Thursday, 14/11/2024 | 10:23 GMT+7
Mặc dù mới chỉ trong giai đoạn khởi đầu, song một nhà máy điện mới ở Andalucia, Tây Ban Nha đã thành công trong việc sản xuất điện, bảo vệ môi trường khỏi các chất độc hại và duy trì không gian bãi rác bằng cách sử dụng chất thải trong quá trình sản xuất dầu ô-liu làm nhiên liệu.
Được tài trợ bởi Liên minh châu Âu cùng các đối tác đến từ Anh, Thụy Điển, Tây Ban Nha và Hy Lạp, dự án Biogas2PEM-FC với nhà máy điện thử nghiệm nêu trên là sản phẩm của nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Công nghệ Hoàng gia KTH (Stockholm, Thụy Điển) phối hợp với Powercell, một công ty công nghệ sạch, dẫn đầu trong công nghệ pin nhiên liệu tại Bắc Âu.
Dự án Biogas2PEM- FC đã diễn ra trong vòng hai năm. Nhà máy điện thử nghiệm đầu tiên, được lắp đặt tại một cơ sở sản xuất dầu ô-liu tại San Isidro de Loja, Granada, đã thực hiện thành công mục tiêu sản xuất điện từ chất thải trong quá trình sản xuất dầu ô-liu.
Carina Lagergren, nhà nghiên cứu chính của dự án tại Viện Công nghệ Hoàng gia KTH, nhấn mạnh rằng "điều quan trọng nhất là chúng tôi đã tìm ra một giải pháp cho toàn bộ các chất thải độc hại còn sót lại trong quá trình sản xuất dầu ô-liu." Chất thải trong quá trình sản xuất dầu o-liu là thứ rất độc hại đối với môi trường; nó là hỗn hợp có tính a-xít và nồng độ muối cao, ngoài ra còn chứa cả thuộc trù sâu, các hợp chất hữu cơ và chất gây ô nhiễm độc hại khác. Phương pháp xử lý hiện tại chủ yếu vẫn là đổ thẳng thứ hỗn hợp nêu trên vào các hố bùn. Điều này gây hại cho môi trường bởi các chất độc có thể xâm nhập vào môi trường xung quanh.
Tuy nhiên với công nghệ mới này, thay vì xả thẳng chất thải trong quá trình sản xuất dầu ô-liu vào các hố bùn, ước tính 30 triệu m3 nước thải hàng năm của các nhà máy dầu ô-liu có thể được tái sử dụng để sản xuất khí sinh học, theo Per Ekdunge, điều phối viên dự án và phó chủ tịch của công ty Powercell.
Các nhà máy điện mới sử dụng chất thải trong quá trình sản xuất dầu ô-liu để sản xuất năng lượng "sạch" trong một quy trình ba bước.
Đầu tiên, chất thải trong sản xuất dầu ô-liu sẽ trải qua quá trình tiêu hóa do vi khuẩn kỵ khí để sản xuất khí sinh học, trong đó bao gồm mê-tan, các-bon đi-ô-xít và các hợp chất lưu huỳnh khác. Trong giai đoạn thứ hai, một máy chuyển hoá sẽ biến khí sinh học thành các-bon đi-ô-xít và hi-đ-rô. Còn trong giai đoạn cuối cùng, hai loại khí nêu trên sẽ được các pin nhiên liệu chuyển hoá thành nhiệt năng và điện năng, cùng với khí ô-xy.
Sản phẩm cuối cùng của quy trình sản xuất này hoàn toàn không chứa các chất độc hại đối với môi trường và nhà sản xuất có thể yên tâm thải các chất thải còn lại ra bãi rác mà không cần phải lo lắng về vấn đề lây nhiễm độc.
Mặc dù phương pháp này hiện nay mới chỉ trong giai đoạn thử nghiệm, còn khá đắt đỏ và chưa thực sự hoàn thiện, song nhà máy sản xuất điện loại này cũng đã đạt công suất 1 kW. Trong tương lai, các nhà khoa học dự kiến sẽ tăng công suất lên 200 kW, đáp ứng khoảng 50% điện năng tiêu thụ trong quá trình này, Lagergren giải thích.
Theo Ekdunge, việc ứng dụng công nghệ sản xuất năng lượng sạch từ các loại chất thải nông nghiệp khác hiện nay đã không còn là mơ ước. Điều này đã nhận được sự quan tâm rất lớn của tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông đến thăm Viện Công nghệ Hoàng gia KTH năm 2013 khi dự án vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu.
Anh Tuấn (Theo Olive Oil Times)