Friday, 15/11/2024 | 13:59 GMT+7
“Đưa các nội dung về giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào hệ thống giáo dục quốc gia” là một trong 3 đề án thuộc nhóm nội dung thứ 2 trong Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Chính phủ ban hành. Trong thời gian qua, dưới sự chủ trì của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề án đã được triển khai mạnh mẽ trên phạm vi cả nước, đem lại những kết quả thiết thực.
Truyện tranh dành cho bé 10 tuổi trở lên cảnh báo sự nóng lên của trái đất và dạy các em nên làm gì để cứu lấy sự sống trên hành tinh. Truyện được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp với ngôn phong giản dị.
Trong năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai tổ chức tập huấn phương pháp dạy học tích hợp nội dung giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cấp Trung ương cho đội ngũ giáo viên cốt cán từ cấp tiểu học, THCS, THPT đến khối trung cấp, cao đẳng và đại học. Nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được tích hợp vào 4 môn Vật lý, Sinh học, Công nghệ và Địa lý.
Theo kế hoạch, trước mắt, mỗi tỉnh/thành có 20 cán bộ, giáo viên được tham gia tập huấn làm mô hình thí điểm, tiếp theo đó, Bộ sẽ có kế hoạch triển khai đại trà tại các địa phương…
Riêng với khối mầm non, 63/63 tỉnh thành trên cả nước đã cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp đào tạo phương pháp dạy học tích hợp nội dung sử dụng hiệu quả năng lượng vào chương trình đào tạo. Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP HCM, Trung tâm luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp trong xã hội, kinh nghiệm trong quá trình triển khai cho thấy trẻ em là đối tượng dễ tiếp thu nhất, cả về ý thức (trong suy nghĩ) lẫn hành vi (bằng biểu hiện cụ thể) và có sức lan tỏa nhanh.
Y kiến của các giáo viên mầm non đến từ 17 tỉnh/thành từ Nghệ An đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên cho rằng, trách nhiệm của nhà trường trong việc giúp trẻ hiểu được cách tiết kiệm năng lượng là rất cần thiết, bên cạnh hỗ trợ từ phía các cơ quan Trung ương, mỗi giáo viên cũng đã chủ động sáng tạo tìm kiếm thông tin cũng như những phương pháp giúp con trẻ tiếp cận dễ dàng hơn với khái niệm cũng như những giải pháp tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, sự phối hợp từ phía gia đình cũng đóng vai trò rất quan trọng bởi phần lớn thời gian các em sinh hoạt ở gia đình, nơi có nhiều thiết bị sử dụng năng lượng, là môi trường tốt để các em thực hành những kiến thức được nhà trường trang bị.
Bên cạnh việc chú trọng đến công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, hàng loạt giáo trình, tài liệu hỗ trợ giáo viên cũng đang được biên soạn. Vừa qua, nhân dịp kênh VTV3 Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo giới thiệu chương trình giáo dục "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong nhà trường" tại trường tiểu học Cát Linh (Hà Nội), thư viện nhà trường đã được tặng một số đầu sách để giảng dạy và giáo dục học sinh với nội dung trên.
Ngoài sách giáo khoa, các ấn phẩm như truyện tranh cũng là công cụ hữu hiệu để đưa nội dung tiết kiệm năng lượng đến với các em nhỏ. Chẳng hạn, lời cảnh báo trái đất ngập lụt, đi bộ 5 km tiết kiệm được 3.000 đồng, tắt quạt và đèn trước khi ra khỏi lớp, không hoang phí nước... thể hiện sinh động bằng tranh. Tài liệu này đã được phát hành và chuyển đến các trường tiểu học trong chiến dịch Giờ Trái đất, phát động cuộc thi tiết kiệm năng lượng trong nhà trường, thi viết cảm nhận, vẽ tranh cổ động, hay những buổi dã ngoại tập thể...
Là một trong những trường tiểu học nhiệt tình tham gia tuyên truyền và hưởng ứng cho phong trào kêu gọi tiết kiệm năng lượng trong 4 năm qua, Hiệu trưởng trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP HCM), bà Lê Thị Ngọc Điệp cho biết: "Học sinh tiểu học là những nhà tuyên truyền, tư vấn giỏi đến bất ngờ về việc tiết kiệm điện, nước, tái chế rác thải hơn bất cứ người lớn nào". Bà Điệp cho hay, những cuốn truyện tranh phát huy tác dụng còn hiệu quả hơn những bài giảng về lý thuyết. Thậm chí các em đã chia sẻ điều này với người thân và thuyết phục được họ cùng hưởng ứng. Bà Điệp đặc biệt tâm đắc: "Tôi tin rằng nói với 1.500 học sinh của trường về việc tiết kiệm năng lượng là gián tiếp tuyên truyền với 3.000 phụ huynh (các ông bố và bà mẹ) về vấn đề này, sức lan tỏa vô cùng rộng lớn".
Không chỉ tổ chức thi viết văn, vẽ tranh, trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm còn lắp ráp hệ thống đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng. Với hệ thống đèn này, trung bình mỗi tháng toàn trường tiết kiệm được khoảng 3 triệu đồng. Theo bà Điệp, những cách tiếp cận thực tế này đã ít nhiều tác động đến nhận thức của trẻ, giúp các em - những công nhân tương lai của đất nước - có cái nhìn tích cực về bài học tiết kiệm điện nói riêng và tiết kiệm năng lượng nói chung.
Cùng với các bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, ngành giáo dục đang nỗ lực trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, xây dựng ý thức tiết kiệm tài nguyên cho thế hệ tương lai.
Chương trình giáo dục " Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong nhà trường " sẽ được phát trong chương trình truyền hình “Cùng lợi ích cộng đồng” phát sóng 17h45 thứ ba, thứ năm và thứ bảy trên VTV3 và các trailer cổ động lúc 21h5 thứ 4, thứ 6 hàng tuần trên kênh VTV1, Đài truyền hình Việt Nam.
H.A