Friday, 15/11/2024 | 17:36 GMT+7

Nguồn năng lượng tái tạo từ Axit formic

24/08/2013

Các nhà khoa học của Trường Bách khoa Liên bang Lausanne của Thụy Sỹ đã khám phá ra rằng: chuyển đổi hydro thành axit formic sẽ giúp khâu vận chuyển và lưu trữ trở nên dễ dàng hơn và an toàn hơn.

Hydro thường được coi là nguồn nhiên liệu thay thế tương lai cho các loại nhiên liệu hóa thạch hiện nay. Thân thiện với môi trường và hiệu suất hoạt động cao, nhưng không phải vì thế mà khẳng định nhiên liệu hydro không có nhược điểm. Do đặc tính rất dễ bốc cháy nên hydro phải được bảo quản trong các bình điều áp cồng kềnh, gây khó khăn cho việc sử dụng.

Các nhà khoa học của Trường Bách khoa Liên bang Lausanne (Ecole Polytechnique Fédérale de Lausanne - EPFL) của Thụy Sỹ đã khám phá ra rằng: chuyển đổi hydro thành axit formic sẽ giúp khâu vận chuyển và lưu trữ trở nên dễ dàng hơn và an toàn hơn.

4c07e6a84_formicacid85min_2bn.jpg
 
Hydro tạo ra điện năng một cách dễ dàng. Sử dụng một chất xúc tác cùng khí CO2 có sẵn trong không khí, các nhà khoa học đã chuyển đổi được hydro thành axit formic. Thay vì một bình gang nặng nề chứa đầy khí hydro dưới áp lực, họ lại thu được một chất khó cháy và hóa lỏng ở nhiệt độ phòng. Theo các nhà nghiên cứu, đây thực sự là một giải pháp lý tưởng. Axit formic có thể giải phóng liên tục những lượng khí hydro, đủ để chuyển hóa thành điện năng đáp ứng nhu cầu về điện cho người sử dụng.
 
Bên cạnh đó, phương pháp này còn cho phép tăng gấp 2 lần khả năng lưu trữ năng lượng với cùng thể tích bình chứa. Quả thực, một lít axit formic chứa hơn 53gr hydro trong khi cùng một thể tích hydro nguyên chất dưới áp lực 350 bar lại chỉ chứa được 28gr hydro.
 
Trong tương lai, các loại phương tiện giao thông của thế kỷ XXI có thể sử dụng axit formic thay thế cho nhiên liệu hóa thạch hiện nay. Phương pháp chuyển hóa của nhóm nghiên cứu không những cho phép lưu trữ hydro một cách an toàn mà còn nhỏ gọn, tiện lợi hơn, cách thức bơm cũng đơn giản hơn vì axit formic luôn tồn tại dưới dạng lỏng ở nhiệt độ thường.
 
Các nhà khoa học cũng đã tiến hành nghiên cứu một quy trình xúc tác từ sắt - là kim loại dễ tìm, giá rẻ so với các kim loại thuộc hàng “quý tộc” khác như platin hay rutheni.
 
Tháng 11/2010, các phòng thí nghiệm của EPFL lại thành công trong việc thực hiện quá trình đảo ngược: từ axit formic trở lại thành CO2 và hydro, và sau đó có thể chuyển hóa thành điện năng.
 
 Lê My Theo Techno-Sciences