Friday, 15/11/2024 | 17:02 GMT+7

Hội nghị bàn tròn lần 5 về sản xuất và tiêu thụ bền vững

29/05/2011

Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước ngành Công nghiệp và Thương mại trong nhiều năm qua đã đề xuất và thực hiện nhiều chương trình/đề án nhằm thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững như: Chương trình mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006- 2015, Đề án phát triển nhiên liệu sinh học giai đoạn đến năm 2015 tầm nhìn 2020, Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường và Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2015 tầm nhìn 2020.

Trong 2 ngày 26-27/5/2011 tại TP. Nha Trang, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị bàn tròn quốc gia lần 5 về sản xuất và tiêu thụ bền vững. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trong thời gian 2 năm và thảo luận về các hoạt động cần triển khai trong thời gian tiếp theo.


ban tron.jpg


Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc hội nghị


Hội nghị đã tập trung thảo luận 3 nội dung cơ bản: Các giải pháp kỹ thuật sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn; Mô hình cộng đồng bền vững và Xanh hóa công nghiệp. Đây là dịp để các đại biểu có thể thảo luận, đóng góp các sáng kiến về các mẫu hình phù hợp, giải pháp nhằm phát triển hoạt động sản xuất và tiêu thụ bền vững ở Việt Nam góp phần chủ động phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên một cách có hiệu quả vì sự phát triển bền vững của đất nước.


Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước ngành Công nghiệp và Thương mại trong nhiều năm qua đã đề xuất và thực hiện nhiều chương trình/đề án nhằm thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững như Chương trình mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006- 2015, Đề án phát triển nhiên liệu sinh học giai đoạn đến năm 2015 tầm nhìn 2020, Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường và Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2015 tầm nhìn 2020.


Các chương trình này đã góp phần không nhỏ vào việc chuyển đổi nền sản xuất và thói quen tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp theo hướng tận dụng tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát sinh các chất thải ra môi trường, tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho người lao động, đồng thời tăng năng suất, nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp, hướng tới một nền công nghiệp xanh theo xu hướng phát triển của các nước trong khu vực và thế giới.


Ngoài 2 phiên toàn thể, xung quanh hội nghị còn có các hội thảo chuyên đề về Giải pháp kỹ thuật sử dụng hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn của Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam, Hội thảo về Mô hình cộng đồng bền vững của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Công Thương cũng tổ chức một diễn đàn cho các doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp với chủ đề Xanh hóa công nghiệp.


Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ Công Thương tổ chức trao chứng chỉ cho các doanh  nghiệp đã thực hiện thành công mô hình trình diễn về sản xuất sạch hơn với sự hỗ trợ của Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI) thuộc Chương trình Hợp tác phát triển Việt Nam – Đan Mạch về môi trường trong giai đoạn 2006-2010.


Trần Linh