Thursday, 23/01/2025 | 22:25 GMT+7
Tác giả của công trình là kỹ sư Trịnh Quang Dũng, tốt nghiệp ngành vật lý ở Hungary, hiện đang công tác tại Phân viện Vật lý Việt Nam, chi nhánh TP.Hồ Chí Minh.
Dựa vào lượng bức xạ mặt trời trung bình 1 ngày tại TP.Hồ Chí Minh, tương đương 5KWh/m2, ông Dũng đã thiết kết mạng điện đảm bảo dù trời mưa hay âm u vẫn cung cấp đủ điện phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Hệ thống tồn trữ của mạng điện cục bộ có thể dự trữ 800Ah/24V điện một chiều, tương đương với lượng điện sử dụng trong 1 ngày của giả đình ông Dũng. Với mạng lưới ĐMT cục bộ này, chỉ khi sử dụng những thiết bị tiêu hao nhiều điện năng như máy lạnh, bình đun nước nóng, gia đình ông Dũng mới kết nối với lưới điện quốc gia.
Lúc đầu, ông Dũng chỉ thiết kế mạng điện công suất 500W, do chất lượng điện tái tạo thời điểm này chưa tương thích được với các vật dụng chạy động cơ. Sau năm 2002, khi Việt Nam sản xuất được biến áp điện (thiết bị đổi điện), ông Dũng đã đầu tư thêm pin, nâng cấp mạng điện lên 2KW.
Ông Dũng khoe rằng, tổ hợp ĐMT có tính năng tự động dò tải. Khi nhận tín hiệu có nhu cầu sử dụng, ĐMT tự động bật lên trong 15 giây, còn không, nó ở chế độ ngắt để tiết kiệm điện. Mỗi đêm, vào giờ cao điểm (từ 18 giờ đến 22 giờ), ĐMT tự động phụ tải vào lưới điện.
Nước từ lòng đất sâu 25 mét được bơm lên bể chứa 6m3 đặt cao trên mặt đất 16 mét, dùng cho sinh hoạt gia đình và bơm vào hồ nuôi cá. Nước từ hồ nuôi cá lại được dùng tưới cây qua hệ thống bơm phun gồm 6 vòi. Mỗi ngày, hệ thống bơm 2 lần, mỗi lần khoảng 15 phút, sau đó tự động tắt. Và khi hoàng hôn vừa buông, đèn cổng và dàn đèn sân tự động bật lên. Vào nhà, hệ thống cửa lưới tự động cuốn lên và đèn, quạt hoạt động...
Tất cả đều sử dụng nguồn năng lượng ĐMT
Năm 1997, kỹ sư Trịnh Quang Dũng được chọn giữ trọng trách chủ nhiệm chương trình “Công nghệ năng lượng mới châu Á” do Tổ chức SIDA Thuỵ Điển tài trợ cho 6 nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Thế là ông lập tức vạch một chương trình nghiên cứu các công nghệ tiết kiệm năng lượng và thiết kế mạng ĐMT cục bộ (Madicub).
Phải mất 6 năm mày mò, công trình mới được như ngày hôm nay. Ông cho biết, đến cuối năm 2002, tổ hợp ĐMT thông minh sử dụng hoàn toàn công nghệ trong nước đi vào vận hành và tháng 4/2005, ông mới gắn đồng hồ đo điện vào hệ thống ĐMT để biết điện năng tiêu thụ, có nghĩa là biết được số tiền điện mà ông tiết kiệm được.
“Hơn 1 tháng, đồng hồ chỉ 733KWh. Tính bình quân 1.000đ/KWh điện thì đã tiết kiệm được 733.000 đồng. Cũng khá đấy chứ” – ông Dũng chỉ tay vào đồng hồ đo điện cười khà khà vẻ thích thú...
Mô hình mạng lưới điện mặt trời cục bộ của kỹ sư Trịnh Quang Dũng và cộng sự ở Phân viện Vật lý Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh được áp dụng ở khoảng 50 tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là vùng ven các thành phố, miền núi. Điển hình là mạng lưới điện mặt trời tại buôn Chăm, Ea Hleo, Dak Lak. Mô hình này không chỉ cung cấp điện cho nhà sinh hoạt cộng động của buôn, mà còn phục vụ các lớp học, bơm nước giếng khoan... lân cận. 100% hộ dân trên địa bàn cũng được xây dựng mạng lưới ĐMT cục bộ, đảm bảo đủ điện phục vụ sinh hoạt.
Quy trình tái tạo điện từ mặt trời này còn được nhóm các nhà khoa học ứng dụng để tạo nhiên liệu cho xe cấp cứu của bệnh viện huyện Easup, Dak Lak; cho du thuyền của Công ty Mê Kông, TP.Hồ Chí Minh; trạm điện thoại vô tuyến ở Cù lao Long Định, Đồng Tháp... Sắp tới, nhóm các nhà khoa học sẽ triển khai làm 1 nhà ĐMT ở Kiên Giang và đang xúc tiến hợp tác với một dự án của Tây Ban Nha để nối mạng lưới ĐMT vào mạng lưới điện quốc gia hiện hành.
(Nguồn: CNTT)