Monday, 23/12/2024 | 04:50 GMT+7
Mạng lưới đường sắt lớn nhất khu vực châu Á hy vọng sẽ tiết kiệm được khoảng hơn 6 tỉ USD cho chi phí sử dụng năng lượng khi hoạt động trong thập kỷ tới.
Theo Engadget, hệ thống đường sắt Ấn Độ vừa ra mắt chuyến tàu năng lượng mặt trời đầu tiên mang tên gọi Diesel Electric Multiple Unit (DEMU), với phạm vi hoạt động tại thành phố New Delhi.
Để tạo ra chuyến tàu DEMU, các kỹ sư đã phải vượt qua thử thách trong việc đặt vị trí các tấm pin năng lượng ở phía trên của toa tàu. Sandeep Gupta, Phó chủ tịch kiêm CEO Jakson Engineers Limited (công ty sản xuất và lắp đặt các tấm pin mặt trời) cho rằng, việc đặt các tấm pin năng lượt mặt trời trên mái của toa tàu chạy ở tốc độ 80 km/h không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Được biết, các tấm pin này cung cấp năng lượng đến một pin trên máy phát đặt trong toa tàu để tích trữ năng lượng dư thừa.
Mặc dù là chuyến tàu năng lượng mặt trời nhưng các toa tàu vẫn được kéo bởi một đầu máy chạy bằng dầu diesel. Theo giải thích, các tấm pin mặt trời chỉ cung cấp năng lượng cho các hệ thống tiện nghi của hành khách như ánh sáng, màn hình hiển thị và quạt.
Dẫu vậy, ngành đường sắt Ấn Độ ước tính rằng chỉ cần 6 toa trang bị tấm năng lượng mặt trời, một chuyến tàu DEMU sẽ tiết kiệm được khoảng 21.000 lít nhiên liệu diesel mỗi năm, tương đương khoảng gần 20.000 USD.
Ấn Độ là quốc gia có mạng lưới đường sắt lớn nhất châu Á với số chuyến hoạt động mỗi ngày là 11.000 và giúp di chuyển khoảng 13 triệu hành khách mỗi ngày. Điều đó có nghĩa hóa đơn tiền điện tiết kiệm được trên các chuyến tàu DEMU là rất lớn, lên đến 6,31 tỉ USD trong vòng 10 năm tới như ước tính của giới chức nước này.
Theo thanhnien