoảng 30%, đặc biệt là không có khói bụi. Thời gian đun nấu một bữa ăn cũng giảm đáng kể với gần một phần ba thời gian mỗi ngày.

Từ những kết quả ban đầu như nêu trên, tính toán sơ bộ cho thấy mỗi hộ gia đình sử dụng bếp đun cải tiến thì mỗi năm có thể tiết kiệm ít nhất là 1,4-1,5 tấn củi (gồm nấu ăn và nấu cám lợn). Tính quy đổi về mặt năng lượng, tiết kiệm tương đương khoảng 950 kg than cám 6. Như vậy, nếu bếp đun cải tiến được nhân rộng ra nhiều hộ, nhiều địa phương thì hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực tiết kiệm NL và bảo vệ môi trường là rất lớn.

Nguyễn Đức Cường