Các nhà khoa học thuộc dự án ProBio3 (Pháp) đã tìm ra giải pháp cơ bản cho qui trình chuyển đổi mùn cưa, rơm thành nhiên liệu sinh học. Và trong tương lai nó sẽ kết hợp với dầu kerosene theo tỉ lệ 50/50 để tạo ra hỗn hợp có khả năng đốt nóng động cơ phản lực (1600 độ C) - sử dụng cho máy bay.
Rơm sẽ được chiết xuất để trở thành nhiên liệu sử dụng cho máy bay
Đầu tiên, chất thải công nghiệp và nông nghiệp (trong đó có mùn cưa, rơm) sẽ được phân tách thành đường nhờ các enzym, sau đó chúng được trộn với các vi sinh vật như men bia và chuyển đổi thành chất béo thông qua quá trình lên men hóa học. Cuối cùng, các chất béo này sẽ được xử lý với hydro để biến thành hydrocacbon (đây là loại nhiên liệu sinh học đã được ASTM - Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế cấp phép để kết hợp với dầu hỏa trở thành nhiên liệu sử dụng cho ngành hàng không) mang những đặc tính giống như nhiêu liệu hóa thạch.
Trước đây, các nhà khoa học chủ yếu tập trung vào việc nghiên cứu sản xuất nhiên liệu sinh học có nguồn gốc từ sản phẩm nông nghiệp, tuy nhiên tính khả thi của nó đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đã và sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai. Dự án ProBio3 là hướng đi mới, đồng thời được đánh giá rất cao nhờ mức phí đầu tư hợp lý và tính thân thiện với môi trường - giảm thiểu đáng kể lượng khí thải cacbon.
Được biết, dự án ProBio3 chính thức được triển khai hồi tháng 7 thông qua nguồn tài trợ từ Chương trình khuyến khích tăng trưởng kinh tế của chính phủ Pháp - với mức kinh phí 24,6 triệu Euro (32,1 triệu USD) trong vòng 8 năm. Dự kiến, sản lượng nhiên liệu sinh học được tạo ra để phục vụ cho ngành hàng không sẽ đạt mức 2 triệu tấn vào năm 2020 và trong giai đoạn đầu dự án sẽ còn nhận được sự hỗ trợ từ các hãng sản xuất máy bay Airbus, Boeing, Embraer (Brazil). Hiện mỗi năm, riêng khu vực Châu Âu tiêu thụ khoảng 50 triệu tấn dầu kerosene phục vụ cho máy bay.
K. A Theo Reuters