Friday, 08/11/2024 | 18:35 GMT+7
Trong những năm qua người ta đã tìm ra nhiều cách khác nhau để tạo ra năng lượng tái tạo. Ngoại trừ các công nghệ tập trung vào nguồn năng lượng mặt trời, hầu hết các sáng chế đều khai thác năng lượng thu được từ các dạng chuyển động như gió, nước hoặc thậm chí là chuyển động cơ thể.
Bên cạnh những công trình khoa học lớn hướng đến việc khai thác những nguồn năng lượng lớn, nhiều công trình nhỏ hơn, ít tốn kém hơn vẫn tiếp tục được tiến hành.
Ozgut Sahin, một giáo sư tại Đại học Columbia đã sáng chế ra thiết bị LEGO tạo ra điện từ hơi nước. Cùng với đội ngũ của mình, giáo sự Sahin đang thăm dò khả năng sử dụng vi khuẩn trong đất, đưa vào một công nghệ tiên tiến để sản xuất ra năng lượng từ những thứ mà mắt thường không thể nhìn thấy được.
Bí mật đằng sau thiết bị là một tấm cao su được che phủ bằng bào tử (vi khuẩn trong đất). Những bào tử này di chuyển nhờ độ ẩm trong không khí, làm biến đổi hình dạng tấm cao su và tạo ra năng lượng. Đặt gần các khối nước, thiết bị này có thể tạo ra điện dù có vẻ như không có gì xảy ra.
Nhóm nghiên cứu đã phát triển một số phiên bản khác của thiết bị cho những mục đích sử dụng khác nhau. Một phiên bản là "động cơ bốc hơi" được đặt trên bề mặt của các khối nước tù đọng, cho phép dòng nước chảy qua nó. Một phiên bản khác là "máy hơi ẩm", nơi các dải băng và bào tử được đặt xung quanh một bánh xe. Thiết bị di chuyển nhờ sự chuyển động của bào tử.
Nếu thành công, công nghệ này có thể mở ra nhiều khả năng cho tất cả các khu vực trên thế giới, nơi có nước tù đọng, gió nhẹ, thiếu ánh sáng mặt trời và hạn chế về tài chính. Hơn nữa, các tấm cao su và bào tử đủ lớn có thể che phủ các hồ chứa trong các khu vực bị hạn hán. Ở đó, thiết bị này có thể hoạt động như máy phát điện và máy ngăn nước bốc hơi.
Giáo sự Sahin tin rằng lượng năng lượng mà hệ thống này tạo ra tương đương với lượng năng lượng mặt trời mà các công nghệ khác thu được. Với khoản tài trợ thích hợp, ông tin rằng đội ngũ của ông có thể đưa thiết bị này vào sử dụng trong vòng 10-15 năm tới.
Ngọc Diệp (Theo The Green Optimistic)