Friday, 08/11/2024 | 10:51 GMT+7
Những người đứng đầu sau công nghệ ARES cho biết để lưu trữ năng lượng tái tạo, tất cả những gì mà họ cần là đá, công-ten-nơ chở hàng và đường ray.
Lĩnh vực năng lượng tái tạo đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Nhiều nông trại gió và nông trại mặt trời lớn được xây dựng liên tục với công suất ngày càng tăng lên. Sản xuất năng lượng tái tạo ngay tại nhà cũng rất phát triển, ngày càng nhiều hộ gia đình đầu tư lắp đặt tấm pin mặt trời và nồi hơi.
Tuy nhiên, vấn đề chính vẫn là lưu trữ năng lượng. Dù các nguồn năng lượng tái tạo có lớn đến mức nào, chúng cũng không thể hoạt động liên tục, dẫn đền lãng phí và nhiều rủi ro. Do đó, chúng ta cần phải đầu tư vào phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng công nghệ cao. Và trong khi chúng ta chờ đợi bước đột phá lớn trong lĩnh vực này thì những thiết bị mới, dựa trên những công nghệ sẵn có đã ra đời và thu hút toàn bộ sự chú ý, như thiết bị Powerwall của Tesla.
Nhưng tại sao mọi người lại nghĩ rằng công nghệ mới là phải đắt tiền và chỉ trở nên phổ biến khi phần lớn chúng ta có đủ tiền để mua chúng? ARES, một công ty khởi nghiệp ở Santa Barbara quyết định không hướng đến các giải pháp lưu trữ năng lượng tốn kém và chứng minh cho mọi người thấy rằng lưu trữ năng lượng không đòi hỏi những thiết bị công nghệ cao và đắt tiền.
Dưới đây là thông tin về công nghệ ARES, đơn giản, hiệu quả cao nhưng tốn kém ít chi phí:
Tất cả những gì mà dự án ARES cần để lưu trữ được năng lượng là một vài công-te-nơ chở đầy đá, một con dốc, đường ray tàu hỏa và động cơ điện. Một đoàn tàu, gồm nhiều công-te-nơ chở đầy đá sẽ sử dụng năng lượng tái tạo dư thừa để để đi lên dốc. Khi hệ thống lưu trữ lại năng lượng, đoàn tàu sẽ đi xuống dốc. Sau đó, động cơ điện sẽ biến thành máy phát điện.
Sau khi được Cục Quản lý đất đai chấp thuận, công nghệ ARES sẽ được triển khai ở Nevada bằng cách xây dựng một hệ thống với công suất 50 MW, có khả năng sản xuất ra được 12,5 MWh điện năm 2019.
Tất nhiên, công nghệ này có một vài hạn chế cần phải được xem xét kỹ, như vấn đề về không gian. Để lắp đặt một hệ thống lưu trữ năng lượng công suất 50MW cần một đoạn đường dài 8 km và đoàn tàu phải có 32 công-te-nơ, mỗi công-te-nơ nặng 300 tấn.
Những người đứng đằng sau công nghệ ARES thừa nhận rằng hệ thống lưu trữ năng lượng của họ không chắc chắn như ắc-quy lưu trữ năng lượng công nghệ cao nhưng chi phí đầu tư thấp hơn rất nhiều.
Ngọc Diệp (Theo The Green Optimistics)