Friday, 15/11/2024 | 15:37 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng là một cuộc đấu tranh không ngừng và phải bắt đầu ngay từ bây giờ

15/04/2009

Nhiều năm nay, Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều hoạt động hợp tác nhằm làm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực TKNL, một lĩnh vực mà Nhật Bản đã có rất nhiều kinh nghiệm và thành công. Bản tin TKNL đã có cuộc trò chuyện với ông Yutaka Ogura – chuyên gia kỹ thuật Vụ Hợp tác kỹ thuật quốc tế thuộc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Nhật Bản, chuyên gia Văn phòng TKNL - Bộ Công Thương để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

PV: Xin ông cho biết những suy nghĩ của ông về chính sách tiết kiệm năng lượng (TKNL) ở Việt Nam? Theo ông, Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm gì trong lĩnh vực này từ Nhật Bản?

Ông Yutaka Ogura: Theo tôi, chính sách TKNL ở Việt Nam rất phù hợp với Chương trình Mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Với mục đích giảm tiêu thụ năng lượng từ 3-5% giai đoạn 2006-2010 và 5-8% giai đoạn 2011-2015. CTMTQG của Việt Nam có 6 nhóm nội dung với 11 dự án được đưa ra xem xét. Tham gia chương trình này, không chỉ Bộ Công Thương mà các bộ khác như Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng đồng loạt triển khai các kế hoạch hành động theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành.

Ngoài ra, các tổ chức liên quan khác như các Trung tâm TKNL (ECCs) và Sở Công Thương các tỉnh (DOITs) cũng đang phối hợp triển khai.

Điều quan trọng nhất đối với một quốc gia trong việc đề ra những chính sách TKNL là phải nắm bắt được tình hình cung cấp và nhu cầu năng lượng hiện tại một cách chính xác, qua đó sẽ hoạch định những kế hoạch cho tương lai. Thực tế cho thấy thông tin về phía cung cấp năng lượng thì rất dễ, nhưng để có được những số liệu chi tiết về nhu cầu sử dụng năng lượng thì lại không đơn giản chút nào, trừ số liệu tiêu thụ điện năng vì cho tới nay, chưa hề có luật hoặc văn bản pháp lý nào yêu cầu báo cáo lượng tiêu thụ năng lượng thực tế đối với mỗi tổ chức, doanh nghiệp. Chính vì vậy, vấn đề này đã được Việt Nam đưa vào Dự thảo Luật TKNL để trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt.

Tôi cho rằng, mặc dù Bộ Công  Thương mà cụ thể là Văn phòng TKNL - EE&CO là cơ quan chịu trách nhiệm chính, nhưng khối lượng công việc thì rất nhiều, vì vậy, cần phải tăng cường hơn nữa về nguồn nhân lực. Bộ Công Thương nên thành lập một Trung tâm TKNL Việt Nam có vai trò kiểm soát, hỗ trợ các trung tâm TKNL trực thuộc địa phương. Bên cạnh đó là thành lập thêm một tổ chức phát triển công nghệ cho TKNL và năng lượng mới với chức năng hỗ trợ, giống như tổ chức Phát triển Công nghệ Công nghiệp và Năng lượng mới (NEDO) ở Nhật Bản.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về một số hoạt động hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực TKNL và hiệu quả của nó?

Ông Yutaka Ogura: Hiện nay, có rất nhiều các hoạt động hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam đã và đang được triển khai. Ví dụ như: Các khoá đào tạo, gửi chuyên gia đi nghiên cứu, diễn đàn năng lượng, các qui hoạch tổng thể, các dự án mẫu và thúc đẩy phát triển quỹ dự án. Đặc biệt là các chương trình đào tạo song phương về TKNL trong vòng 5 năm với khoảng 30-35 người tham dự/năm. Ngoài ra, JICA đang đề xuất và tìm kiếm dự án vốn vay 2 bước qua Ngân hàng VDB cho các doanh nghiệp muốn lắp đặt thiết bị TKNL…

Những hoạt động này được đánh giá là rất hiệu quả không chỉ cho việc tăng cường khả năng xây dựng nguồn nhân lực, mà còn hỗ trợ để hoàn thành Chương trình Mục tiêu Quốc gia; xây dựng Qui hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, luật TKNL và các Nghị định liên quan.

PV: Ông đánh giá thế nào về hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực TKNL hiện nay? Với tư cách là một chuyên gia thuộc lĩnh vực này, ông có lời khuyên nào dành cho Ban soạn thảo Luật TKNL Việt Nam?

Ông Yutaka Ogura: Tôi cho rằng, Nghị định 102/2003/NĐ-CP về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được làm rất tốt và Dự thảo Luật TKNL được xây dựng dựa trên thành công của Nghị định 102 đã áp dụng một số kinh nghiệm TKNL quốc tế và công nghệ mới hiện nay.

Tôi đã hơn 10 lần gửi đóng góp ý kiến cho Dự thảo luật TKNL, Dự thảo Nghị định Triển khai luật TKNL, Báo cáo Năng lượng theo kinh nghiệm của Nhật Bản. Tôi đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thuơng – Văn phòng TKNL trong việc xây dựng và chỉnh sửa Dự thảo. Ngoài ra, cũng cần phải có thêm nhiều qui định và qui chuẩn để ứng phó với nhiều tình huống trong quá trình triển khai đưa Luật TKNL vào thực tế.

PV: Tiết kiệm năng lượng, hiểu một cách đơn giản nhất, xuất phát từ ý thức. Được biết, Nhật Bản là quốc gia tiết kiệm năng lượng nhất thế giới, người Nhật Bản là người có ý thức sử năng lượng một cách tiết kiệm, ông có nhận xét gì về hai vấn đề này ở Việt Nam?

Ông Yutaka Ogura: Ý thức tự giác TKNL là điểm khởi đầu cần thiết nhất và cũng l à mục đích cuối cùng. Không phải người Nhật nào cũng nhận thức được tầm quan trọng của TKNL và làm thế nào để biết và thực hiện TKNL. Nhật Bản có một quá trình tác động lâu dài và bền bỉ trong các hoạt động nhằm sử dụng TKNL đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp. Ngày nay, nhiều người Nhật nhận thức được vấn đề này chủ yếu là nhờ việc tuyên truyền cho họ qua TV, báo đài, các kênh thông tin đại chúng và một số nguồn thong tin khác.

Ở Việt Nam gần đây, liên quan đến việc tăng giá điện, tôi đọc rất nhiều bài báo nói về những kinh nghiệm để tiết kiệm chi tiêu bằng cách TKNL trong các hộ gia đình với những hành động cụ thể và hiệu quả. Những thông tin như vậy rât thực tiễn và có hiệu quả đối với mỗi cá nhân trong các hộ gia đình.

Ở Nhật cũng có rất nhiều chương trình trên TV giới thiệu cách tính toán để tiết kiệm chi tiêu và hạn chế sự khuếch tán của khí CO2. TKNL là một cuộc đấu tranh không ngừng và chúng ta phải bắt đầu làm ngay từ bây giờ, càng nhiều càng tốt, vì sự biến đổi khí hậu đã bắt đầu trở nên nặng nề hơn và năng lượng hoá thạch đang ngày càng cạn kiệt.

PV: Xin cảm ơn ông.

(Nguồn: Bản tin TKNL số 5)